Bạn có đang tự hủy hoại bản thân vì thứ lợi ích này?

Bạn có đang tự hủy hoại bản thân vì thứ lợi ích này?

,

Giữ cho bản thân xấu xí, chịu đựng mối quan hệ tồi, kiên trì làm công việc mình không thích… những vấn đề kinh điển này có lẽ bạn và tôi không ai là chưa từng nếm qua vài thứ. Tuy nhiên hãy thử nhớ lại, chúng ta đã sống chung với chúng một thời gian dài như thế nào. Dù ta có đủ lý do và điều kiện để thay đổi, vấn đề vẫn luôn nằm chình ình ở đó. 

Những rắc rối đó có thể ngày càng phình to ra đủ để hủy hoại cuộc sống của bạn bất cứ lúc nào, nhưng chúng ta đã không làm gì để thay đổi. Vì sao vậy nhỉ? Ở góc nhìn tâm lý học, có thể bạn đã đạt được một thứ gì đó gọi là “lợi ích thứ cấp” (tiếng Anh: “secondary gain”, có thể dịch là lợi ích thứ yếu. Trong bài viết này tôi sẽ dùng cả hai cách gọi là lợi ích thứ cấp và lợi ích thứ yếu), nhận được từ rắc rối ban đầu.

Hãy bắt đầu bằng câu chuyện kinh điển của nhiều chị em phụ nữ: chồng ngoại tình.

Tình huống mở đầu

Bạn tôi có biết một đồng nghiệp, chồng ngoại tình nhưng chị ấy chưa bao giờ có ý định ly dị. Cô ấy biết nhà của “tiểu tam”, đánh ghen như cơm bữa nhưng chưa bao giờ đổ lỗi cho chồng. Chuyện gia đình của chị ấy đồng nghiệp đều biết, vì hôm nào chị ấy cũng kể lể chuyện đánh ghen và gã chồng bội bạc.

Ai cũng lắc đầu ngao ngán sao chị không bỏ quách gã chồng đi? Trong khi gã không chu cấp tiền bạc gì cho chị cả. Việc sống chung với gã chồng lăng nhăng vô tích sự, lại còn hao tâm tổn trí đi đánh ghen quả thật là một lựa chọn quá tồi tệ. Nhưng chị ấy đã để câu chuyện này kéo dài nhiều năm liền.

Đừng cảm thấy chị đồng nghiệp trong câu chuyện vô lý, vì có thể chị ấy đã nhận được những lợi ích thứ cấp nào đó do việc gã chồng lăng nhăng đem lại.

Có thể chị ấy được họ hàng quan tâm, đồng nghiệp thông cảm, được xem mình như là nạn nhân của câu chuyện.

Hoặc một lợi ích nào đó từ việc đánh ghen đem lại, như việc có một đối tượng để trút giận, giải tỏa những bức xúc khác trong cuộc sống (kiểu lợi ích này rất nguy hiểm vì chúng ta rất khó nhận ra, song điều này có khả năng xảy ra khi tâm trạng bất ổn trong thời gian dài)

Tuy nhiên, dù đây là động lực để chị ấy duy trì mối quan hệ với chồng, chị ấy không ý thức là mình nhận được lợi ích này. Chị chỉ đơn giản nghĩ rằng mình đang chịu đựng gã chồng lăng nhăng.

Đây là ví dụ điển hình cho việc chúng ta đã nhìn vào những lợi ích thứ cấp để duy trì một tình huống mắc kẹt mà không nỗ lực giải quyết chúng.

Nhận diện lợi ích thứ yếu

1. Lợi ích thứ yếu là gì?

Thuật ngữ này thường được sử dụng trong tâm lý học, mô tả các lợi ích tiềm ẩn hoặc vô thức mà một người có thể đạt được từ một tình huống hoặc hành vi mà ban đầu có vẻ không có lợi ích gì. Chẳng hạn, một người có thể vô thức mong muốn bị ốm hoặc bị thương để có được sự quan tâm và chăm sóc từ người khác. 

Nói cách khác, lợi ích thứ cấp có thể được mô tả là lợi ích mà mọi người nhận được từ việc KHÔNG khắc phục được vấn đề. Đối với những người bị mắc kẹt , lợi ích thứ cấp là một yếu tố quan trọng giải thích tại sao họ không chủ động giải quyết vấn đề của mình.

Dưới đây là một số lợi ích thứ cấp phổ biến:

  •  Sự thừa nhận, đồng cảm từ xã hội: Cố gắng giúp đỡ tất cả mọi người để được công nhận là cô gái tốt bụng.
  •  Cảm giác thoải mái: Thất nghiệp là trạng thái bất lợi nhưng đem lại sự thoải mái khi không phải nỗ lực trong công việc.
  •  Sự duy trì thói quen: Ngại chia tay người yêu dù đã hết yêu vì không thể từ bỏ thói quen được đưa đón, đi chơi vào cuối tuần.
  •  Được quan tâm, chăm sóc: Đau bệnh kéo dài vì được chăm sóc.
  •  Được thuộc về nhóm nào đó: Chịu đựng gã chồng tồi tệ để được người xung quanh đồng cảm, công nhận, để giữ các mối quan hệ họ hàng hai bên.

