Hạn chế rủi ro, làm chủ tình huống bất ngờ với ma trận Haddon

,

Ngay khi vừa đặt chân lên những bậc đầu tiên của núi Bà Đen (Tây Ninh), tôi đã có linh cảm chẳng lành: Liệu mình có đang tự đẩy bản thân vào một thử thách quá sức? Một hành trình leo hơn 900m mà tôi thì… hoàn toàn chưa chuẩn bị gì – không tập luyện, không mang theo gì ngoài chút đồ lặt vặt.

Chưa đầy 15 phút, đôi chân vốn quen gác lên ghế văn phòng của tôi đã bắt đầu “biểu tình”, còn hơi thở thì nhanh chóng hóa thành tiếng thở dốc. Nhưng đâu ai muốn bỏ cuộc ngay từ đầu, đúng không? Vậy là tôi tiếp tục lê lết, bám trụ với đoàn bằng ý chí (và chút liều lĩnh). Kết quả? Sau nửa ngày vật vã, tôi cũng đến được đỉnh núi… với đôi chân rã rời và một cơn đói cồn cào.

Lúc đó tôi chỉ ước gì mình chuẩn bị kỹ hơn – nhưng cụ thể là chuẩn bị thế nào? Làm sao để tránh lặp lại thảm họa leo núi không khác gì “hành xác” này? Hãy cùng tôi tìm hiểu ma trận Haddon – một công cụ giúp phân tích rủi ro và đưa ra giải pháp cho những tình huống như thế này.


1. Tình huống mở đầu

Mọi chuyện khởi nguồn từ một lời rủ rê leo núi dịp 30/4 của nhóm bạn. Với sự tự tin hơi thái quá, tôi nghĩ chỉ cần mang theo một chiếc áo khoác, giày đi bộ, khăn tay, điện thoại và khăn giấy là đủ. Phần thực phẩm và nước uống? Đã có nhóm lo! Tôi chỉ cần vác xác đi thôi – càng nhẹ nhàng càng tốt!

Nhưng rồi thực tế vả tôi không trượt phát nào.

Sau vài tiếng leo trèo, tôi bắt đầu thấy đuối sức, còn chiếc bụng đói thì cứ “kêu gào” đòi ăn. Đến tối, khi cả nhóm hạ trại, tôi co ro trong lều, vừa lạnh run, vừa… hối hận. Lẽ ra tôi phải mang theo một ít đồ ăn nhẹ, một chai nước đủ dùng, và quan trọng nhất là chuẩn bị thể lực từ trước!

Rất may, tôi không gặp sự cố nghiêm trọng nào – nhưng rõ ràng, nếu cứ sơ sài như vậy, rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra. Và đây là lúc tôi nhận ra tầm quan trọng của việc đánh giá và quản lý rủi ro trước mỗi chuyến đi.


2. Ma trận Haddon – Lường trước rủi ro và cách đối phó

Không chỉ trong leo núi, cuộc sống đầy rẫy những rủi ro bất ngờ – từ vấp té khi đi cầu thang đến những tai nạn nghiêm trọng hơn. Vậy làm sao để giảm thiểu những rủi ro này?

Một trong những công cụ phân tích hiệu quả nhất chính là ma trận Haddon, do William Haddon phát triển vào năm 1970. Ma trận này giúp chúng ta đánh giá và kiểm soát rủi ro theo ba giai đoạn chính:

  • Trước sự kiện – Làm gì để phòng tránh rủi ro ngay từ đầu?
  • Trong sự kiện – Nếu rủi ro xảy ra, yếu tố nào ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng?
  • Sau sự kiện – Cách nào để giảm thiểu hậu quả và hồi phục nhanh nhất?

Đồng thời, ma trận Haddon xem xét bốn yếu tố ảnh hưởng đến sự cố:

  • Vật chủ (con người) – Người tham gia vào tình huống.
  • Tác nhân (phương tiện hoặc thiết bị liên quan) – Ví dụ: xe máy, ô tô, máy móc.
  • Môi trường vật lý – Điều kiện đường sá, thời tiết, không gian làm việc.
  • Môi trường xã hội – Quy định pháp luật, văn hóa, thói quen.

