Một ý nghĩ có thể trở nên đáng lo ngại như thế nào: Vấn đề của suy nghĩ

Một ý nghĩ có thể trở nên đáng lo ngại như thế nào: Vấn đề của suy nghĩ

,

3. Vòng lặp phản hồi của suy nghĩ – cảm xúc

Như tôi đã phân tích vụ đổ cà phê, khi ta tập trung chú ý vào một suy nghĩ nào đó, nó sẽ trở nên rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Đến một mức nào đó, suy nghĩ này sẽ kích hoạt cảm xúc và tần số rung động của những cảm xúc này sẽ phản hồi lại suy nghĩ ban đầu. Chúng ta hiểu rằng suy nghĩ đó bắt đầu được xác thực và dành chú ý nhiều hơn cho nó. Sự chú ý này khẳng định lại cảm xúc, sau đó cảm xúc lại phản hồi theo cách cũ với suy nghĩ ban đầu. Và thế là chúng ta trải qua một chu kỳ liên tục suy nghĩ, cảm nhận, suy nghĩ, cảm nhận, suy nghĩ, cảm nhận. 

Vấn đề là cảm xúc có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác, ví dụ như môi trường xung quanh, ngoại cảnh, giấc ngủ, thậm chí là những thứ bạn ăn. Do vậy ở chiều phản hồi của cảm xúc lên suy nghĩ, chúng ta sẽ nhận được những tín hiệu không nhất quán với nhau.

Điều kiện ngoại cảnhCảm xúcSuy nghĩ
– Trời nắng nóng
– Vừa gặp lỗi trong công việc
– Cơ thể bức bối, khó chịu
– Cảm giác ức chế
– Việc đổ cà phê thật là bi kịch cuộc đời
– Đồng nghiệp hẳn là cố ý
– Thời tiết mát mẻ
– Được “crush” nhắn tin hỏi thăm
– Cơ thể dễ chịu
– Vui vẻ, hân hoan
– Việc đổ cà phê chỉ là chuyện nhỏ
– Đồng nghiệp không cố ý
Ví dụ vụ đổ cà phê cho thấy yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng đến cảm xúc, sau đó cảm xúc ảnh hưởng lên suy nghĩ như thế nào.

Có thể bạn cho rằng ví dụ cà phê khá vặt vãnh, nhưng với kinh nghiệm của mình, tôi nhận thấy rằng điều này khá đúng với mọi suy nghĩ. Chẳng hạn như suy nghĩ của tôi về việc học vẽ. Tôi nhận thấy rằng một số ngày tôi khá hài lòng với kết quả của mình, một số ngày thì tôi khá chán nản, thất vọng. Khi tôi tập trung vào tiến bộ nhỏ nhặt của mình, tôi cảm thấy hy vọng tràn trề, có thêm động lực để tập luyện. Nhưng khi tôi tập trung vào những nhược điểm tệ hại, tôi cảm thấy như mình đang rơi vào ngõ cụt. Ở hai trạng thái cảm xúc trái ngược nhau, việc tập luyện của tôi vì thế đem lại kết quả không giống nhau. Khi vui vẻ, tâm trạng thả lỏng, tôi dễ kiểm soát đường nét của mình hơn. Trái lại trong sự bất lực gia tăng, tôi vô cùng căng thẳng, tâm trí trống rỗng và chẳng vẽ vời được gì ra trò. 

Chúng ta dành tất cả thời gian, tiền bạc và năng lượng để cố gắng thay đổi trải nghiệm của mình ở bên ngoài, mà không nhận ra rằng toàn bộ sự việc đang được phóng chiếu từ trong ra ngoài

Michael Neill, Tác giả.

Như cách mà tâm trạng ảnh hưởng đến việc vẽ vời của tôi, những trạng thái cảm xúc đan xen lẫn nhau và chi phối cách chúng ta phản ứng, cuối cùng ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta.

