Những mối quan hệ không giới hạn: Chị em phụ nữ có đang tự biến mình thành “cô gái ngoan thảm hại”?

Những mối quan hệ không giới hạn: Chị em phụ nữ có đang tự biến mình thành “cô gái ngoan thảm hại”?

, ,

Cố gắng thể hiện bản thân là một cô gái tử tế tốt tính, đáp ứng mọi yêu cầu của kẻ khác không giúp chúng ta trở thành người phụ nữ hạnh phúc. Ngay cả khi bạn cho rằng mình đang cư xử theo cách khéo léo không mất lòng ai, bạn vẫn có nguy cơ thất bại trong việc xây dựng những mối quan hệ chất lượng.

Trong cuốn sách “Dám bị ghét” của tác giả Kishimi Ichiro có một luận điểm rất xác đáng “Mọi phiền muộn đều bắt đầu từ mối quan hệ giữa người với người”. Kể cả khi bạn đang ở tâm trạng tồi tệ, có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân – cũng xuất phát từ việc bạn đặt so sánh với những người xung quanh mình, hoặc những tổn thương do các mối quan hệ đem lại.

Cùng xem xét thêm 3 tình huống phổ biến bên dưới:

Cô gái luôn nói “CÓ”

Hãy nhớ lại bạn biết ít nhất một cô gái nói “CÓ” với mọi yêu cầu, giúp đỡ bất kỳ ai nhờ vả ở công ty. Cô gái ấy trước mặt thì vui vẻ giúp đỡ nhưng trong lòng lại ngấm ngầm ấm ức vì sao người ta cứ yêu cầu mình làm việc nọ đến việc kia. Khi tức giận, cô ấy chỉ có thể im lặng rồi kể hết ấm ức với con mèo ở nhà.

Bạn trai thất thường

Bạn hẹn bạn trai tối thứ Bảy, anh ta không tới, tối Chủ nhật lại hiện diện trước cửa nhà bạn, không hẹn trước. Anh ta thường xuyên như vậy, xuất hiện vào những lúc bạn không sẵn sàng và biến mất vào lúc bạn mong gặp. Bạn bực bội nhưng vẫn tự nhủ rằng có lẽ đó là do anh ta quá bận, hoặc tính cách thất thường nghệ sĩ của anh ta. Bạn cùng phòng thì nói với bạn đó là chuyện bình thường, với lại, có bạn trai là tốt lắm rồi.

Cô bạn thân lụy tình

Cô bạn thân khóc lóc đòi chia tay người yêu vì gã này phản bội, bạn tức tối tìm gặp gã trai nói chuyện cho ra lẽ. Sau đó, hai người này vẫn quay lại với nhau. Bạn chửi bạn mình, chửi gã người yêu kia, bạn giận dữ vì cô bạn thân không nghe lời khuyên mình đã tận tâm chia sẻ. Sau đó bạn và bạn thân không còn như trước nữa.

Ba ví dụ phía trên chỉ là chút ít minh họa cho vô vàn trường hợp ứng xử mắc kẹt của chị em phụ nữ chúng ta. Và tất cả đều xuất phát từ một khía cạnh ít ai ngờ đến: chúng ta đã không đặt giới hạn cho những mối quan hệ xung quanh mình. Ta để cho người khác làm sứt mẻ các chuẩn mực của bản thân, và chính bản thân chúng ta cũng can thiệp quá sâu vào cuộc sống người khác mà không hề nhận ra.

Đây là vấn đề của tất cả các mối quan hệ thất bại: KHÔNG THIẾT LẬP RANH GIỚI của mình và cho người khác biết điều đó. Nói một cách lạc quan thì đây là kiểu QUAN HỆ KHÔNG GIỚI HẠN.

Không đặt giới hạn cho các mối quan hệ là gì?

Thiết lập ranh giới là tập hợp các hướng dẫn giúp người khác biết cách đối xử với bạn – những gì bạn thấy thoải mái và những gì không. Điều này sẽ giúp bạn luôn thoải mái trong các mối quan hệ và không phải gắng gượng cảm xúc chỉ để trông có vẻ tử tế đáng yêu. Nếu bạn không có giới hạn, hay người khác không biết chính xác bạn muốn họ ứng xử thế nào, họ có thể đối xử với bạn theo cách họ muốn và bạn sẽ luôn ở hoàn cảnh cô gái ngoan lành chịu nhiều ấm ức.

