Từ “phông bạt” mới rầm rộ thời gian gần đây nhưng sự tồn tại của nó thì không hề mới mẻ, nên vừa nhắc đến nó thì ai cũng ngầm hiểu rằng đây là từ dành cho những kẻ thích thể hiện, phô trương bản thân các kiểu. Riêng tôi thì từng hết sức định kiến với những ai “phông bạt” nơi môi trường làm việc. Họ thường xuyên xuất hiện trong các câu chuyện chốn công sở như một nhân vật phản diện định kỳ.
Chúng ta ai mà chưa từng gặp những đồng nghiệp kiểu này: Đi muộn về sớm nhưng luôn “hót” khéo trước mặt sếp; làm ít, nói nhiều, nhưng lúc nào cũng là “người dẫn đầu” trong các báo cáo tổng kết. Đồng nghiệp thân cận không đánh giá cao kỹ năng của họ nhưng những gì họ thể hiện trước mặt sếp và khách hàng thì hoàn toàn thể hiện một tác phong chuyên nghiệp uy tín.
![](https://sabia.vn/wp-content/uploads/2023/10/Sabia-chill-pic-6-1024x957.webp)
Tôi từng nghĩ “phông bạt” chỉ là chiêu trò phù phiếm, lãng phí thời gian. Nhưng dần dà, khi kinh nghiệm làm việc tăng lên, tôi nhận ra mình đã bỏ lỡ một điều quan trọng: “Phông bạt” thực ra cũng là một kỹ năng, và nó rất đáng học hỏi.
Kỹ năng “phông bạt” – khả năng thể hiện bản thân có phù phiếm như bạn nghĩ?
Nói thật nhé, tôi từng tin rằng chỉ cần làm việc chăm chỉ, kết quả tốt sẽ tự động được ghi nhận. Nhưng đời không như mơ. Tôi làm việc cật lực kể cả làm thêm giờ cho một dự án mới toanh của công ty, nhưng trong các cuộc họp tôi chỉ báo cáo tiến độ mà không thể hiện là mình đã vất vả như thế nào. Tôi luôn nghĩ rằng kết quả công việc nói lên tất cả nhưng chính sự ít thể hiện, ít ồn ào của mình, tôi đã bị các cấp trên đánh giá thấp năng lực bản thân. Lúc này, tôi mới thấm thía rằng: Nếu không biết cách thể hiện bản thân, bạn đang tự tay đánh mất cơ hội nâng cao giá trị của mình.
Hiệu ứng “chiếc thùng gỗ với vết nứt” mà tôi từng đọc được mô tả chính xác trường hợp này. Dù bạn làm việc giỏi đến đâu nhưng không thể trình bày, không tạo được sự chú ý, thì giá trị của bạn vẫn chỉ dừng lại ở mức mà mọi người thấy được – đôi khi còn thấp hơn khả năng thật của bạn. Kỹ năng thể hiện, hay nói cách khác, “phông bạt đúng cách”, chính là cách để bạn “bịt kín vết nứt” của chiếc thùng và giữ nước nhiều nhất có thể.
Kỹ năng thể hiện nơi công sở là gì và tại sao quan trọng?
Để làm rõ, “phông bạt” trong bối cảnh này không phải là nói dối hay đánh bóng quá mức. Đây là kỹ năng trình bày công việc, giao tiếp khéo léo và tạo ấn tượng tốt với đồng nghiệp, sếp hoặc đối tác. Những người giỏi kỹ năng này biết cách:
- Truyền đạt thành tích một cách thông minh – Thay vì liệt kê dài dòng, họ chỉ ra hiệu quả công việc thông qua những con số hoặc câu chuyện ngắn gọn.
- Xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp – Từ cách ăn mặc, giao tiếp cho đến thái độ trong công việc, họ luôn khiến người khác cảm thấy tin tưởng.
- Tận dụng các cơ hội để thể hiện – Những buổi họp, báo cáo hoặc thậm chí chỉ là một email đều có thể trở thành sân khấu nhỏ để họ “ghi điểm”.
Hãy thử tưởng tượng bạn và đồng nghiệp cùng hoàn thành một nhiệm vụ, nhưng họ biết cách trình bày trước sếp về những khó khăn đã vượt qua và giải pháp sáng tạo mà họ đề xuất. Trong khi đó, bạn chỉ nói “Tôi đã làm xong”. Kết quả, ai sẽ để lại ấn tượng hơn?
Các công cụ AI đang thay thế khả năng làm việc của con người, khi đó, chúng ta, những người lao động chân chính, không thể xử sự nơi công sở như một cỗ máy thuần túy được nữa. Các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, làm việc hài hòa giữa các bên sẽ là các kỹ năng bạn phải học để SINH TỒN, nếu không bạn sẽ bị đào thải.