2. Lợi ích thứ yếu và lợi ích chính yếu

Nếu đã nói đến “lợi ích thứ cấp”, chúng ta phải đặt trong sự so sánh với “lợi ích chính yếu”. Lợi ích chính yếu là khi chúng ta suy nghĩ một cách có ý thức về những gì bản thân mình muốn, mong đợi đối với chủ thể, tình huống nào đó. Lợi ích thứ cấp chỉ là một dạng lợi ích phụ phát sinh, không nằm trong mong muốn chủ đích ban đầu. 

Khi phân biệt được lợi ích chính yếu và lợi ích thứ yếu, bạn cũng sẽ nhận ra tác hại nếu để lợi ích thứ cấp chi phối hành động của bạn trong thời gian dài:

Tầm quan trọng

Lợi ích chính yếu là lợi ích cơ bản, chủ yếu, có tầm quan trọng cao đối với mục tiêu của một người và luôn được ý thức rõ ràng. Trong khi đó, lợi ích thứ yếu là lợi ích phụ, không cần thiết hoặc ít quan trọng hơn, không nằm trong ý thức ban đầu khi hành động.

Ví dụ như một người có thể đặt mục tiêu chạy bộ vào mỗi buổi sáng vì sức khỏe. Sau đó anh ta gặp một cô gái rất dễ thương trên đường chạy bộ. Anh ta nên duy trì việc chạy bộ vì sức khỏe hay vì được gặp cô gái? Được trò chuyện với cô gái chỉ là lợi ích thứ cấp, nâng cao sức khỏe mới là lợi ích chính yếu.

Động lực của hành động

Lợi ích chính yếu thường là động lực chính để một người hành động, trong khi lợi ích thứ yếu thường không đủ mạnh để đưa ra quyết định hành động. Khi ai đó hành động vì lợi ích thứ yếu, họ đang ngộ nhận đó là động cơ chính của mình.  Nếu dùng lợi ích thứ yếu làm động lực hành động, hành động đó sẽ không bền vững và mục tiêu đạt được có thể không khiến người đó hạnh phúc.

Ở ví dụ chạy bộ, rõ ràng việc được gặp cô gái chỉ là lợi ích thứ cấp, nhưng nếu một người quyết tâm chạy bộ vì cô gái, chuyện gì xảy ra nếu cô ấy biến mất? Hoặc bạn phát hiện ra cô ấy có người yêu rồi?

Thời gian – ngắn hạn và dài hạn

Lợi ích chính yếu là lợi ích có hiệu quả trong thời gian dài, trong khi lợi ích thứ yếu thường chỉ có hiệu quả trong thời gian ngắn. Người phụ nữ có chồng ngoại tình chỉ được xoa dịu cảm giác nhờ người thân ở một vài thời điểm nhất định. Cô ấy sẽ sống với nỗi bứt rứt cả đời chừng nào chồng vẫn còn lăng nhăng, không yêu thương cô.

Mức độ hài lòng

Lợi ích chính yếu thường làm cho một người cảm thấy hài lòng sau khi đạt được mục tiêu, trong khi lợi ích thứ yếu thường không đem lại sự hài lòng như vậy. Bởi vì nếu lợi ích chính yếu không được thỏa mãn, thì chúng ta sẽ không bao giờ hài lòng với kết quả mình nhận được. Một anh chàng tỏ tình thất bại với cô gái nhưng nhờ vậy lại trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội, được mọi người yêu quý. Anh ta sẽ hạnh phúc với điều này sao?

Bạn đã hiểu được điều gì đang chi phối cách bản thân giải quyết vấn đề. Lợi ích thứ yếu nguy hiểm ở chỗ, hầu hết chúng ta không ý thức được nó quan trọng đến mức đang ảnh hưởng đến cuộc sống của ta. Nó không phải là động cơ hành động, nhưng lại là nguyên nhân gây ra sự trì hoãn giải quyết vấn đề thực sự. Vậy vì sao chúng ta lại dính vào nó?
Các phần tiếp theo của bài viết sẽ làm rõ điều này và một vài gợi ý giúp bạn đối phó với lợi ích thứ yếu.

Bài viết thuộc sở hữu của Sabia.vn. Mọi sao chép, trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn từ Sabia.

Bài viết tham khảo nguồn tài liệu:

  1. https://www.karenrkoenig.com/blog/what-is-secondary-gain-and-how-it-can-hurt-you
  2. https://www.symmetrycounseling.com/counselor-chicago/are-secondary-gains-blocking-your-ability-to-change/
  3. https://www.linkedin.com/pulse/self-sabotage-how-very-real-problem-secondary-gain-luquesi-scott/
  4. Thuật ngữ “lợi ích thứ yếu” được lấy từ cuốn sách “Để không chỉ là gái ngoan”, tác giả Ts. Lois P.Frankle và Ts. Carol Frohlinger

Về tác giả