Một chiều mưa rơi tầm tã, bạn nằm dài trên giường, nhìn mưa và suy ngẫm về cuộc đời mờ mịt của chính mình. Bạn thấy mình làm cái gì cũng thất bại, yêu ai cũng lở dở, vừa đen tình vừa đen bạc, thật là một mớ hỗn độn. Bạn cảm thấy bản thân thật tệ, và đâm ra chán ghét chính mình. Tại sao bạn không thể thành công như những người bạn đồng trang lứa cùng xuất phát điểm với bạn?
Nếu bạn có được mọi thứ của nả trong tay, tình yêu đẹp như mơ, hay dăm ba mét vuông đất, hẳn là bạn sẽ không cảm thấy bản thân tồi tệ nữa?
Không chắc lắm nhưng nếu bạn đủ trưởng thành thì sẽ sớm phát hiện ra niềm tin này sai lầm.
Cảm nhận tồi tệ về bản thân và hai hạt giống của lòng tự trọng
Câu chuyện mở đầu
Chí Phèo – Từ anh chàng nông dân lương thiện đến gã du côn mặt dày
Quá trình tha hóa của Chí Phèo cho ta thấy cách mà xã hội tước đi lòng tự trọng của một người, và cách cư xử với một người có thể thay đổi niềm tin của họ về bản thân như thế nào.
Cảm giác tồi tệ về bản thân và sự giảm sút lòng tự trọng
- Lòng tự trọng là gì?
- Cảm giác tồi tệ về bản thân và sự giảm sút lòng tự trọng
Hai hạt giống của lòng tự trọng
- Tự đánh giá bản thân “Tôi là người có giá trị”
1.1. Đánh giá bản thân dựa trên tiêu chuẩn xã hội
1.2. Đánh giá bản thân dựa trên tiêu chuẩn cá nhân - Đánh giá từ người khác “Người khác công nhận giá trị của tôi”
2.1. Tác động của những lời phê bình/khen ngợi
2.2. Vòng lặp của lời khen chê – niềm tin vào bản thân
Bạn có thể làm gì khi cảm thấy tồi tệ về bản thân?
- Tách rời thất bại với bản thân bạn
- Giữ mọi ý kiến đánh giá của người khác là trung lập
- Không tự đưa ra những câu khẳng định về giá trị bản thân
- Tự khẳng định giá trị bản thân ở các việc nhỏ nhặt
- Chỉ giữ lại những mối quan hệ lành mạnh
Mọi người thường nghĩ rằng, cần có cái gì đó hữu hình chứng minh cho giá trị bản thân, như tài sản, nghề nghiệp, học vấn, số người hâm mộ thì mới có cơ sở để củng cố lòng tự trọng – nghĩa là tôn trọng bản thân. Nhưng thực tế cho thấy, không phải cứ giỏi giang, có công việc tốt là đều trở thành người biết tôn trọng chính mình. Thậm chí, rất nhiều người tự ti, chán ghét chính mình trong khi họ đang có rất nhiều thứ mà người khác mơ ước: tài sản, danh tiếng, địa vị.
Các vụ tự tử của các ngôi sao, người nổi tiếng phần nào cho thấy sự bế tắc khi nghĩ về giá trị bản thân của một người. Vì vậy, khi bạn đang tự dằn vặt, chán ghét bản thân, bạn không cô đơn. Và cũng không nhất thiết phải có lý do rõ ràng để cảm thấy như vậy.
Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi rốt cuộc thì quá trình này diễn ra thế nào? Cách mà chúng ta dần dần hạ thấp bản thân, và rồi một ngày trở nên khủng hoảng vì nó? Bẩm sinh không có đứa trẻ nào vừa sinh ra đã chán ghét bản thân mình. Cũng không phải vì, một sáng thức dậy, ta cảm thấy mọi thứ bỗng sụp đổ. Thực ra, điều này là một quá trình, và tin tốt là, chúng ta có thể cải thiện lòng tự trọng bởi vì đây là đặc tính không cố định.
Trước hết, hãy xem xét một tình huống sa sút lòng tự trọng kinh điển: nhân vật Chí Phèo.
