Làm thế nào để thiết lập ranh giới cho mối quan hệ - Cách để bắt đầu

Làm thế nào để thiết lập ranh giới cho mối quan hệ – Cách để bắt đầu

, ,

Việc thiết lập giới hạn cho mối quan hệ cũng giống như luật an toàn giao thông. Chúng ta có đèn xanh đèn đỏ, vạch kẻ đường, phân làn, biển báo chỉ dẫn nên đi thế nào. Nếu không có hệ thống chỉ dẫn này, việc ra đường là một cơn ác mộng, đặc biệt khi lưu lượng xe càng đông, mọi người sẽ không biết nên đi thế nào để an toàn cho mình và cho người khác.

Những bài viết trước đã nói về sự quan trọng phải đặt ra ranh giới cho các tình huống giao tiếp, nhưng có lẽ bạn chưa hình dung được cụ thể nó là như thế nào. Bài viết này sẽ phân tích một vài tình huống và đưa ra một số cách thức để bạn bắt đầu.

Xác định giới hạn khi giao tiếp với người khác

Tình huống giao tiếp ở quán ốc

Làm gì khi bị làm phiền?

Ăn ốc mà cũng không yên

Đây là một tình huống giao tiếp phổ biến mà chị em phụ nữ phải đối mặt trong tâm thế không phản kháng. Phần đông chị em sẽ im lặng chịu đựng vì ngại làm mất thể diện của đối phương hoặc tỏ ra mình quá thô lỗ/khó tính. Ba cô gái sẽ kỳ vọng hai chàng trai bỏ đi càng sớm càng tốt, thay vì chủ động đề nghị để cho họ sự riêng tư.

Bây giờ hãy xem xét tiếp diễn biến câu chuyện ở các cấp độ sau:

Cấp độ 1: Sự có mặt của hai chàng trai làm mất thời gian vui vẻ của ba cô gái

Cấp độ 2: Hai chàng trai có lời nói suồng sã, ngỏ ý tán tỉnh hai người bạn của Ngọc.

Cấp độ 3: Hai chàng trai có hành vi khiếm nhã, cố ý đụng chạm

Cấp độ 4: Hai chàng trai có ý gân hấn, đe dọa khi thấy ba cô gái có vẻ không đón tiếp mình

Ba cô gái sẽ lên tiếng ở cấp độ nào? Đó chính là cách mà mỗi người quy định ranh giới của mình đặt ở đâu. Nếu sự có mặt của ai đó làm phiền thời gian của bạn đã là vi phạm ranh giới của bạn, bạn sẽ lên tiếng ngay khi tình huống ở cấp độ đầu tiên này. Còn nếu bạn cho rằng chỉ ở cấp độ 4 mới cần phải phản kháng, đó chính là giới hạn của bạn. Bây giờ thì chị em đều hiểu rằng, cái gọi là giới hạn trong giao tiếp không phải là điều gì cao siêu, nó đơn giản thể hiện ở mức chịu đựng bạn đặt ra cho mọi tình huống tương tác với người khác.

Và sâu xa hơn, ranh giới này thể hiện giá trị cá nhân mà bạn muốn người khác tôn trọng ở nơi bạn. Cách bạn phản ứng cho họ biết rằng họ nên đối xử với bạn thế nào, và họ sẽ phải trả giá thế nào nếu vượt quá giới hạn.

Điều này không những giúp chị em bảo vệ bản thân mà còn củng cố niềm tin, tăng mức độ thỏa mãn trong các mối quan hệ và từ đó hạnh phúc hơn với cuộc sống của mình. Tự đưa ra các giới hạn cho bản thân mình đủ mạnh sẽ giúp bạn khẳng định giá trị cá nhân mình, tạo nên những mối quan hệ chất lượng.

Cách để bắt đầu thiết lập ranh giới trong giao tiếp

A – ĐỐI VỚI BẢN THÂN

1. Rèn luyện khả năng nhận biết về cảm xúc, nhu cầu của bạn và người khác

Cuộc sống quá vội vã khiến ta nhanh chóng quên đi cảm giác khó chịu mà ai đó vừa gây ra, để rồi điều đó lặp đi lặp lại gây đau khổ cho bạn. Câu chuyện này cũng diễn ra tương tự khi bạn làm tổn thương người khác.

Khi giao tiếp, trò chuyện với người khác, hãy tập trung vào thái độ của người đối diện và cảm nhận của bạn. Họ đã cau mày ở thời điểm nào? Chủ đề nào mà họ không muốn thảo luận sâu hơn? Họ trở nên phòng thủ hơn như thế nào? Về phía bạn, hãy suy nghĩ về những điều mình cảm thấy không thoải mái sau khi trò chuyện, ghi chép lại. Ghi chép lại giúp bạn xâu chuỗi các sự kiện và nhìn rõ cảm xúc của chính mình.

