Bạn đã sẵn sàng để hẹn hò chưa?

Bạn đã sẵn sàng để hẹn hò chưa?

,

Khi chúng ta bước vào độ tuổi trên 25, mỗi khi gặp ai đó, câu đầu tiên chắc chắn được hỏi là “có người yêu chưa?”, đặc biệt với chị em phụ nữ. Và không ít lần chúng ta cũng tự hỏi mình, mình có muốn có người yêu không, mình có kế hoạch lập gia đình không, mình có nên yêu ai đó. Những câu hỏi cứ lặp đi lặp lại nhưng chúng ta chưa bao giờ chắc chắn về điều mà mình nghĩ về chuyện hẹn hò.

Bạn đã sẵn sàng để hẹn hò, để yêu ai đó chưa? – Câu hỏi nghe có vẻ đơn giản nhưng câu trả lời phức tạp hơn bạn tưởng nhiều. Hãy bắt đầu bằng vài tình huống phổ biến trong chuyện hẹn hò mà có lẽ bạn đã gặp hoặc nghe kể.

Tình huống mở đầu

  • Một anh chàng vừa chia tay bạn gái thì 2 tuần sau đã quen người mới, và chỉ 3 tháng sau đã nhanh chóng kết hôn. Mọi người nghĩ rằng anh ta là kẻ phụ tình, đã quên béng cô người yêu cũ một cách mau lẹ mới cưới vợ nhanh như vậy. Sự thật là anh ta quá đau khổ vì bị người yêu cũ “cắm sừng” nên nhanh chóng tìm người mới để “trả thù”, nhằm xoa dịu cảm giác tổn thương, bất lực mà mối quan hệ cũ gây ra.

  • Một cô gái 30 tuổi có công việc ổn định, ngoại hình ưa nhìn chấp nhận hẹn hò với một anh chàng mà nhìn vào ai cũng biết họ không hợp nhau về nhiều mặt. Dù biết rằng mối quan hệ sẽ không hạnh phúc do chênh lệch quá nhiều yếu tố, cô gái vẫn hẹn hò với chàng trai vì không muốn bị gán mác gái ế lâu hơn nữa.

  • Một người mẹ đơn thân đang nuôi con nhỏ mất niềm tin với đàn ông sau khi ly dị gã chồng tồi vũ phu, rượu chè. Bị ám ảnh bởi quá khứ, cô từ chối hẹn hò với mọi người đàn ông tới làm quen với cô.

Ba người trong 3 câu chuyện trên đều “chưa sẵn sàng” để bước vào mối quan hệ, dù biểu hiện của họ khác nhau. Vậy thế nào là sẵn sàng cho một mối quan hệ?

Thế nào là “sẵn sàng cho một mối quan hệ”?

Bất kỳ mối quan hệ lành mạnh nào, dù là yêu đương hay không, đều phải dựa trên sự tin tưởng, giao tiếp cởi mở và trung thực, tôn trọng và bình đẳng – và mọi người đều xứng đáng được nhận điều này. Tất nhiên không có gì sai khi độc thân, nhưng theo nhu cầu tự nhiên, chúng ta luôn mong có ai đó trên đời yêu thương, thấu hiểu mình đủ nhiều để sưởi ấm trái tim đang lạnh giá này.

Vậy vì sao chúng ta lại dùng từ “chưa sẵn sàng” để từ chối tìm kiếm một mối quan hệ?

Mọi người thường nói “tôi chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ” với nhiều ý nghĩa khác nhau. Chưa sẵn sàng với người này có nghĩa họ muốn tập trung thời gian cho sự nghiệp, họ cảm thấy không có khả năng tài chính để yêu đương. Có người không muốn đi đến sự cam kết, có người lại cho rằng bản thân đang gặp nhiều vấn đề về tâm lý, không thể yêu ai. 

Có người lại lao vào các mối quan hệ dù bản thân chưa thực sự sẵn sàng. Tổng hợp từ nhiều quan điểm, thì sẵn sàng cho một mối quan hệ là:

  • Bạn đã giải quyết xong các vấn đề của riêng mình
  • Bạn yêu ai đó vì bạn thích họ, không phải vì ép buộc
  • Bạn đã quên được người yêu cũ
  • Bạn độc lập, không phụ thuộc cảm xúc vào người khác
  • Bạn không dựa dẫm vào mối quan hệ để cứu vớt đời mình
  • Bạn có thời gian, công sức để đầu tư cho mối quan hệ
  • Bạn chấp nhận sự khác biệt, sẵn sàng thay đổi bản thân
  • Bạn hài lòng với chính mình
  • Blah blah..

Danh sách này không phải là sự khẳng định đúng/sai, tính hợp lý khi ai đó nói họ chưa sẵn sàng yêu đương vì điều gì. Danh sách này chỉ phản ánh quan điểm của nhiều người với cụm từ “sẵn sàng cho một mối quan hệ”.

Vì sao bạn cần biết bản thân đã sẵn sàng hay chưa?

Một điều tai hại về chuyện tình yêu là mọi người cứ cho rằng đây là “duyên số”, nên cứ “chờ thời”, cứ đủng đỉnh mà sống, người đó sẽ xuất hiện thôi. Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ nhu cầu tình cảm của bản thân, chúng ta sẽ phải nhận một vài quả đắng.