Câu chuyện mở đầu
”Tao muốn làm người lương thiện nhưng ai cho tao lương thiện” có lẽ là câu nói nổi tiếng nhất của Chí Phèo, và cũng là câu nói thể hiện bi kịch làm người của Chí trong tác phẩm. Quá trình tha hóa của Chí Phèo cho ta thấy cách mà xã hội tước đi lòng tự trọng của một người, và cách cư xử với một người có thể thay đổi niềm tin của họ về bản thân như thế nào.
Chí Phèo – Từ anh chàng nông dân lương thiện đến gã du côn mặt dày
- Chí Phèo lúc chưa đi tù:
– Hiền lành, lương thiện, anh ta biết phân biệt tốt xấu, và có lòng tự trọng.
– Anh ta biết việc bà Ba gọi vào “bóp chân” là việc nhục nhã, chẳng hay ho gì, vì thân là một đấng nam nhi mà lại “bị một con đàn bà gọi đến nhà mà bóp chân”.
– Anh ta giả vờ như không biết ý đồ của bà Ba để được yên thân.
=> Anh ta không làm những việc mà anh ta cho là nhục nhã và đầy hiểm họa khôn lường “khi biết rằng con vợ chủ sai hắn làm một việc không chính đáng, hắn vừa làm vừa run”.
- Chí Phèo lúc đi tù ra:
– Rạch mặt ăn vạ, đâm thuê chém mướn, uống rượu chửi thề giữa cả làng xã, những việc cho thấy anh ta đã vứt bỏ liêm sỉ, lòng tự trọng của mình.
– Biết việc say xỉn cầm dao đến nhà Bá Kiến là liều lĩnh, nguy hiểm mà vẫn làm.
– Cách đối xử của xã hội cho thấy rằng nếu hiền lành chính trực thì sẽ nhận kết cục xấu, anh ta đã thay đổi để đối phó với sự chèn ép bất công đó.
Nhân vật Binh Chức trong truyện cùng mang một công thức như Chí Phèo: Hiền lành – bị bắt nạt – trở nên bất hảo – không ai dám đụng vào. Khi ai đó làm việc không đúng đắn mà không hề nao núng, không hề cắn rứt lương tâm hay lo ngại cho hình ảnh bản thân, họ đang đánh mất dần lòng tự tôn của chính mình.
Lòng tự tôn đối với linh hồn giống như oxy đối với cơ thể. Chặn nguồn oxy của một người, và cơ thể anh ta sẽ chết; tước đoạt lòng tự tôn của một người, và linh hồn anh ta sẽ chết.
Thomas Szasz
Câu chuyện của Chí Phèo có thể quá mạnh mẽ về sự thoái hóa lòng tự trọng của một người, nhưng tôi nghĩ rằng về bản chất, lòng tự trọng của chúng ta có thể bị tác động như của Chí Phèo, chẳng qua là biểu hiện và mức độ không giống nhau mà thôi.
Cảm giác tồi tệ về bản thân và sự giảm sút lòng tự trọng
1. Lòng tự trọng là gì?
Lòng tự trọng là niềm tin bạn có về bản thân, về các giá trị cá nhân và sự tự tôn trọng bản thân mình, không cho phép người khác hoặc ngay chính mình làm tổn hại đến niềm tin đó. Ví dụ một người có lòng tự trọng thà sống nghèo khổ còn hơn là đi cướp của, lừa đảo, làm những việc vô đạo đức để trở nên giàu có.
![](https://sabia.vn/wp-content/uploads/2023/09/Sabia-anh-huong-cua-long-tu-trong-1024x715.webp)
(Sĩ diện không phải là biểu hiện của lòng tự trọng. Sĩ diện là mong chờ người khác tôn trọng bạn, vì bạn không có đủ tự tôn cho chính mình. Nhưng “trơ trẽn” làm ra những việc trái đạo đức lương tâm, xem thường người khác cũng không phải là tự trọng.)
2. Cảm giác tồi tệ về bản thân và sự giảm sút lòng tự trọng
Quay lại buổi chiều mưa, ngày bạn cảm thấy tồi tệ về bản thân. Khoảnh khắc bạn xem thường chính mình cũng là lúc lòng tự trọng đang bị sứt mẻ nghiêm trọng. Nếu bạn nghĩ mình vô giá trị và không đáng yêu, khi gặp bất trắc trong cuộc sống, bạn sẽ nhanh chóng ngã gục, vì từ trong sâu thẳm, bạn đã không tôn trọng chính mình đủ nhiều.