Gửi cho ai đó thông điệp rằng bạn sẽ luôn ở đó cho dù họ đối xử với bạn như thế nào là một điều nguy hiểm.

Dấu hiệu của việc không đặt giới hạn cho mối quan hệ

Dù bạn tự nhận định rằng mình không phải là người có các mối quan hệ kém chất lượng, bạn có lẽ đang chưa đặt giới hạn cho các mối quan hệ mà không biết. 

Thực ra đây là vấn đề phổ biến của mọi cô gái, nhất là ở trong xã hội Việt Nam chuộng lối hành xử đẹp lòng số đông. Chúng ta chỉ được khuyên nhủ hãy ngoan ngoãn, tử tế, dễ thương, thông minh, độc lập, nhưng vẫn phải được lòng tất cả mọi người. Không ai chỉ dẫn các cô gái nên đặt ra các quy tắc và yêu cầu người khác tôn trọng bản sắc cá nhân mình, dù truyền thông hay các KOLs luôn ra rả nữ quyền các kiểu. Vì vậy, chúng ta cùng nhìn nhận thật kỹ mọi dấu hiệu trước khi bắt tay vào giải quyết.

Dưới đây là một số dấu hiệu để bạn kiểm chứng, dù chỉ có 1 dấu hiệu thôi thì đó cũng rất đáng để bạn lưu tâm:

1. Không thể nói “KHÔNG”

Khi bạn không đặt giới hạn, bạn có thể không thể từ chối một yêu cầu hay lời đề nghị từ người khác, dù cho đó có làm bạn khó khăn hoặc không phù hợp với thời gian biểu của bạn. Điều nguy hiểm là chúng ta ngộ nhận ý nghĩa của việc nói CÓ theo những hướng mang màu sắc tích cực, có lợi cho bản thân như “tôi muốn giúp đỡ người khác, tôi không muốn làm họ buồn, tôi đang xây dựng mối quan hệ, tôi có tầm ảnh hưởng…”

2. Dành quá nhiều thời gian để tham gia hoạt động của người khác

Khi bạn không đặt giới hạn, bạn có thể dành quá nhiều thời gian và năng lượng cho người khác, đôi khi đến mức bỏ lỡ những hoạt động, sở thích và mục tiêu quan trọng của chính mình. Khi thời gian trôi qua, bạn nhận ra rằng những hoạt động này phần lớn là vô nghĩa với bạn.

3. Phụ thuộc vào ý kiến của người khác

Quyết định của bạn luôn bị ảnh hưởng ít nhiều bởi người khác. Bạn không có khả năng tự chủ để đưa ra quyết định, hay không đủ tự tin vào các lựa chọn của mình. Để người khác can thiệp vào lập trường của bạn cũng là một dấu hiệu tinh vi của việc không có giới hạn trong mối quan hệ.

4. Sợ bị từ chối

Bạn không dám đưa ra đề nghị, nguyện vọng của mình vì sợ người khác từ chối. Và sâu xa hơn bị từ chối, thường núp bóng dưới các ý nghĩa như sợ làm phiền người khác, sợ mình không xứng đáng, sợ bị xem thường. Bạn gắn nhãn những lời từ chối với ý nghĩa tiêu cực.

5. Chấp nhận sự thiếu tôn trọng hoặc lạm dụng

Không chỉ bố mẹ, mà các mối quan hệ khác có thể đem đến cho bạn cảm giác bạn không được đối xử tôn trọng. Và tai hại nhiều người cho rằng đó là điều bình thường của mọi mối quan hệ. Sếp thường xuyên nhờ vả bạn đón con sếp. Ai cũng biết bạn không có trách nhiệm trong việc này, nhưng đến 9/10 người sẽ chấp nhận việc này vì họ cho rằng như vậy có lợi cho mối quan hệ với cấp trên, vả lại công việc không có gì vất vả. Sếp đang lạm dụng quyền lực để ép bạn làm một việc không nằm trong phạm vi công việc. Nếu bạn xem điều này là bình thường, bạn đang không có ranh giới rõ ràng với người khác.