4. Tác động của suy nghĩ – cảm xúc lên hành vi

Khom người, chau mày, rụt vai, cơ mặt giãn ra hay co lại, tay nắm chặt hay thả lỏng… đều là cách chúng ta phản ứng với môi trường xung quanh. Cách phản ứng này, như đã nói ở trên, chịu sự chi phối của cảm xúc. Cuối cùng, những yếu tố này sẽ quyết định cách mà ta hành động.

Tôi cho rằng bạn có thể thấy mối liên quan thú vị này ở những cảnh choảng nhau trong phim chưởng. Giả sử chúng ta đang xem một tình huống mà kẻ thù tra tấn một nhân vật nào đó ở nơi công khai để bắt những người liên quan phải lộ diện. Hãy so sánh cách phản ứng khác nhau khi hai nhân vật có suy nghĩ khác nhau.

Suy nghĩCảm xúcPhản ứngHành động
– Nếu xông ra thì tất cả cùng chết
– Hy sinh một người để cứu nhiều người
– Nhẫn nhịn
– Bất lực
– Đỏ mặt, đổ mồ hôi
– Người run lên vì giận
– Đứng yên, siết chặt tay
– Nếu chết thì tất cả cùng chết
– Không thể chịu nhục thêm nữa
– Kích động
– Tức giận
– Tim đập nhanh hơn
– Cơ thể vào trạng thái chuẩn bị hành động
– Nắm chặt vũ khí
– Hét lớn, lao ra hiện trường.
Ví dụ đơn giản về cách mà suy nghĩ ảnh hưởng lên hành động. Tất nhiên đây chỉ là mô hình lý tưởng, khi chúng ta trải qua đủ quy trình suy nghĩ đến hành động. Có nhiều trường hợp hành động mà không suy nghĩ.

Đây cũng là cách suy nghĩ của bạn tạo ra thực tế của bạn. Chính trong cách bạn cư xử và hành động mà bạn xác định bạn là ai và bạn trải nghiệm điều gì trong cuộc sống— điều này phản ánh cách bạn suy nghĩ, cảm nhận và hành động. Có thể nói rằng, suy nghĩ của bạn một ngày nào đó sẽ phá hủy bạn, chính là dựa vào mối quan hệ này của suy nghĩ – cảm xúc – hành động.

Những biến số quan trọng

Đây là phần tôi viết thêm vào so với bài viết gốc vì cảm thấy mô hình này vẫn có sơ hở. Tôi nghĩ mô hình mối liên hệ giữa suy nghĩ và hành vi ở trên có một vài biến số khiến vòng lặp không đi đúng đường của nó. Một mặt chúng ta tạm chấp nhận cách hoạt động của mối liên hệ này, mặt khác ta cần nhìn ra bức tranh rộng hơn để xem điều gì có thể gây sai sót.

Đầu tiên là sự chú ý vào một suy nghĩ. Cái gì khiến ta tập trung vào một suy nghĩ hơn những suy nghĩ khác? Đó có thể là tâm trạng, cảm xúc, tiềm thức, trải nghiệm cá nhân…Ví dụ một người từng bị bạn bè bắt nạt ở trường có sẽ xem một hành vi khiếm nhã của đồng nghiệp là bắt nạt nơi công sở hơn người khác.

Thứ hai là cảm xúc. Có những lúc bạn cố trấn an bản thân nhưng rõ ràng tâm trạng như chiếc xe không phanh cứ thế mà lao dốc. Có nhiều yếu tố tác động đến cảm xúc mà ta không ý thức được, như giấc ngủ, dinh dưỡng, tình trạng sức khỏe. Đặc biệt, thật khó để động viên ai đó vui lên khi với họ, việc thở cũng khó khăn.