Theo nhà tâm lý học Katharine Rimes và đồng nghiệp (Đại học King’s College London (2023), lòng tự trọng phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin mà bạn có về bản thân, được gọi là “niềm tin cốt lõi” hoặc “niềm tin vào giá trị bản thân” (self-schema). Nếu bạn nghĩ mình vô giá trị và không đáng yêu, lòng tự trọng của bạn sẽ bị ảnh hưởng tương ứng khi bạn gặp khó khăn hay bất lợi trong cuộc sống. Bạn không chỉ cảm thấy tồi tệ về bản thân mà còn có những hành vi khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến việc xác nhận niềm tin tiêu cực về bản thân. Nó giống như một vòng lặp.
Trong những tình huống cảm thấy tồi tệ như thế này, cố gắng để trở nên vui vẻ hơn, tư duy tích cực có thể là không đủ. Vấn đề cần giải quyết sâu xa hơn là sự tự tôn bạn dành cho bản thân. Để cải thiện lòng tự trọng – chúng ta vẫn nói theo một cách phổ biến hơn là “làm thế nào để tự tin hơn”, ta cần xem xét gốc rễ của nó.
Hai hạt giống của lòng tự trọng
Lòng tự trọng của một người được hình thành như thế nào? Và bằng cách nào mà nó thay đổi theo thời gian?
Nói một cách đơn giản, lòng tự trọng là cách chúng ta đặt bản thân trong mối tương quan với xã hội, theo hai cách. Đó là tiếng nói tự thân “tôi là người có giá trị” và tiếng nói bạn nhận được/cảm nhận được từ người khác “tôi được người khác tôn trọng”.
Ở khía cạnh kết nối với người khác, đó là tiếng nói “Tôi đáng yêu” và “Tôi được yêu quý, được chấp nhận”.
1. “Tôi là người có giá trị”
Trong cuộc sống, bạn sẽ bắt gặp không ít người “thằng đó có cái vẹo gì mà tự tin vậy” hay “cô ấy giỏi giang xinh đẹp nhưng vẫn chấp nhận yêu một gã tồi, hẳn là cô ấy không quý trọng bản thân”. Tự đánh giá là hạt giống đầu tiên của lòng tự trọng. Chúng ta cảm nhận về bản thân thế nào?
Hoặc chúng ta có những tiêu chuẩn của riêng mình, hoặc ta dựa vào tiêu chuẩn của xã hội. Điều thứ hai phổ biến hơn.
1.1. Đánh giá bản thân dựa trên tiêu chuẩn xã hội
Có thể hiểu rằng chúng ta sẽ dựa trên những gì mình có so với mặt bằng chung của xã hội để đánh giá giá trị bản thân. Đây là một cách mà chúng ta xây dựng lòng tự trọng của chính mình.
Ngay từ nhỏ, ta đã học được cách để làm hài lòng người khác và sống theo chuẩn mực chung của xã hội để được chấp nhận. Vì những ai sở hữu các đặc tính được xã hội tôn trọng sẽ được tôn trọng, chúng ta lấy đó làm tiêu chuẩn cho giá trị cá nhân. Một người thu nhập thấp có thể cảm thấy tự xem thường mình, vì anh ta cảm thấy sự thua thiệt so với mặt bằng chung xã hội. Một bà mẹ có đứa con ốm yếu sẽ cảm thấy bản thân vô dụng khi các bà mẹ mà cô ấy biết đều có con cái khỏe mạnh. Tôi cho rằng đây là một quan điểm phổ biến và khá chua chát khiến nhiều người trở nên bất hạnh trong cuộc đời của chính mình.
Lòng tự trọng dựa trên tiêu chuẩn xã hội ngăn chúng ta làm những việc bị người khác xem thường, củng cố các hành vi được xã hội công nhận, đề cao. Tuy nhiên, nếu những gì xã hội đề cao không phải là những gì ta thực sự muốn, mà ta lại dùng cả cuộc đời để sống với chuẩn của xã hội, ta mãi mãi không có được sự tự tôn cá nhân.