Cảm xúc là một dạng phản ứng

Đừng chủ quan với cảm xúc của bạn

Ăn ốc mà cũng không yên


Đặc biệt để ý đến những cảm xúc mang tính tiêu cực, gây ra sự không thoải mái cho cả hai để có sự điều chỉnh trong cách ứng xử. Điều này sẽ giúp hai bên tôn trọng, tin tưởng, gắn kết với nhau hơn.

2. Gọi tên cảm xúc của bạn và các hành động khó chịu liên quan mà người khác gây ra

Một người phải biết điều gì khiến họ cảm thấy an toàn và thoải mái, điều gì khiến họ khó chịu và tức giận. Nó sẽ bắt đầu bằng những câu đơn giản như “tôi khó chịu khi người khác vỗ vai. Tôi không thích khi ai đó tùy ý sử dụng đồ đạc của tôi”.

Khi bạn hình dung ra tình huống cụ thể nơi mà giới hạn của bạn bị xâm phạm, bạn sẽ suy nghĩ đến việc mình cần làm gì để giải quyết. Đây gọi là mẹo “diễn tập tinh thần”, giúp bạn thực hành việc yêu cầu người khác hiểu và tôn trọng giới hạn của mình.

3. Đặt quy tắc cho bản thân để không tự phá vỡ giới hạn trong mối quan hệ:

Đặt một số quy tắc cho bản thân mình để đảm bảo rằng bạn không vượt qua những giới hạn của mình cũng như với người khác. Ví dụ bạn đã nói với bạn bè không nhắn tin khi bạn đang làm việc nhưng họ vẫn nhắn. Vậy việc cần làm là bạn sẽ không phản hồi các tin nhắn này, để họ hiểu rằng nếu họ phá vỡ nguyên tắc của bạn, họ sẽ không đạt được kết quả nào.

4. Tập trung vào những điều quan trọng

Hãy tập trung vào những điều quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn và đặt chúng lên hàng đầu. Nếu một mối quan hệ đang làm cho bạn mất tập trung và không thể tập trung vào những điều quan trọng, hãy giảm thiểu thời gian dành cho mối quan hệ đó hoặc đưa ra những giới hạn khác.

Bạn muốn giúp đỡ đồng nghiệp nhưng chỉ sau khi bạn xong việc hàng ngày của mình – đó là điều quan trọng nhất cần làm của bạn. Nếu không có sự ưu tiên và không có thỏa hiệp, bạn sẽ bị nhấn chìm bởi sự tốt bụng vô lý của mình.

5. Nhất quán trong việc duy trì ranh giới

Nguyên tắc nào bạn đã đặt ra đều cần phải được duy trì nhất quán. Sự duy trì ở đây nằm ở phía bạn luôn kiên trì với nguyên tắc của mình, và bạn cũng yêu cầu ở người khác điều đó. Sai lầm của nhiều cô gái là tự phá vỡ giới hạn của mình trước khi người khác kịp làm điều đó.

Xem điện thoại của bạn trai đang ngoại tình

Đáng hay không?

Tự phá vỡ giới hạn để “trả đũa”

B – ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÁC

1. Sớm thiết lập ranh giới trong mối quan hệ

Những nguyên tắc của bạn nên được cho người khác biết càng sớm càng tốt khi bắt đầu mối quan hệ. Điều này giúp hai bên hiểu nhau hơn và họ cũng có thể trao đổi giới hạn nên được đặt ra như thế nào, được cam kết ra sao.

Với văn hóa Việt nam, thật khó để thẳng thắn mọi thứ ngay từ đầu. Tuy nhiên bạn có thể gửi đi một vài dấu hiệu thể hiện bạn muốn có ranh giới trong mối quan hệ này. Ví dụ khi mới làm quen ai đó, bạn để họ biết rằng không thể nhắn tin, hẹn hò vào những thời điểm nhất định. Với nhà tuyển dụng, bạn cho họ biết rằng bạn sẽ sẵn sàng rời đi nếu không được đối xử công bằng…

2. Thoải mái khi nói “Không”

Mỗi khi nói không là bạn đã cân nhắc đến cảm xúc và nhu cầu của chính mình. Bạn cần phải cân nhắc đến cảm xúc và nhu cầu của mình trước khi đồng ý với một yêu cầu nào đó từ đối tác của bạn. Nếu bạn không muốn làm điều đó, hãy nói không và giải thích lý do của mình.