Khi kết hợp các yếu tố này với ba giai đoạn trên, ta có một ma trận gồm 12 ô, giúp phân tích chi tiết mọi khía cạnh của một tình huống và đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp (xem ví dụ dưới bài bạn sẽ hiểu hơn cách lập bảng 12 ô này).

3. Vì sao nên sử dụng ma trận Haddon?

Kể cả khi bạn không leo núi, sử dụng ma trận Haddon sẽ giúp bạn:
✅ Nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện – Không chỉ phân tích nguyên nhân trực tiếp mà còn đánh giá cả yếu tố trước và sau sự cố.
✅ Đề xuất giải pháp thực tế – Thay vì chỉ tập trung vào một nguyên nhân cụ thể, ma trận giúp bạn tìm ra nhiều cách can thiệp ở từng giai đoạn để giảm rủi ro tối đa.
✅ Ứng dụng linh hoạt – Không chỉ áp dụng trong an toàn giao thông, ma trận còn hữu ích trong các lĩnh vực như y tế, lao động, giáo dục và quản lý rủi ro nói chung.

(Nếu tôi áp dụng ma trận Haddon trước chuyến leo núi, có lẽ tôi đã lên kế hoạch chu đáo hơn, thay vì “tới đâu tính tới đó” và tự đẩy mình vào tình cảnh “thê thảm”)

4. Ứng dụng thực tế của ma trận Haddon

📌 Tình huống 1: Ca leo núi vật vã của tôi

Giả sử như tôi cẩn thận lập ma trận Haddon trước chuyến đi leo núi của mình:

Giai đoạnPhân loạiVật chủ (Người tham gia)Tác nhân (Trang bị, dụng cụ, phương tiện)Môi trường vật lýMôi trường xã hội
Trước chuyến điRủi roThiếu sức khỏe hoặc bệnh lý nền chưa được kiểm tra.Dụng cụ leo núi thiếu hoặc không đảm bảo.Không nghiên cứu kỹ địa hình, thời tiết.Thiếu sự phối hợp trong nhóm.
Biện phápKiểm tra sức khỏe, đảm bảo thể lực phù hợp trước khi đi.Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ: giày chuyên dụng, đèn pin, balo, lều, túi ngủ, nước uống, thực phẩm.Tìm hiểu về đường leo, điều kiện thời tiết Tây Ninh, chọn ngày leo phù hợp.Lập kế hoạch rõ ràng, phân công nhiệm vụ, họp nhóm trước để thống nhất lịch trình.
Di chuyển đến núiRủi roMệt mỏi do lái xe máy đường dài.Xe máy hỏng giữa đường.Đường đi khó khăn, tai nạn giao thông.Xảy ra tranh cãi trong nhóm về lộ trình.
Biện phápNghỉ ngơi đầy đủ trước ngày đi, chia ca lái xe nếu cần.Kiểm tra xe trước khi đi, mang theo dụng cụ sửa chữa cơ bản.Đi đúng tốc độ, tránh lái xe lúc trời tối hoặc mưa.Sử dụng Google Maps và theo dõi lộ trình đồng nhất.
Leo núiRủi roKiệt sức do leo đường dốc dài.Thiếu đèn pin khi trời tối.Sạt lở đất, đường trơn.Lạc nhau trong nhóm.
Biện phápNghỉ giữa chặng, uống nước đúng cách, mang thực phẩm bổ sung năng lượng.Mang đủ đèn pin, pin dự phòng, đảm bảo mỗi người đều có nguồn sáng.Kiểm tra thời tiết, tránh đi đường nguy hiểm, chọn giày chống trượt.Đi theo đội hình, sử dụng bộ đàm hoặc điện thoại để giữ liên lạc.
Cắm trại qua đêmRủi roCảm lạnh hoặc hạ thân nhiệt.Lều bị hỏng hoặc không đủ chỗ.Thú hoang, côn trùng cắn.Mất đồ đạc hoặc xung đột nhóm.
Biện phápMang áo khoác giữ ấm, lều cách nhiệt tốt, hạn chế đồ uống có cồn.Kiểm tra lều trước, mang thêm dây buộc và bạt chống nước.Đốt lửa trại để xua thú hoang, mang thuốc chống côn trùng, xử lý đồ ăn đúng cách.Chia người canh gác, giữ thái độ hợp tác, giải quyết mâu thuẫn ngay lập tức.
Xuống núiRủi roĐau cơ hoặc trượt chân.Thiếu nước hoặc thực phẩm.Đường xuống khó đi, trơn trượt do mưa đêm.Mất liên lạc giữa các thành viên.
Biện phápKhởi động trước khi xuống, dùng gậy chống nếu cần.Kiểm tra và phân bổ nước uống từ trước, mang đủ thức ăn nhẹ.Đi chậm, sử dụng giày có độ bám tốt.Dùng điểm hẹn cố định, sử dụng điện thoại hoặc bộ đàm.
Quay về HCMRủi roMệt mỏi do hành trình dài.Xe máy hết xăng hoặc hỏng hóc.Gặp kẹt xe hoặc thời tiết xấu.Thiếu sự hợp tác trong nhóm khi gặp sự cố.
Biện phápNghỉ đủ trước khi quay về, chia ca lái xe nếu cần.Kiểm tra xe, chuẩn bị xăng dự phòng.Theo dõi thời tiết, tránh giờ cao điểm.Giữ tinh thần hỗ trợ lẫn nhau khi gặp sự cố.