Nếu bạn có nghề nghiệp tốt, ngoại hình ưa nhìn – những phẩm chất được đề cao trong xã hội, bạn sẽ dễ đạt được tự tôn cá nhân hơn. Ngược lại trong hoàn cảnh vừa thất nghiệp vừa bị người yêu chia tay, sự tự tôn dành cho bản thân sẽ giảm sút nghiêm trọng. Tôi sẽ cảm thấy tồi tệ hơn nữa khi gặp một ai đó thành công hơn mình, hoặc nhìn thấy cuộc sống hạnh phúc của bao bạn bè trên mạng xã hội. Nếu mà những người ngoài kia đều thất bại như tôi thì thật an tâm biết bao!
1.2. Đánh giá bản thân dựa trên tiêu chuẩn cá nhân
Khi ta bắt đầu có những tiêu chuẩn riêng để đánh giá bản thân, ta sẽ bắt đầu làm chủ được sự tự tin. Tất nhiên, những tiêu chuẩn này cần lành mạnh, hợp pháp và không làm tổn hại đến người khác. Ví dụ bạn sẵn sàng sống cuộc đời nghèo túng nhưng bình yên trên một ngọn đồi nhỏ, vì đó là điều khiến bạn hạnh phúc, bất chấp bạn bè xung quanh có nhà lầu xe hơi sự nghiệp lẫy lừng cỡ nào. Khi bạn được thỏa mãn các giá trị cá nhân, nhu cầu thực sự, bạn sẽ có được sự tự tin vào chính mình.
Trong bối cảnh tiêu cực, tiêu chuẩn cá nhân có thể phá hủy lòng tự trọng của một người. Ví dụ một cô gái từng bị lạm dụng tình dục và luôn tự cảm thấy ghê tởm về bản thân. Mặc dù không phải lỗi của cô, không ai phán xét cô và cô được mọi người yêu thương, tin tưởng, cảm giác đó không thể nào vùi lấp.
Những trường hợp này cần đến các chuyên gia trị liệu tâm lý can thiệp, đáng tiếc là thông thường mọi người rất khó nhận ra một người bị giá trị cá nhân họ dằn vặt như thế nào. Bởi vì những gì họ coi trọng không phải là tiêu chuẩn số đông, thật khó mà nói họ nhận được sự đồng cảm, sẻ chia đúng mức từ người khác.
2. “Người khác nói tôi có giá trị”
2.1. Tác động của những lời phê bình/khen ngợi
Đánh giá tích cực/tiêu cực của người khác lên cá nhân bạn là một hạt giống quan trọng để hình thành lòng tự trọng, đặc biệt trong các nhóm xã hội đề cao giá trị cộng đồng. Nếu bạn nhận được tình cảm và lời khen ngợi từ người khác, đặc biệt từ khi còn nhỏ, niềm tin cốt lõi về giá trị cá nhân sẽ phát triển theo chiều hướng tích cực. Một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường yêu thương, được tôn trọng bản sắc ngay từ khi còn nhỏ sẽ có nhiều cơ hội để phát triển lòng tự trọng hơn.
Đừng bao giờ tin người bảo bạn rằng bạn không xứng đáng có được điều mình muốn.
Taylor Swift.
Ngược lại, sự thờ ơ, chỉ trích và sự thiếu thốn tình cảm, công nhận sẽ biến niềm tin cốt lõi của bạn thành sự tự phê bình và hoang mang về giá trị bản thân. Thật khó để có lòng tự tôn khi những người xung quanh bạn liên tục chỉ trích, hạ thấp bạn. Đặc biệt ngay cả người thân yêu của bạn cũng xem thường cảm xúc của bạn: bạn dựa vào đâu để cho rằng mình có giá trị? Những sự kiện này qua thời gian làm hao mòn niềm tin vào bản thân của bạn, dần dần làm cho bạn tự thấy rằng bản thân không xứng đáng được yêu, được hạnh phúc.
2.2. Vòng lặp của lời khen chê – niềm tin vào bản thân
Bị chê bai, chúng ta nghĩ rằng mình là kẻ thất bại. Ta hành xử như kẻ thất bại, rồi lại bị chê bai. Cứ như thế, vòng lặp này có thể nhấn chìm tự tôn của một người.