Sẽ có nhiều người không muốn thấu hiểu sự từ chối của bạn, hãy cảm thấy thoải mái với điều đó. Bạn không nên ngoài miệng nói KHÔNG và trong lòng mong nhận được sự đồng cảm. Khi dũng cảm nói từ chối, nghĩa là bạn sẵn sàng bị đối phương phiền lòng.

3. Đặt danh xưng “Tôi” thay vì “Anh”

Khi bạn yêu cầu người khác hiểu giới hạn của mình, hãy dùng câu bắt đầu với từ “Tôi”. Đó là tiêu chuẩn của “Tôi”, không phải là sự áp đặt suy nghĩ lên các bạn. 

Ví dụ đồng nghiệp nam quàng vai bạn và bạn không thích điều này. Thay vì nói “anh đúng là đồ bất lịch sự…” hay chỉ trích anh ta khiếm nhã, hãy nói “tôi không cảm thấy thoải mái, đừng làm vậy nữa nhé”. Khi bạn bắt đầu vấn đề bằng chính bản thân mình, bạn đang khéo léo thể hiện quan điểm mà không rơi vào tình thế tấn công cá nhân người khác. 

Các giới hạn của bạn chỉ đơn giản là luật chơi của bạn, người khác cần tôn trọng. Bạn không đánh giá những ai phá vỡ giới hạn này, bạn đang yêu cầu họ hiểu và làm theo mà thôi.

4. Tôn trọng giới hạn của người khác

Ông bà ta có câu “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Đi đến thỏa thuận về việc thiết lập giới hạn và tôn trọng giới hạn của nhau có thể tăng cường mối quan hệ. Đưa ra các lĩnh vực có vấn đề theo cách không tích cực và không phán xét có thể mở ra một mối quan hệ cá nhân với khả năng thân mật hơn.

5. Giới hạn cần được linh hoạt cho các nhóm đối tượng đặc biệt

Nguyên tắc vẫn cần được linh hoạt cho các đối tượng hoặc tình huống đặc biệt. Bạn có thể thấy rõ điều này khi quay lại câu chuyện tình huống ở đầu bài. Tùy vào tình hình thực tế mà bạn sẽ thấy các cô gái có cách hành xử khác nhau, ở các mức giới hạn khác nhau.

Trong nhiều trường hợp, an toàn cá nhân quan trọng hơn nguyên tắc hành xử. Sẽ rất khó yêu cầu những người thuộc nhóm say xỉn, có vấn đề tâm lý, kẻ ái kỷ tuân thủ giới hạn của bạn. Điều bạn cần làm với đối tượng này là tránh xa, thay vì cố gắng khiến họ tôn trọng nguyên tắc của bạn.

Tóm lại cái bài dài thòng

Đọc đến đây, tôi hy vọng bạn sẽ cũng như tôi, thấm thía tầm quan trọng của việc thiết lập ranh giới cho các mối quan hệ. Vấn đề là, làm thế nào để thiết lập và thực thi ranh giới hiệu quả, lành mạnh? Hãy cùng khám phá trong bài viết tiếp theo nhé.

Xác định giới hạn khi giao tiếp với người khác – Phân tích tình huống thực tế
  1. Tình huống ăn ốc
  2. Cách bạn đặt giới hạn thể hiện nhu cầu và giá trị cá nhân.
Cách để bắt đầu thiết lập ranh giới trong giao tiếp

A- ĐỐI VỚI BẢN THÂN

  1. Rèn luyện khả năng nhận biết về cảm xúc, nhu cầu của bạn và người khác
  2. Gọi tên cảm xúc của bạn và các hành động khó chịu liên quan  mà người khác gây ra
  3. Đặt quy tắc cho bản thân để không tự phá vỡ giới hạn trong mối quan hệ: 
  4. Tập trung vào những điều quan trọng: 
  5.  Nhất quán trong việc duy trì ranh giới

B – ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÁC

  1. Sớm thiết lập ranh giới trong mối quan hệ
  2. Thoải mái khi nói “Không” 
  3. Đặt danh xưng “Tôi” thay vì “các bạn”. 
  4. Tôn trọng giới hạn của người khác
  5. Giới hạn cần được linh hoạt cho các nhóm đối tượng đặc biệt

Tài liệu tham khảo:

Bài viết tham khảo các nguồn tài liệu:

(*) Bài viết (bao gồm nội dung và hình ảnh) thuộc sở hữu của Sabia.vn, mọi sao chép vui lòng dẫn link bài viết và ghi rõ nguồn Sabia.vn.

Về tác giả