Vì sao bạn còn độc thân: Nỗi sợ thân mật

,

Ưa nhìn, công việc tốt, nhiều tài năng, tử tế, lành mạnh và đời sống tinh thần phong phú – quả là một hình mẫu người yêu lý tưởng cho bất kỳ giới tính nào. Nhưng bạn vẫn không tài nào có được một mối quan hệ lâu dài. Không phải vì không ai yêu bạn, mà bạn sợ yêu phải người ta.

Tình yêu là thế sao cứ u mê
Đôi lúc cô đơn ta loay hoay giữa dòng người
Và rồi em sẽ chả mãi ngô nghê
Tự nói với lòng mình là phải luôn kiêu kì

Không cần ghen – Trương Thảo Nhi

Liệu theo thời gian, khi độ tuổi tăng lên, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ, dạn dĩ, can đảm để gần gũi, yêu đương ai đó?

Không hề, chừng nào bạn còn chưa ý thức vấn đề của mình. Sau lòng tự trọng, nỗi sợ hãi khi thân mật với ai đó là một nguyên nhân sâu xa khiến ta rơi vào trạng thái độc thân lâu năm.

Lý do độc thân thứ hai: Bạn chưa phát triển kỹ năng thân mật

Nỗi sợ thân mật là gì?
  1. Các khía cạnh thân mật trong mối quan hệ
  2. Nhận biết nỗi sợ thân mật
Nỗi sợ thân mật dẫn đến điều gì?
  1. Tính phòng thủ cao
  2. Lựa chọn đối tượng hẹn hò không phù hợp
Bạn có thể làm gì?
  1. Tìm ra gốc rễ của nỗi sợ thân mật
  2. Quyết định cách bạn muốn tiếp cận các mối quan hệ trong tương lai
  3. Đừng ép mình trở nên thân mật để níu kéo mối quan hệ

Nỗi sợ hãi thân mật

Hoàn hảo nhưng không có người yêu. Đây là hình mẫu của một người làm tốt mọi thứ, trừ việc chạm đến chiều sâu cảm xúc khi kết nối với người khác và trở nên gắn bó hơn với các mối quan hệ. Nó giống như kiểu bạn chưa bao giờ cho người khác thấy sự yếu đuối, vô dụng của mình, và ngay khoảnh khắc bạn cảm thấy muốn làm điều đó, bạn thà từ bỏ chuyện yêu đương.

Minh họa bởi Quạ Xanh và Mèo Tím.

1. Sự thân mật là gì?

Đầu tiên chúng ta cần hiểu sự thân mật là gì: nó có nghĩa ta có thể bộc lộ chân thật con người thật của mình với người khác và kết nối sâu sắc theo cách đó.

1.1. Các khía cạnh thân mật trong mối quan hệ

Có thể hiểu sự thân mật được bộc lộ qua 4 nhóm trải nghiệm bên dưới:

  • Sự gần gũi về cảm xúc: Khả năng kết nối với người khác, để chúng ta có thể chia sẻ những cảm xúc sâu thẳm như nỗi sợ hãi, ước mơ, thất vọng và những cảm xúc phức tạp khác của chúng ta. Đồng thời, ta cảm nhận được sự đồng cảm, lắng nghe và hiểu biết từ đối tác.

  • Sự gần gũi về trí tuệ: Truyền đạt niềm tin và quan điểm mà không phải lo lắng về những xung đột hay phán xét từ đối phương. Mỗi người trong mối quan hệ được tự do suy nghĩ và tin rằng ý kiến của mình được coi trọng, không cảm thấy ép buộc phải đồng ý với nhau.

  • Trải nghiệm thân mật: Trải nghiệm cùng nhau là một yếu tố quan trọng để tạo nên sự thân mật. Đó là ta hứng khởi với các hoạt động chung như đi du lịch cùng nhau, tạo ra những kỷ niệm độc đáo và sự riêng tư chỉ có ở hai người. Cùng nhau làm việc nhóm và hướng tới mục tiêu chung cũng tạo nên sự gần gũi.