Chí Phèo đã rơi vào một cái vòng lặp của sự tha hóa lòng tự trọng. Ban đầu là làm những việc “mất mặt”, như uống rượu tới nhà Bá Kiến rạch mặt ăn vạ. Lần đầu tiên, anh ta dùng rượu để có thêm dũng khí, khi hơi men nhạt dần, (lúc Bá Kiến đưa Chí Phèo vào nhà), anh ta có hơi e sợ, sợ Bá Kiến lừa mình vào con đường tù tội. Sau đó thì anh ta không còn biết phân biệt tốt xấu, không còn biết sợ nữa – kể cả đó là hành động liều lĩnh có hại cho sự an toàn của bản thân. Một phần vì, xã hội bắt đầu nhìn nhận anh ta như một kẻ côn đồ, củng cố cho niềm tin rằng mình là một kẻ vô sỉ, rồi hành động như một kẻ vô sỉ. Khi anh ta hành động vô sỉ, xã hội càng chắc chắn rằng Chí Phèo chẳng khác gì một “thứ cặn bã”, đều trở nên sợ hãi và tránh mặt anh ta. Đây là một vòng lặp đáng sợ.
Hỡi ôi, thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến nhân cách của người khác nhiều lắm. Nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả. Làm nhục người khác là một cái rất diệu, để khiến người sinh đê tiện…
Nam Cao.
Trong điều kiện lạc quan, vòng lặp này có thể kết thúc nếu gặp được ai đó trân trọng bản sắc của chúng ta, yêu thương ta vô điều kiện và nói với ta biết ta tốt đẹp nhường nào. Trong câu chuyện của Chí Phèo thì đó là Thị Nở.
Khi anh ta nhận ra có người không sợ mình, có người yêu thương mình, anh ta bắt đầu có sự thay đổi niềm tin. Chính xác thì, những niềm tin về bản thân bị chôn dấu đã được khai quật và làm cho sáng bóng trở lại. Anh ta hiểu rằng mình cũng có thể sống như một người bình thường, hòa bình với xã hội, không cần phải trở nên hung hãn biến chất để tồn tại. Do vậy mà khi Thị Nở mắng mỏ Chí không ra gì, niềm tin trong anh ta sụp đổ. Anh ta cảm thấy không còn đường quay về, không có cách nào để sống một cách lương thiện, trân trọng và được trân trọng trong xã hội này nữa.
![](https://sabia.vn/wp-content/uploads/2023/09/Sabia-vong-lap-tu-loi-che-bai-den-that-bai-1024x639.webp)
Ở góc nhìn bi quan hơn, hoặc là thực tế hơn, hiếm khi ta may mắn gặp được một người có thể cứu rỗi cuộc đời mình theo cách giúp ta tin vào bản thân hơn. Mặt khác, sự công nhận của người khác không bao giờ đủ để khỏa lấp sự trống rỗng trong tâm hồn, với những ai đã rơi vào khủng hoảng sâu sắc. Lúc này, họ cần can đảm tự cứu chính mình bằng cách thay đổi nhận thức về bản thân, phá vỡ vòng lặp đã giam cầm họ.
Bạn có thể làm gì khi cảm thấy tồi tệ về bản thân?
Đối với những cá nhân có lòng tự trọng thấp, những người mà mỗi cuộc gặp gỡ với người khác đều củng cố niềm tin cốt lõi vốn đã tiêu cực trong họ, thì cảm giác tồi tệ trở nên thường trực. Họ sẽ luôn nghiền ngẫm sai sót của mình, và mặt khác, cố gắng đạt được sự trấn an nơi người khác. Với cách ứng phó này, đằng nào cũng dẫn họ xuống bùn.
Tự trách móc bản thân càng củng cố niềm tin rằng mình thất bại, và nghĩ mình thất bại sẽ khiến cho bạn hành động như kẻ thất bại, rồi bạn lại tự trách móc bản thân. Mong đợi người khác công nhận cũng không phải là phương án khả quan gì hơn, bởi thế giới vốn đa dạng, và bạn không thể nào luôn gặp được người ủng hộ mình.