Lưu ý

  • Chuẩn bị kỹ lưỡng: Thành công của chuyến đi phụ thuộc vào việc chuẩn bị từ trước, bao gồm sức khỏe, dụng cụ, và kế hoạch.
  • Luôn theo dõi thời tiết: Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn khi leo núi.
  • Tính kỷ luật trong nhóm: Hạn chế tối đa nguy cơ lạc nhau hoặc xung đột nhờ tuân thủ kế hoạch chung.

📌 Tình huống 2: Đi thuyết trình cho khách hàng

Bạn có một buổi thuyết trình quan trọng với khách hàng lớn, và bạn muốn đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Lập ma trận Haddon cho buổi pitching sẽ giúp bạn lường trước các rủi ro và cách xử lý, chủ động hơn khi gặp khách hàng:

Giai đoạnRủi ro/Biện phápVật chủ (Người thuyết trình)Tác nhân (Dự án quảng cáo và nội dung)Môi trường vật lýMôi trường xã hội
Trước sự kiệnRủi roChưa chuẩn bị kỹ nội dung hoặc tài liệu.Nội dung chưa phù hợp với nhu cầu khách hàng.Thiếu thiết bị trình chiếu dự phòng.Thiếu thông tin về khách hàng và kỳ vọng.
Biện phápXây dựng kịch bản thuyết trình chi tiết, luyện tập trước gương hoặc với đồng nghiệp. Chuẩn bị câu trả lời cho các câu hỏi có thể được đặt ra.Nghiên cứu kỹ về nhu cầu, thách thức và mục tiêu của khách hàng. Cá nhân hóa nội dung dự án để giải quyết vấn đề cụ thể của họ.Mang theo máy tính xách tay, USB lưu nội dung, dây kết nối và sạc. Kiểm tra sẵn phần mềm trình chiếu.Tìm hiểu về công ty, văn hóa và những dự án thành công trước đây của khách hàng. Đặt câu hỏi trước buổi gặp để làm rõ yêu cầu.
Rủi roThiếu tự tin, căng thẳng.Slide trình bày thiếu mạch lạc hoặc lỗi.Địa điểm không quen thuộc hoặc thiếu tiện nghi.Thiếu sự hỗ trợ từ đồng nghiệp.
Biện phápThực hành thuyết trình nhiều lần, sử dụng kỹ thuật thở sâu và đặt mục tiêu tích cực cho buổi gặp.Đọc lại kỹ các slide, kiểm tra lỗi chính tả, đảm bảo slide dễ hiểu và trực quan.Đến sớm để kiểm tra không gian, bố trí thiết bị phù hợp và làm quen với môi trường.Lên kế hoạch phối hợp rõ ràng, phân công nhiệm vụ cho từng người, có người hỗ trợ ghi chép phản hồi.
Trong sự kiệnRủi roCăng thẳng, mất tập trung.Nội dung không được trình bày rõ ràng.Thiết bị trình chiếu hỏng, mất kết nối.Phản ứng không tốt với câu hỏi từ khách hàng.