  • Gần gũi về tinh thần: Có những khoảnh khắc sâu sắc với ai đó. Nó có thể là việc thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, chia sẻ những khoảnh khắc đầy cảm hứng và cùng thảo luận về mục đích, ý nghĩa cuộc sống hay vấn đề tâm linh nào đó.

Nếu bạn chưa bao giờ gần gũi ai theo một hoặc cả bốn nhóm trên, hoặc ngộ nhận rằng mình đã thân mật với người khác nhưng thực ra thì chưa, thì bạn chưa có kỹ năng thân mật trong mối quan hệ. Và điều này cũng đồng nghĩa là chúng ta sẽ cảm thấy không thoải mái khi thực hiện chúng trong tương lai, với người mà chúng ta có ý định hẹn hò.

Putting my defenses up
‘Cause I don’t wanna fall in love
If I ever did that, I think I’d have a heart attack

Heart attack – Demi Lovato.
Sabia tạm dịch: “Bật chế độ kiêu kỳ vì em không muốn yêu đương mê đắm. Lỡ em mà yêu, có khác gì phải chịu đựng một cơn đau sâu thẳm”.

1.2. Nhận biết nỗi sợ thân mật

Khi ai đó sợ sự thân mật, họ gặp khó khăn với việc hình thành và duy trì các mối quan hệ quan trọng vì họ khó để chấp nhận sự tổn thương với chính mình và với người khác. Họ có vẻ cởi mở về mặt cảm xúc và có rất nhiều bạn bè và gia đình xung quanh – nhưng luôn trong giới hạn nào đó.

Khi ai đó muốn gần gũi hơn trong mối quan hệ, bạn cũng có mong đợi tương tự, nhưng rồi bạn quyết định dừng lại vì nỗi sợ tổn thương còn lớn hơn mong đợi được hạnh phúc. Lỡ như họ hết yêu mình thì sao? Lỡ họ làm tổn thương mình thì sao? “Ngọt ngào đến mấy cũng tan thành mây” mà.

Một người sợ sự thân mật cảm thấy không thể kết nối sâu sắc hơn với người khác, bởi họ cảm thấy không an toàn hoặc vô nghĩa khi chia sẻ một phần những tâm tư sâu kín của mình. Điều này không giống với thái độ dè chừng của chúng ta khi mới quen. Ta sẽ không vội thân thiết với ai đó vì chưa phải là lúc thích hợp, nhưng người có nỗi sợ thân mật thì ngay khoảnh khắc họ muốn kết nối sâu hơn với ai đó, họ bắt đầu rút lui khỏi mối quan hệ.

Sợ hãi thân mật không phải là lựa chọn có ý thức của bạn. Đó là vấn đề mang tính sống còn

Nhà trị liệu hôn nhân và gia đình Alison Gomez

Vì họ sợ thân mật. Và họ thành ra độc thân đến giờ.

2. Nỗi sợ thân mật dẫn đến điều gì?

2.1. Tính phòng thủ cao

Người có nỗi sợ thân mật thường có quá khứ bị tổn thương trong tình cảm hoặc những trải nghiệm không mấy tốt đẹp thời thơ ấu. Theo thời gian, chúng ta bắt đầu trở nên ngày càng phòng thủ hơn với mọi mối quan hệ, đặc biệt là người mà ta đặt nhiều tâm tư tình cảm nhất: đối tác hẹn hò.

Quá trình này bắt đầu rất lâu trước khi ta bước vào tuổi yêu đương, có thể từ lúc bé tí. Bức tường ngăn cách ta gần gũi hơn với người khác ngày càng cao lên mà ta không ý thức được. Ta trở nên nhạy cảm với sự tổn thương hoặc nói “Không” dễ dàng với bất kỳ ai khiến ta có cảm giác không an toàn về cảm xúc.