Vì vậy, việc bạn có thể làm khi cảm thấy bản thân tồi tệ, chắc chắn không phải là trách móc bản thân hơn nữa, hay gặp gỡ bạn bè mong họ an ủi, xoa dịu nỗi bất an trong lòng mình. Thay vào đó, đây là một số việc bạn có thể làm:
1. Tách rời thất bại với bản thân bạn
Đừng dùng các thất bại để định nghĩa giá trị của bạn. Gặp khó khăn là điều tất nhiên của cuộc sống này, bạn chỉ là một người vừa gặp điều không như ý mà thôi, bạn không phải là kẻ thất bại.
Bạn cũng có thể nhớ lại những lần mình đã thành công, và thấy rằng bất kỳ ai đều có trải nghiệm tương tự: thành bại đời người nối tiếp nhau như đồ thị hình sin.
2. Giữ mọi ý kiến đánh giá của người khác là trung lập
Những gì người khác nói về bạn chỉ nên là nguồn tham khảo, không nên trở thành niềm tin để rồi chính niềm tin ấy nhấn chìm bạn xuống.
Thực ra mọi người đều không quá quan tâm những gì họ nói với bạn, hoặc cuộc sống riêng, nỗi niềm riêng của bạn. Đôi khi họ chỉ nói theo thói quen, hoặc là một suy nghĩ thoáng qua. Họ có thể nói điều đó với nhiều người khác, không chỉ riêng bạn. Vì vậy, đừng quá chú trọng vào nó.
3. Không tự đưa ra những câu khẳng định về giá trị bản thân
“Tôi là kẻ tồi, tôi lười biếng, tôi ngu ngốc, tôi làm gì cũng hỏng bét” là những nhận định tiêu cực làm giảm sút lòng tự trọng của bạn. Điểm tai hại ở chỗ, khi bạn khẳng định điều gì đó, bạn đã ngấm ngầm thừa nhận rằng đó là điều không thể nào thay đổi được. Khi tin rằng mọi thứ đều cố định, bạn không có đường nào tiến lên để trở nên tốt đẹp hơn.
Hãy nhẩm câu thần chú “Tôi luôn có thể tốt hơn” thay vì “Tôi là kẻ tồi”.
4. Tự khẳng định giá trị bản thân ở các việc nhỏ nhặt
Hãy làm tốt nhất những việc nhỏ. Những việc nhỏ nhặt sẽ góp lại thành vô số thành tựu khiến bạn dần dần cảm nhận được bản thân có giá trị nào đó. Và sự chú tâm đó cũng giúp bạn thôi tập trung vào những điều tiêu cực.
Hãy nhớ lại những ngày làm việc cháy hết 100% công suất mà xem, bạn thậm chí chẳng có thời gian để hoài nghi mình có làm được hay không. Đôi khi cứ phải lao vào chỉ làm thôi, bất cứ điều gì giữ cho bạn không bị rơi vào trạng thái suy nghĩ tiêu cực.
5. Ngưng lướt mạng xã hội hay gặp những người khiến bạn trở nên thấp kém
Mạng xã hội là một loại chất xúc tác nuôi dưỡng hạt giống của lòng tự trọng thấp.
Khi đang cảm thấy tồi về bản thân, ta dễ dàng đi theo tiêu chuẩn của người khác và càng tệ hại hơn khi so sánh với thành công của họ. Vì vậy, thời gian này hãy ngưng lướt mạng xã hội, gặp gỡ hội nhóm, họp lớp, những nơi mà bạn sẽ thấy nhiều người thành công, hạnh phúc, thông minh hơn bạn. Và trong tâm trạng tồi tệ như vậy, bạn có thể học hỏi gì từ họ không? Hãy cho mình thời gian để bình tâm trở lại, mạnh mẽ trở lại, yêu thương trở lại.
6. Lên kế hoạch học tập nâng cấp bản thân
Đôi khi vấn đề của lòng tự trọng chỉ là do bạn đang thiếu hụt kỹ năng nào đó hoặc không tự tin mình có đủ năng lực làm việc/yêu đương/kết bạn. Lúc này, cảm giác tồi tệ về bản thân có thể là một tín hiệu tốt để bạn có thêm động lực thay đổi bản thân. Ít nhất là bạn cũng phải làm cái gì đó khác đi, thì bạn mới mong một kết quả khác, và cảm nhận khác về bản thân được.