6. Trở nên tham gia quá mức vào vấn đề của người khác

Giống như ví dụ cô bạn thân ở trên, chúng ta thường đi quá giới hạn khi đặt vai trò của mình quá mức trong vấn đề của người khác. Bạn nghĩ mình sẽ giúp họ giải quyết vấn đề, ra quyết định, cải thiện sức khỏe, thậm chí áp đặt các tiêu chí của bản thân cho họ. Giống như một câu tục ngữ Việt Nam “mua dây buộc mình”. Mà, có thể bạn cũng mong đợi người khác tham gia vào cuộc sống của mình nhỉ?

7. Chia sẻ thông tin quá mức

Bạn đã nói cho người khác biết quá nhiều về cuộc sống, đời tư của mình. Tôi hiểu, từ “quá mức” ở đây là một tính từ chung chung, rất khó để chúng ta cùng nhìn nhận thế nào là “quá mức”.

Theo tôi, “quá mức” thể hiện ở 3 điều:

  • Một là thông tin riêng tư quá mức với mức độ mối quan hệ, ví dụ nói rõ gia cảnh với người mới gặp lần đầu.
  • Hai là, thông tin nhạy cảm cho đối tượng không thể tiết lộ, như nói mức lương thưởng cho đồng nghiệp.
  • Ba là, thông tin chi tiết không cần thiết cho người nghe (và có thể họ không muốn nghe), ví dụ vụ xích mích nhỏ của vợ chồng bạn cho cô bạn thân.

8. Khó chấp nhận “KHÔNG” từ người khác

Có lẽ bạn nói CÓ với hầu hết trường hợp cũng chính bởi bạn kỳ vọng họ sẽ làm điều tương tự với mình. Bạn giúp đỡ họ, và kỳ vọng họ một lúc nào đấy sẽ giúp đỡ lại bạn. Nhiều người cho rằng đây là một chiến lược giao tiếp khôn ngoan nhưng tôi cho đó là thứ thổ tả nhất trần đời. Bạn đang biến mình thành một công cụ và cũng xem người khác như một công cụ cho mục đích của mình. Không ai có nghĩa vụ phải nói CÓ với bạn và ngược lại.

9. Có xu hướng thích đánh giá và áp đặt cho người khác

Không có giới hạn rõ ràng không chỉ thể hiện những bất lợi người khác gây ra cho bạn, mà còn ở hướng ngược lại. Đánh giá, áp đặt các tiêu chuẩn cá nhân cho người khác là một biểu hiện rõ nét cho điều đó. Vì bạn hay đánh giá người khác, bạn cũng sợ người khác đánh giá mình, từ đó cố gắng thể hiện tốt nhất có thể ở mọi mặt. Điều này quả thật là một vòng tròn đáng sợ, dễ thấy nhất là trường hợp các bà mẹ chồng khắc nghiệt, phán xét con dâu nhưng chính họ cũng sợ người khác phán xét mình.

10. Giữ khoảng cách với người khác và tránh sự thân mật

Bạn không thể giải quyết ổn thỏa các mối quan hệ, do đó bạn bắt đầu đẩy tất cả ra xa. Bạn né tránh các mối quan hệ vì sợ họ sẽ làm tổn thương mình, mà bạn lại không có khả năng khiến họ ngưng làm điều đó. Điều này đúng với một số người, tuy nhiên nếu bạn đang tránh né tất cả, đây có thể là vấn đề.

11. Tự xoa dịu, trấn an bản thân khi bị tổn thương do người khác gây ra

Những cô gái ngoan rất có năng lực trong việc củng cố khả năng chịu đựng của mình trong các mối quan hệ. Họ tổn thương, họ đau khổ nhưng rồi họ lại tìm các lý do để bào chữa cho kẻ vừa đấm vào mặt họ. Các mỹ từ như tha thứ, bao dung, rộng lượng, đừng chấp nhặt, cảm thông được đặt sai chỗ để phục vụ cho những suy nghĩ lệch lạc. Hãy sống ích kỷ lên nào, thiên thần có cánh còn bạn không thể bám víu vào đâu nếu cứ không biết nghĩ cho bản thân như vậy đâu.