Kết quả là ta thường thà chọn độc thân chứ không rơi vào những mối quan hệ có nguy cơ khiến ta rối bời.

2.2. Lựa chọn đối tượng hẹn hò không phù hợp

Khi chúng ta hành động để phòng thủ, chúng ta có xu hướng chọn các mối quan hệ kém lý tưởng. Nghĩa là ta có thể thiết lập các mối quan hệ mà ta không ưng ý lắm bằng cách chọn một người ta không quá mặn mà. Rồi sau đó khi mối quan hệ không đi đến đâu, ta thường đổ lỗi cho người kia yêu đương í ẹ, chứ ít khi nghĩ rằng là do ta từ đầu mà ra cả. Điều đáng lo ngại của nỗi sợ thân mật là dù trải qua những mối tình hỏng bét theo những cách giống nhau (chọn người kém lý tưởng – yêu đương hời hợt – chia tay), đó lại là điều ta thực sự tìm kiếm cho mối quan hệ.

Nỗi sợ thân mật tiềm ẩn chính là “kẻ chủ mưu” đứng sau những mối quan hệ thất bại này. Nhiều người có động lực vô thức để tìm kiếm các mối quan hệ củng cố những niềm tin lệch lạc mà họ đã có từ lâu đối với bản thân và lặp lại những trải nghiệm tiêu cực trong thời thơ ấu của họ. Những điều này có thể khó chịu, nhưng việc phá vỡ những khuôn mẫu cũ còn khiến ta khó chịu hơn, đồng thời khiến chúng ta cảm thấy xa lạ và cô đơn trong một môi trường mà ta được yêu thương hơn.

Ví dụ, nếu từ nhỏ cha mẹ đã tỏ ra lạnh lùng xa cách với bạn, bạn sẽ lớn lên mà không có niềm tin rằng mình được yêu thương vô điều kiện. Bạn có thể cảm thấy nghi ngờ những người thể hiện sự quan tâm “quá nhiều” đến bạn và thay vào đó tìm kiếm các mối quan hệ cho bạn cảm giác như thời mình còn nhỏ. Nghĩa là bạn sẽ thấy thoải mái với ai đó không quá nồng nhiệt hay lạnh lùng với bạn nhiều hơn là một người chân thành ấm áp.
Và tất nhiên khi chọn như vậy, thì cuộc tình thường đổ bể hoặc duy trì trong hời hợt, thiếu kết nối.

3. Bạn có thể làm gì?

Như chúng ta thấy ở các phần trước đó, nỗi sợ thân mật xuất phát từ cảm giác thiếu an toàn, tin tưởng với thế giới bên ngoài. Đây là một dạng cơ chế phòng thủ, khi ta trải qua quá nhiều đổ vỡ mất mát, ta sẽ luôn nghi ngờ những điều quá tốt đẹp, không cho phép ai quá gần gũi với bản thân mình. Khi ta chưa tin tưởng đối phương, ta không thể thân mật, nhưng để trở nên tin tưởng nhau, ta phải gần gũi nhau hơn chút đã. Vì bạn không thể gần gũi ai đó, bạn không thể tin tưởng, và vòng lặp cứ thế tiếp diễn.

Nhiệm vụ của bạn không phải là tìm kiếm tình yêu, nhưng đơn thuần là tìm kiếm tất cả những bức tường nội tâm bạn đã dựng lên ngăn nó lại

Rumi (1207-1273) (Nhà thần bí đồng thời là nhà thơ vĩ đại nhất của thế giới Islam cổ đại).


Do vậy, để tạo ra sự thân mật về cảm xúc với người khác, ta phải cởi mở và khám phá những cảm xúc bên trong chính mình. Bạn cần dành thời gian tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra bên trong để tìm cách sửa chữa.