7. Bắt đầu “yêu bản thân” đúng nghĩa
Nhiều người nghĩ rằng lòng tự trọng xuất phát từ “yêu bản thân”, mà yêu bản thân nghĩa là làm những gì mình thích. Điều này chỉ đúng một nửa. Yêu bản thân là không cho phép những gì tồi tệ xảy ra với mình, không để bản thân làm những việc có hại, nghĩ những điều tiêu cực, sống buông thả.
Yêu bản thân là ngăn không cho mình uống trà sữa mỗi ngày, vì biết rằng nó chỉ đem lại cảm giác thoải mái tức thời, nhưng lại có hại cho sức khỏe về lâu dài. Yêu bản thân là cố gắng rèn luyện các thói quen tốt, loại bỏ các thói quen xấu, trở nên tốt đẹp hơn. Bạn có thể nuông chiều bản thân trong thời điểm nào đó, nhưng trong dài hạn, yêu bản thân là sự tự kỷ luật để hướng về một cuộc sống có chất lượng hơn, với những tiêu chuẩn cao hơn mà bạn cho là xứng đáng với chính mình.
Tóm lại cái bài dài thòng
Trước đây, tôi đã không nhận ra rằng mình không tôn trọng bản thân. Tôi cho rằng bản thân có nghề nghiệp tốt, có thu nhập, tính tình thân thiện vui vẻ thì chắc chắn được nhiều người yêu quý. Cho đến khi gặp một vài biến cố, tôi trở nên sụp đổ và tất những giá trị mà tôi cho là quan trọng đó không thể nào cứu vãn được sự tự tôn ít ỏi. Thì ra tôi đã xây dựng lòng tự trọng của mình bằng sự công nhận nơi người khác, tôi luôn tỏ ra bản thân có giá trị, dễ mến, thân thiện. Tôi đã vùi lấp đi giá trị thực sự mà tôi coi trọng để chạy theo những gì xã hội đề cao. Nhưng tôi đã không thể nói dối lòng mình thêm nữa.
Cho đến khi tôi biết nhìn nhận lại chính mình, hiểu ra điều gì bản thân thực sự quan tâm, điều gì mình cần phải cải thiện, thay đổi, tôi bắt đầu củng cố lòng tin vào chính mình. Tôi cố gắng hơn, kiên nhẫn hơn, tập trung hơn vào mục tiêu mà tôi tin rằng sẽ khiến bản thân thực sự hạnh phúc. Khi không cần ai công nhận và không chạy theo hệ giá trị của xã hội, tôi cảm thấy thanh thản và yêu thương bản thân trở lại. Khi tôi trân trọng bản thân, tôi thay đổi cách giao tiếp với người khác, thay đổi lối sống, cách làm việc, học hỏi. Tôi biết mình đã bắt đầu tạo ra vòng lặp mới, dù mọi thứ vẫn chưa có kết quả gì đáng kể.
Tất nhiên, những điều này không hề dễ dàng: tôi biết có thể những thứ mình làm sẽ chẳng đem lại kết quả như mình mong đợi. Nhưng dù sao, tôi có động lực để kiên trì theo đuổi những giá trị đích thực của đời mình. Ít nhất, tôi đã bắt đầu THỰC SỰ TRÂN TRỌNG BẢN THÂN.
Cũng không có cách nào khác, bởi không có tự tôn, chúng ta không thể nào sống cuộc đời mà mình mong muốn, không cách nào đạt được bình an trong lòng.
Không cách nào.
Tài liệu tham khảo:
![](https://sabia.vn/wp-content/uploads/2023/10/Sabia-tai-lieu-tham-khao-1024x691.webp)
Bài viết tham khảo các nguồn tài liệu:
1. Truyện ngắn Chí Phèo (Nam Cao)
2. www.psychologytoday.com
3. www.mind.org.uk
(*) Bài viết (bao gồm nội dung và hình ảnh) thuộc sở hữu của Sabia.vn, mọi sao chép vui lòng dẫn link bài viết và ghi rõ nguồn Sabia.vn.