Làm sao để rèn luyện kỹ năng thể hiện bản thân?
Không phải ai sinh ra cũng giỏi “phông bạt”. Nhưng điều đáng mừng là kỹ năng này hoàn toàn có thể luyện tập. Dưới đây là một vài gợi ý giúp bạn trở thành một “nghệ nhân phông bạt” đúng nghĩa:
- Hiểu rõ giá trị của mình: Trước tiên, bạn cần xác định những điểm mạnh và thành tích cá nhân. Điều này không chỉ giúp bạn tự tin hơn mà còn giúp bạn biết rõ mình muốn truyền đạt điều gì. Việc này không chỉ giúp bạn tự tin hơn mà còn là kim chỉ nam để biết rõ mình muốn truyền đạt điều gì và làm thế nào để gây ấn tượng.
- Học cách kể chuyện: Một câu chuyện ngắn gọn, thú vị sẽ dễ đi vào lòng người hơn là danh sách dài những đầu việc. Thay vì nói “Tôi đã xử lý 20 khách hàng khiếu nại trong tuần”, hãy thử kể: “Có một khách hàng rất khó tính nhưng sau khi tôi tìm hiểu kỹ nhu cầu, họ đã trở thành khách quen.”
- Sử dụng số liệu và các tình huống thực tế khi nói về kết quả công việc hay thành tích của bản thân: Việc sử dụng số liệu và các tình huống thực tế là cách hiệu quả để làm nổi bật kết quả công việc và thành tích của bạn. Những con số cụ thể hoặc ví dụ thực tiễn không chỉ tăng thêm tính thuyết phục, mà còn giúp người nghe dễ dàng hình dung và đánh giá được giá trị thực sự bạn mang lại.
Thay vì nói chung chung như: “Tôi đã hoàn thành nhiều dự án thành công,” bạn có thể cụ thể hóa: “Tôi đã quản lý thành công 5 dự án lớn, giúp công ty tăng doanh thu thêm 20% chỉ trong vòng 6 tháng.”
Tương tự, khi chia sẻ về một tình huống cụ thể, hãy trình bày rõ ràng vấn đề bạn gặp phải, cách bạn giải quyết và kết quả đạt được. Ví dụ: “Khi tôi nhận dự án XYZ, nhóm của tôi bị chậm tiến độ 2 tuần. Tôi đã tái cấu trúc lịch làm việc và đàm phán lại với khách hàng. Kết quả, chúng tôi không chỉ hoàn thành đúng hạn mà còn tiết kiệm 15% chi phí dự kiến.”
Số liệu và ví dụ như vậy làm câu chuyện của bạn sống động hơn, giúp bạn nổi bật và ghi điểm trong mắt người nghe. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy bạn thực sự hiểu rõ công việc của mình và biết cách truyền đạt giá trị một cách hiệu quả.
- Luyện tập giao tiếp trước gương hoặc qua video: Đây là cách tuyệt vời để bạn quan sát và điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể, giọng nói của mình sao cho tự nhiên và cuốn hút hơn. Một điểm đặc biệt mà bạn nên chú ý là luyện tập để giữ cho cơ mặt luôn thư giãn, ngay cả khi bạn đang tập trung làm việc.
Hãy để tôi chia sẻ từ chính kinh nghiệm của mình: Là một người hướng nội, tôi thường bị nhận xét là trông khó gần, đặc biệt khi tập trung. Gương mặt căng thẳng và những lần nhăn nhó vô thức khi không hài lòng của tôi đã trở thành một “dấu ấn” không mấy tích cực trong mắt đồng nghiệp. Chính điều này đã thôi thúc tôi luyện tập kiên trì để thay đổi. Và quả thật, việc duy trì biểu cảm dễ chịu, cởi mở không chỉ giúp cải thiện hình ảnh cá nhân mà còn làm tăng sự gắn kết với những người xung quanh.
- Đọc sách, tham gia các khóa học: Có rất nhiều tài liệu và khóa học về kỹ năng thuyết trình, giao tiếp nơi công sở. Đầu tư thời gian vào chúng sẽ mang lại hiệu quả lâu dài. Kỹ năng giao tiếp và thể hiện bản thân không phải bẩm sinh mà có, chúng cần được rèn luyện và phát triển liên tục. Đọc sách và tham gia các khóa học là hai cách hiệu quả để đầu tư vào bản thân.
Ví dụ, bạn có thể tìm đọc những cuốn sách nổi tiếng như “How to Win Friends and Influence People” của Dale Carnegie để hiểu thêm về nghệ thuật giao tiếp hoặc “TED Talks: The Official Guide to Public Speaking” của Chris Anderson để học hỏi cách truyền đạt thông điệp mạnh mẽ. Các cuốn sách về ngôn ngữ cơ thể, khóa học về tạo dựng phong cách ăn mặc cũng là một lựa chọn không tồi.