3.1. Tìm ra gốc rễ của nỗi sợ thân mật

Hãy bắt đầu từ các cảm giác kỳ lạ của bản thân, kiểu như nếu ai đó quan tâm quá mức, bạn sẽ thấy không thoải mái. Bạn từng xét nét người yêu một cách không cần thiết, rồi cả hai chia tay mà bạn lại thấy nhẹ nhõm thay vì vật vã khóc lóc.

Sau khi nhận thấy bản thân hơi kỳ lạ, hãy bắt đầu đặt câu hỏi “vì sao” cho các cảm giác đó. Vì sao bạn sợ yêu? Vì sao bạn sợ được đối xử tốt? Vì sao bạn lại sợ thân thiết với ai đó? Có trải nghiệm đau thương nào mà từ đó bạn trở nên lạnh lùng, xa cách với thế giới?

Khi bạn hiểu điều gì đang ảnh hưởng đến khả năng thân mật của bạn, bạn sẽ có ý thức hơn để cải thiện các tình huống thân mật trong tương lai.

3.2. Quyết định cách bạn muốn tiếp cận các mối quan hệ trong tương lai

Theo bạn thì, quy trình hẹn hò đến khi hoàn toàn gắn bó với một người (kết hôn – chung sống cùng nhau) là như thế nào? Bạn sẽ chia sẻ gì cho người đó, và bạn mong đợi họ làm gì cho bạn? Bạn sẽ từng bước gần gũi một người như thế nào? Làm thế nào để bạn hoàn toàn tin tưởng một người để gắn bó với họ?

Có lẽ những câu hỏi này không dễ để trả lời, nhưng khi bạn bắt đầu nghĩ nhiều hơn về chúng, tôi chắc chắn câu trả lời sẽ xuất hiện. Và sau đó, chúng ta có cơ sở để tìm kiếm và xây dựng những mối quan hệ an toàn, nơi bạn can đảm hơn để trở nên tổn thương.

Câu chuyện hẹn hò của tôi

Click để xem ví dụ

Câu chuyện hẹn hò của tôi

3.3. Đừng ép mình trở nên thân mật để níu kéo mối quan hệ

Tôi nghĩ nỗi sợ thân mật là một kiểu ranh giới hẹn hò chúng ta đặt ra cho người khác. Nhưng có những lúc, chúng ta không cảm thấy thoải mái với sự gần gũi của người khác mà vẫn phải chịu đựng, chỉ để duy trì mối quan hệ. Kiểu như một anh chàng mới gặp 3 lần đã đòi hôn bạn, anh ta khá ổn áp nên bạn sợ mất anh ta. Nhưng bạn lại thấy mối quan hệ chưa đủ tin tưởng để có một nụ hôn. Vậy thì bạn phải can đảm để nói lên cảm xúc của mình, sẵn sàng rời bỏ mối quan hệ vì họ không cho bạn cảm giác an toàn. Bởi ở bên một người bạn không cảm thấy bình yên, dù họ có tốt đẹp ngon nghẻ thế nào, bạn cũng sẽ không bao giờ có được hạnh phúc đích thực.

À về vụ này, hãy thử coi phim “It’s Ok, It’s love”. Phim này cũng đề cập đến nỗi sợ thân mật của nữ chính khi yêu. Cô không thể đi du lịch hay gần gũi với bạn trai quen đã lâu vì nỗi sợ thân mật. Chính xác là anh ta không cho cô cảm giác an toàn. Nhưng khi đến với nam chính, thì cô đã cởi mở hơn với anh rất nhiều vì anh cho cô sự tin tưởng đó.

Thà ế, chứ không ở bên người kém tử tế.

Tóm lại một đoạn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết tham khảo các nguồn tài liệu:

(*) Bài viết (bao gồm nội dung và hình ảnh) thuộc sở hữu của Sabia.vn, mọi sao chép vui lòng dẫn link bài viết và ghi rõ nguồn Sabia.vn.

Về tác giả