Biện phápChuẩn bị thẻ ghi chú với các điểm chính, giữ ánh mắt giao tiếp với khách hàng, uống nước trước khi bắt đầu.Sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, ví dụ minh họa và biểu đồ. Chia nội dung thành các phần nhỏ dễ theo dõi.Mang bản in của slide, sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng để thay thế.Nghe kỹ câu hỏi, nhắc lại để xác nhận hiểu đúng, trả lời ngắn gọn hoặc hứa cung cấp câu trả lời chi tiết sau.
Rủi roQuên phần quan trọng của bài thuyết trình.Không thể trả lời câu hỏi về dự án.Âm thanh, ánh sáng không đảm bảo.Không nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.
Biện phápSử dụng gạch đầu dòng trên slide và ghi chú rõ ràng.Thừa nhận một cách chuyên nghiệp và hứa hẹn bổ sung thông tin ngay sau buổi gặp.Yêu cầu kiểm tra kỹ thiết bị âm thanh và ánh sáng trước buổi thuyết trình.Chủ động hỏi ý kiến khách hàng sau khi trình bày từng phần để điều chỉnh cách tiếp cận.
Sau sự kiệnRủi roCảm giác thất vọng nếu không đạt kết quả.Dự án không được khách hàng lựa chọn.Không thể theo dõi lại phản hồi sau buổi gặp.Mất cơ hội xây dựng quan hệ với khách hàng.
Biện phápTự đánh giá buổi thuyết trình để cải thiện, không đổ lỗi cho bản thân, tập trung vào điểm tốt.Gửi email cảm ơn, hỏi lý do để rút kinh nghiệm và giữ mối quan hệ tốt cho cơ hội sau.Gửi email tóm tắt nội dung buổi họp và yêu cầu ý kiến phản hồi.Duy trì liên lạc định kỳ qua email, kết nối trên LinkedIn và chia sẻ thông tin hữu ích với khách hàng.

Hướng dẫn sử dụng bảng

  • Mỗi rủi ro đi kèm với biện pháp được phân tích sâu hơn, cung cấp các hành động cụ thể và dễ áp dụng để giảm thiểu hoặc ngăn chặn tình huống xấu trong từng giai đoạn.
  • Kết hợp các biện pháp vật lý, tâm lý, và xã hội để đạt hiệu quả tối ưu.

5. Kết luận

Ông bà ta từng nói “Cẩn tắc vô ưu” – Cẩn thận thì không còn lo lắng nữa: Ma trận Haddon là một công cụ đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả giúp bạn phân tích và quản lý rủi ro một cách toàn diện. Bằng cách áp dụng nó vào cuộc sống, bạn có thể chủ động ngăn ngừa sự cố, giảm thiểu hậu quả và có phương án xử lý thông minh trong mọi tình huống. 

Không chỉ dành cho chuyên gia hay các tổ chức lớn, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng ma trận này để đảm bảo an toàn và tối ưu hóa các quyết định hàng ngày – Sao không thử cho sự kiện lần tới của bạn?

Tài liệu tham khảo:

Bài viết tham khảo các nguồn tài liệu:

(*) Bài viết (bao gồm nội dung và hình ảnh) thuộc sở hữu của Sabia.vn, mọi sao chép vui lòng dẫn link bài viết và ghi rõ nguồn Sabia.vn.

Về tác giả