Mọi người nghĩ rằng hành động, cảm xúc, suy nghĩ của họ đều có chủ ý và họ luôn nhận thức rõ điều đó. Thực tế có đơn giản như vậy? Có lý do nào cho các hành động thường nhật mà chúng ta không nhận thức được không? Có phải mọi thứ bạn làm đều ở trong tầm kiểm soát?
Tác giả David McRaney trong cuốn sách “Bạn không thông minh lắm đâu” đã phân tích một vài luận điểm thú vị về chủ đề này qua khái niệm “mồi tiềm thức”. Trước hết hãy theo dõi một ví dụ trong sách.
Thí nghiệm mở đầu
1. Nghiên cứu về cảm giác tội lỗi
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã yêu cầu những người tham gia kể về một lỗi lầm khủng khiếp trong quá khứ, một việc họ đã làm trái với đạo lý. Các nhà nghiên cứu đã để những người này miêu tả về cảm giác của bản thân, sau đó chia số người tham gia thành 2 nhóm. Nhóm 1 không làm gì cả, nhóm 2 được bảo đi rửa tay.
Vào cuối buổi, cả hai nhóm được hỏi có sẵn lòng làm tình nguyện viên cho một nghiên cứu khác không, nhằm hỗ trợ cho một nghiên cứu sinh nghèo. Kết quả là, 74% nhóm 1 đồng ý tham gia, trong khi với nhóm 2, con số này là 41%! Theo các nhà nghiên cứu, nhóm rửa tay đã giảm cảm giác tội lỗi của mình một cách vô thức, do đó nhu cầu làm việc thiện để sám hối đã giảm xuống. Trái lại, những ai chưa rửa tay bị lỗi lầm ám ảnh nên có động lực làm một việc gì đó để xoa dịu tâm trạng của mình.
Nhưng họ KHÔNG HỀ Ý THỨC được điều đó.
(Nghiên cứu trên là của hai nhà khoa học Chen-Bo Zhong tại Đại học Toronto và Katie Liljenquist tại Đại học Tây Bắc. Nghiên cứu này đã được xuất bản trong một bài báo trên tạp chí Khoa học, số ra năm 2006).
2. Cảm giác tội lỗi và việc rửa tay có liên quan đến nhau không?
Việc rửa tay dĩ nhiên không giúp chúng ta gọt rửa lỗi lầm, nhưng lại mang một ý nghĩa nào đó làm giảm cảm giác tội lỗi cho người thực hiện.
Tất nhiên, điều thú vị là nếu được hỏi, chắc chắn người tham gia sẽ trả lời rằng tôi làm/không làm việc thiện vì tôi thích/không thích. Chẳng ai trả lời “tại tôi thấy sám hối nên muốn làm chút gì đó bù đắp” hoặc “sau khi rửa tay xong tôi thấy tội lỗi của mình giảm đi nhiều rồi, có lẽ nó không tệ đến thế”.
Mối liên hệ giữa rửa tay và rửa tội

Theo hai nhà nghiên cứu Zhong và Liljenquist “hầu hết các nền văn minh trong lịch sử đều sử dụng các ý niệm về sự sạch sẽ và thanh khiết cùng những từ đối nghịch diễn tả sự bẩn thỉu hay ô uế để nói về cả trạng thái vật chất lẫn tinh thần của con người. Rửa sạch là một phần không thể thiếu trong nhiều nghi lễ tôn giáo, và cũng là từ được dùng với ý nghĩa ẩn dụ trong ngôn ngữ hàng ngày. Giống như việc chúng ta hay so sánh những việc xấu xa là “việc làm bẩn thỉu”, hay gọi những kẻ xấu là “lũ cặn bã” vậy […] Một cách vô thức, những người tham gia thí nghiệm này đã kết nối việc rửa tay với tất cả những ý niệm có liên hệ tới hành động này, và sự liên hệ đó đã ảnh hưởng lên hành vi của họ.”
“Mồi tiềm thức” – Kẻ đứng sau nhiều quyết định của chúng ta
1. Khái niệm “mồi tiềm thức”
Thí nghiệm tội lỗi và rửa tay phía trên là một ví dụ cho thấy chúng ta bị ảnh hưởng bởi các yếu tố của tiềm thức như thế nào. Tiềm thức: là những suy nghĩ, ý tưởng, niềm tin, cảm xúc tồn tại trong tâm trí mà bạn không ý thức được nó (Nguồn: Britannica).
Khái niệm “mồi tiềm thức” dùng để chỉ việc một tác nhân trong quá khứ ảnh hưởng đến cách mà bạn hành xử, suy nghĩ, hay nhìn nhận các sự việc khác sau này.
“Mỗi nhận thức bạn có về thế giới xung quanh, dù bạn có ý thức được về nó hay không, cũng sẽ kích hoạt một loạt những ý niệm có sẵn trong não bộ” (chương “Mồi tiềm thức”, sách “Bạn không thông minh lắm đâu).
Tùy thuộc vào trải nghiệm trong quá khứ mà bạn sẽ có những liên tưởng khác nhau trong hiện tại. Sự liên tưởng này lại vô hình tác động lên hành vi, suy nghĩ, ứng xử của bạn.
Ví dụ những người bị bắt nạt khi còn đi học sẽ nhạy cảm hơn với những hình ảnh về bạo lực học đường, và có thể sẽ trở nên giận dữ nếu ai đó trêu đùa về việc này. Ngược lại những ai chưa trải qua sẽ xem nhẹ tác động của nó “chỉ là việc tụi trẻ con đánh nhau thôi mà”.
Con người bạn là một cá thể lớn và phức tạp hơn nhiều so với hình dung của chính bản thân bạn. Nếu hành vi của bạn là kết quả của mồi tiềm thức, là kết quả của những gợi ý tiềm ẩn được đưa ra bởi tiềm thức thích nghi, bạn sẽ sáng tác ra những lý do để giải thích và hợp lý hóa cảm xúc, quyết định, hay sự mơ màng của mình, bởi chính bản thân bạn cũng không biết tới sự tồn tại của những ảnh hưởng vô hình này. (Trích chương “Mồi tiềm thức”, sách “Bạn không thông minh lắm đâu).
2. Cách mà mồi tiềm thức chi phối hành động của chúng ta
Khi nào thì mồi tiềm thức thể hiện rõ nhất? Khi chúng ta sơ hở nhất, không tập trung ý thức của mình nhất.
Mỗi ngày chúng ta có hàng trăm suy nghĩ, hành động, từ nhỏ nhặt như đánh răng rửa mặt, cho đến các hoạt động phức tạp hơn như giải quyết một vấn đề ở công ty. Nếu lúc nào chúng ta cũng tập trung 100% ý thức để quyết định xem mình sẽ làm gì, bộ não sẽ nhanh chóng kiệt sức và nhiều người sẽ phát điên vì quá tải.
Do vậy mà não bộ đã vận hành theo cơ chế tự động cho các nhiệm vụ đơn giản, quen thuộc.
“Mồi tiềm thức sẽ có tác dụng nhất khi bạn ở trong trạng thái lái tự động, hay chính xác hơn là khi bạn không cố gắng chủ động đưa ra các lựa chọn để điều khiển hành vi của mình. Khi mà bạn không chắc là mình phải làm gì thì những ý tưởng gợi ý sẽ trồi lên từ phần sâu thẳm trong tâm trí, nơi luôn chịu tác động mạnh mẽ của mỗi tiềm thức. Thêm nữa, bản thân bộ não của bạn rất ghét sự nhập nhằng nên nó sẽ chấp nhận việc chọn con đường ngắn nhất để thoát khỏi trạng thái lưỡng lự”.