Thứ ba là phản ứng của cơ thể. Tôi nhớ lại những lần mình nói trước đám đông, rõ ràng tôi không sợ hãi, không lo lắng, nhưng cơ thể tôi cứ run lên, tim đập thình thịch, giọng tôi thì nhỏ dần. Giọng nói tôi trở nên đứt quãng và điều đó làm cho tôi mất tự tin vô cùng. Điều gì đã xảy ra? Phản ứng của cơ thể chịu ảnh hưởng rất nhiều từ tiềm thức và trải nghiệm trong quá khứ – điều chúng ta ít khi nhận thức được.

Và khi hành vi không đem lại kết quả tốt mặc dù nó được hậu thuẫn bởi các yếu tố trên, nó sẽ khiến ta thay đổi suy nghĩ. Tự tin mình sẽ làm được nhưng kết quả thì bung bét cả có thể làm lung lay lòng kiên định của mỗi người.

Dù sao thì, suy nghĩ vẫn có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt cuộc đời ta đi đúng hướng. Dù cuộc sống có tệ hại đến đâu, hoàn cảnh có khổ sở thế nào, một niềm tin mạnh mẽ và sự cam kết hành động vẫn lợi hại hơn là suy nghĩ bất lực phó mặc cho số phận. Đó chính là lý do tại sao suy nghĩ có sức mạnh đáng sợ như vậy, và sự thay đổi thực sự bắt đầu từ bên trong chứ không phải bên ngoài.

Tóm lại cái bài dài thòng

Hy vọng rằng bài viết được dịch từ website và đưa vào các ví dụ cá nhân tôi giúp bạn nắm bắt được vấn đề và nhặt nhạnh được chút gì đó hữu ích cho bản thân. Tôi biết, các luận điểm trong bài viết này không quá mới mẻ, nhưng phân tích của tác giả thực sự đáng để chúng ta suy ngẫm sâu hơn về những gì xảy ra với cuộc đời mình.

Điều mà tôi ấn tượng với bài viết gốc là tác giả đã đưa ra một luận điểm quan trọng: các suy nghĩ chỉ trở nên mạnh mẽ nếu chúng ta tập trung sự chú ý cho nó. Đây là mấu chốt của vấn đề. Không phải là chúng ta không nên có một loại suy nghĩ nào đó, mà chúng ta không nên tập trung vào các suy nghĩ mà từ đó chúng gây ra chuỗi vòng lặp cảm xúc tiêu cực – hành vi bất lợi.

Như vậy, trong bài viết, chúng ta đã đi qua nội dung này:

Tình huống mở đầu
  1. Thay đổi suy nghĩ, thay đổi hành vi
  2. Thay đổi hành vi, cảm xúc nhưng không thay đổi suy nghĩ
Mối liên hệ giữa suy nghĩ, cảm xúc và hành vi
  1. Các ý nghĩ chỉ tạo ra ảnh hưởng nếu có sự chú ý
  2. Suy nghĩ đủ mạnh sẽ tác động lên cảm xúc và hành vi
  3. Vòng lặp phản hồi của suy nghĩ – cảm xúc
  4. Tác động của suy nghĩ – cảm xúc lên hành vi
Suy nghĩ: Vấn đề lớn nhất của chúng ta
  • Chúng ta không thực sự biết nên tập trung thay đổi suy nghĩ gì
  • Các chuỗi suy nghĩ đã củng cố một loại niềm tin, đến mức bạn cho rằng nó là sự thật không thể thay đổi
  • Cảm xúc và hoàn cảnh bên ngoài tác động vào khiến chúng ta tạo ra một vòng lặp phản hồi củng cố cho những suy nghĩ của chúng ta
  • Các niềm tin lại tạo ra một loại bộ lọc khiến chúng ta nhìn thế giới qua một lăng kính đã được chọn lọc. Ta sẽ tìm kiếm điều xác thực cho niềm tin của chính mình, thay vì nhận ra những điều mới mẻ.

Bài viết thuộc sở hữu của Sabia.vn. Mọi sao chép, trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn từ Sabia.

Bài viết được dịch và biên tập dựa trên bài viết gốc:

  1. https://www.omaritani.com/blog/what-you-think

Về tác giả