- Tận dụng các cơ hội nhỏ: Đừng chờ đến những dịp lớn để “tỏa sáng”. Hãy thử thể hiện ý tưởng trong các cuộc họp nhỏ, hoặc viết email chuyên nghiệp hơn để gây ấn tượng. Ngay cả việc cố gắng phát biểu một ý nhỏ trong cuộc họp hàng tuần (điều mà bạn chưa bao giờ hoặc ít khi làm) cũng là một bước giúp bạn tự tin hơn và quen thuộc hơn với phiên bản xuất sắc của chính mình. Thêm một chút chỉnh chu vào mỗi công việc làm thường ngày và bạn sẽ thấy sự chuyên nghiệp của bản thân cải thiện rõ rệt.
- Thay đổi phong cách ăn mặc thể hiện công việc và môi trường làm việc của bạn: Có lần tôi đi phỏng vấn vị trí copywriter cho một agency và cực ấn tượng với chị phỏng vấn: Chị ăn mặc như đang ở Hawai, váy short jeans cùng áo voan hai dây cực thời trang, tóc uốn xoăn nhuộm nâu nhìn có vẻ phóng khoáng nhưng đã được chăm sóc tạo nếp kỹ lưỡng. Công ty sáng tạo nên cách ăn mặc của chị vừa tỏa ra sự tự tin lại vừa có nét phóng khoáng của dân làm sáng tạo, nhưng vẫn không đánh mất tính chuyên nghiệp vì mọi chi tiết đã được trau chuốt.
- Kỹ năng elevator pitch: Elevator Pitch – Nghệ thuật giới thiệu bản thân trong vài phút ngắn ngủi
Hãy tưởng tượng bạn đang trong thang máy với một lãnh đạo cấp cao hoặc nhà đầu tư tiềm năng. Bạn chỉ có vài phút, thậm chí vài giây, để gây ấn tượng. Elevator pitch chính là kỹ năng giúp bạn tóm gọn câu chuyện của mình một cách ngắn gọn, hấp dẫn và đủ sức thuyết phục.
Một elevator pitch hiệu quả thường bắt đầu với một lời giới thiệu mạnh mẽ (bạn là ai, đang làm gì), tiếp nối bằng điểm nhấn chính (giá trị bạn mang lại hoặc vấn đề bạn đang giải quyết), và kết thúc bằng lời kêu gọi hành động (mong muốn hoặc gợi ý kết nối). Kỹ năng này vốn dĩ dành cho giới doanh nhân kêu gọi đầu tư, song bạn có thể áp dụng khi đi phỏng vấn hoặc giới thiệu bản thân ở công ty mới.
Ví dụ: “Tôi là Minh, làm ở bộ phận phát triển phần mềm, vừa gia nhập công ty được 2 tuần. Dù có 5 năm kinh nghiệm chuyên môn nhưng chắc chắn sẽ phải hỏi nhiều điều về khách hàng và cách làm việc của team. Rất mong được anh chị chia sẻ thêm về dự án và văn hóa công ty để chúng ta cùng nhau làm việc vui vẻ”.
- Tự đánh giá và cải thiện liên tục: Sau mỗi lần trình bày hoặc giao tiếp, hãy tự hỏi: “Mình đã thể hiện đủ tốt chưa? Có điểm nào cần cải thiện không?”
Tóm lại cái bài dài thòng
Cuộc sống công sở đầy cạnh tranh, kỹ năng thể hiện bản thân là một vũ khí lợi hại để bạn “sống sót” và tỏa sáng. Vì thế, lần tới nếu thấy ai đó “phông bạt”, đừng vội dè bỉu mà hãy thử học hỏi. Biết đâu họ chính là tấm gương để bạn tự tin bước ra khỏi vùng an toàn và khẳng định giá trị của mình.
Vậy, bạn đã sẵn sàng “phông bạt” chưa? 😉
(Ps: Xin lỗi nếu từ “phông bạt” khiến bạn cảm thấy khó chịu, tôi chỉ muốn đem đến chút giải trí cho bài viết có chủ đề nghiêm túc này thôi)
Tài liệu tham khảo:
![](https://sabia.vn/wp-content/uploads/2023/10/Sabia-tai-lieu-tham-khao-2-1024x691.webp)
Bài viết tham khảo nguồn tài liệu:
(*) Bài viết (bao gồm nội dung và hình ảnh) thuộc sở hữu của Sabia.vn, mọi sao chép vui lòng dẫn link bài viết và ghi rõ nguồn Sabia.vn.