12. Cảm thấy có trách nhiệm với hạnh phúc của người khác

Khi ai đó gặp vấn đề, thật tốt nếu chúng ta quan tâm và giúp đỡ họ. Nhưng không có giới hạn sẽ khiến bạn dán chặt tâm trí vào việc cải thiện cuộc sống của người khác thay vì chính mình. Nếu điều gì đó không hay xảy ra với họ, bạn đều cho rằng đó có một phần lỗi của bạn. Và ngược lại, thành công của họ có lẽ cũng là thành công của bạn, do bạn góp sức xây nên. Điều đó khiến bạn có động lực hơn nữa nâng tầm ảnh hưởng của mình đến cuộc đời người khác.

13. Cảm thấy bất lực và ý thức yếu ớt về bản thân

Vì không rõ ràng về nhu cầu và bản sắc cá nhân, bạn cũng không biết mình nên mong đợi gì ở người khác, điều họ có thể và không thể làm với bạn. Đây là biểu hiện sâu sắc nhất, cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến việc thiết lập ranh giới mờ nhạt. Nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về hạ thấp lòng tự trọng, phụ thuộc vào người khác và niềm khát khao mình sẽ có ý nghĩa với ai đó.

Tóm lại cái bài dài thòng

Chỉ sở hữu 1 trong các dấu hiệu trên cũng là đèn đỏ cảnh báo bạn nên xem xét lại cách mình đang giao tiếp với người xung quanh trong các mối quan hệ. Tôi biết, không có cô gái nào muốn tự nhận mình có vấn đề trong giao tiếp, dù họ đúng là các cô gái tốt bụng hiền lành cả nể, họ vẫn nghĩ mọi hành động của mình là hợp lý. Vì vậy, sự trung thực nhìn nhận vào những câu chuyện khiến bạn khó chịu là một bước đi đáng kể đòi hỏi tinh thần dám đối mặt. Thừa nhận mình đang gặp rắc rối là bước quan trọng đầu tiên để cải thiện nó.

Tóm lại dấu hiệu không có giới hạn trong các mối quan hệ
  1. Bạn không thể nói “không”
  2. Bạn dành quá nhiều thời gian để tham gia hoạt động của người khác
  3. Phụ thuộc vào ý kiến của người khác:
  4. Sợ bị từ chối:
  5. Chấp nhận sự thiếu tôn trọng hoặc lạm dụng.
  6. Trở nên tham gia quá mức vào vấn đề của người khác.
  7. Chia sẻ thông tin quá mức.
  8. Khó chấp nhận “không” từ người khác:
  9. Có xu hướng thích đánh giá và áp đặt cho người khác.
  10. Giữ khoảng cách với người khác và tránh sự thân mật.
  11. Tự xoa dịu, trấn an bản thân khi bị tổn thương do người khác gây ra.
  12. Cảm thấy có trách nhiệm với hạnh phúc của người khác.
  13. Cảm thấy bất lực và ý thức yếu ớt về bản thân.

Thậm chí khi ta biết rằng mình đang không ở trong một mối quan hệ tốt nhưng vẫn chịu đựng và tiếp tục, đó không phải là một lựa chọn vô lý. Bài viết tiếp theo này sẽ cùng chị em nhìn nhận rốt cuộc chúng ta sẽ chịu hậu quả gì với tình trạng không có giới hạn khi thiết lập quan hệ và do nguồn cơn nào mà chị em vẫn chịu đựng nó, ở góc độ tâm lý học.

Tài liệu tham khảo:

Bài viết tham khảo các nguồn tài liệu:

(*) Bài viết (bao gồm nội dung và hình ảnh) thuộc sở hữu của Sabia.vn, mọi sao chép vui lòng dẫn link bài viết và ghi rõ nguồn Sabia.vn.

Về tác giả