Cơ chế của mồi tiềm thức
Điều này thể hiện rõ nhất khi chúng ta gặp ai đó lần đầu. Chẳng hạn như cùng gặp một anh chàng đẹp trai bảnh bao nhưng cô gái xem nhiều phim ngôn tình sẽ trở nên mơ mộng, thích thú; trái lại một chị gái trải đời có thể không mấy thiện cảm với vẻ ngoài bóng bẩy kia. Trong tiềm thức của chị gái, trai đẹp thường sở khanh chẳng hạn.
Có thể làm gì với “mồi tiềm thức”?
Tôi nghĩ đây là một thuật ngữ khá quan trọng giúp chúng ta lý giải hành vi của bản thân và những người xung quanh. Tiềm thức thì khá rộng lớn, nhưng nghĩ về các tác nhân cụ thể mang tên “mồi tiềm thức” sẽ giúp ta hình dung rõ hơn điều gì đang ảnh hưởng đến mình.
Đây là một cách tiếp cận để chúng ta hiểu hơn về bản thân, đánh giá lại các tình huống, ứng xử trong quá khứ. Bởi tại thời điểm diễn ra hành động, chúng ta không nhận thức được điều gì đã xui khiến ta làm vậy.
Sau một thời gian, khi nhìn lại và phân tích sâu hơn, bạn và tôi có thể nhận thấy một số thứ. Đặc biệt, khi một hành động, một kiểu lời nói hay quan điểm lặp đi lặp lại mà không có lý do rõ ràng, rất có thể nó đã bị mồi tiềm thức chi phối. Để thay đổi được những kiểu hành động này, chúng ta cần tìm hiểu động cơ sâu xa của nó thay vì chỉ tin tưởng vào ý chí sắt đá của chúng ta.
Tóm lại cái bài dài thòng
Ví dụ về tiềm thức và cách nó ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta được rút ra từ chương Mồi tiềm thức, cuốn sách “Bạn không thông minh lắm đâu” của tác giả David MCRaney. Cuốn sách liệt kê các niềm tin sai lầm của chúng ta dưới góc độ tâm lý học, lý giải khá thú vị và hài hước về các lầm tưởng thường ngày mà mọi người mắc phải. Một số thuật ngữ quan trọng khác như Thiên kiến xác nhận, sự trì hoãn, các lỗi lập luận phổ biến cũng được đề cập trong cuốn sách.
Sách rất phù hợp để đọc giải trí và nắm bắt một số thuật ngữ quan trọng trong tâm lý học nhận thức. Hãy tìm đọc và quay trở lại thảo luận chủ đề này cùng Sabia nhé.
Chúc bạn vui!
Tài liệu tham khảo:

Bài viết dựa trên phần viết về Mồi tiềm thức, sách Bạn không thông minh lắm đâu, tác giả David McRaney.
(*) Bài viết (bao gồm nội dung và hình ảnh) thuộc sở hữu của Sabia.vn, mọi sao chép vui lòng dẫn link bài viết và ghi rõ nguồn Sabia.vn.