Làm quen bất đắc dĩ

Click để xem tình huống

Làm quen vì được gia quyến động viên

Cách đây vài tháng, tôi đang thất nghiệp và gặp vài vấn đề cá nhân. Khi này, ba tôi đã giới thiệu một anh chàng ở quê cho tôi. Anh ta vừa ly dị vợ, khá giàu có, và làm nghề kinh doanh bất động sản. Tôi nghe kể thì biết là không hợp với bản thân, và khoảng cách địa lý cho thấy mối tình này khó mà xảy ra. Nhưng vào hoàn cảnh đó, tôi cho rằng mối quan hệ (nếu may mắn) có thể giúp tôi ổn định cuộc đời. Tôi sẽ sống nhờ chồng, không phải lo nghĩ về sự nghiệp, ước mơ của bản thân, lay lắt như hiện tại (thực sự thì đó không phải là lý tưởng của tôi). Đại khái, tôi được ba tôi và một số người thân thuyết phục, thì cũng gắng gượng nói chuyện làm quen với anh chàng đó.

Kết quả là điều đó chỉ làm tôi lãng phí thời gian của bản thân, bởi mọi chuyện đã không đi đến đâu. Tôi đã không có chút hứng thú tình cảm nào với anh chàng đó (anh ta cũng vậy), việc nói chuyện chỉ là gượng ép mà thôi. Nếu ngay từ đầu tôi kiên định với cảm xúc của mình, có lẽ tôi đã không vướng vào những đoạn tình cảm bi hài như vậy.

Ở một câu chuyện kém lạc quan hơn, tôi biết rằng có nhiều cô gái, sau nhiều năm mệt mỏi bươn chải ở thành phố, cũng nghe lời gia đình, về quê lấy chồng. Họ lấy chồng qua mai mối, không phù hợp nhưng vẫn cưới nhau. Sau đó, họ bắt đầu chịu đựng cuộc hôn nhân kinh khủng vì sự thiếu chuẩn bị. Có lẽ họ biết trái tim mình không hạnh phúc, nhưng họ đã không có đủ mạnh mẽ để nói một lời từ chối trước những ràng buộc gia đình.

Giống như tôi, nếu không ý thức được bản thân đã sẵn sàng hay chưa, bạn rất có thể:

  • Rơi vào mối quan hệ kém chất lượng
  • Không có động lực duy trì mối quan hệ
  • Ngộ nhận về nhu cầu bản thân
  • Lãng phí thời gian vào những điều nên/không nên làm.
  • Đưa ra các quyết định gây hối tiếc
  • Để người khác có cơ hội can thiệp vào chuyện tình cảm của bạn
  • Không biết cách để sửa chữa những sai lầm trong mối quan hệ
  • Có nguy cơ bị tổn thương về mặt thể chất lẫn tâm hồn

Làm thế nào để biết bạn đã sẵn sàng hẹn hò?

Những câu hỏi này sẽ giúp bạn không chỉ biết bản thân đã sẵn sàng yêu đương hay chưa, mà còn biết mình đã chọn đúng người để hẹn hò hay chưa.

1. Câu hỏi dành cho bản thân

Bạn có hài lòng với con người hiện tại của mình không?

Câu hỏi này không có nghĩa rằng chúng ta phải hài lòng tuyệt đối với bản thân mình mới được phép yêu đương. Nó thể hiện bạn ý thức rõ ràng về bản thân, sẵn sàng thay đổi hoặc có quyền đòi hỏi điều gì nơi người khác.

Nếu một cô gái có công việc ổn định, hiếu thuận với cha mẹ, cô ấy xứng đáng hẹn hò với người có phẩm chất tương tự.

Bạn bị thu hút bởi giới tính nào?

Dù bạn thích ai đi nữa, điều đó không có gì đáng phải xấu hổ. Tuy nhiên, có nhiều người ngộ nhận giới tính của mình khi họ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh, hoặc ai đó yêu họ quá mãnh liệt.

Dành thời gian để trả lời câu hỏi này là một điều cực kỳ quan trọng để có những mối quan hệ chất lượng lâu dài mà không gây tổn thương cho bất kỳ ai.

Bạn mong đợi gì ở một mối quan hệ?

Bạn bước vào hẹn hò để có thêm trải nghiệm, hay muốn tìm ai đó gắn bó lâu dài? Bạn chỉ muốn có ai đó để tâm sự, hay người cho bạn cảm xúc lãng mạn mãnh liệt? Bạn xem trọng khả năng làm cha/mẹ ở đối tác, hay khả năng đồng thấu hiểu giữa hai người?

Bạn có thời gian cho mối quan hệ này không?

Bạn có thể sắp xếp thời gian để duy trì mối quan hệ với đối phương? Đó không chỉ là thời gian gặp gỡ, hẹn hò, mà còn là thời gian để lắng nghe, thấu hiểu, xử lý những cảm xúc do mối quan hệ đem lại.

Bạn có cảm thấy đủ mạnh mẽ để đối phó với sự từ chối không ?

Những vấn đề như bị người yêu cũ phản bội, lợi dụng hay các vấn đề về trầm cảm, sức khỏe tinh thần… đã được chữa lành trong bạn chưa? Nếu có tâm hồn thực sự lành mạnh, bạn sẽ chấp nhận sự từ chối như một vấn đề bình thường trong cuộc sống.
Sự tổn thương khiến chúng ta khó chấp nhận lời từ chối của người khác, từ đó dễ gây ra những mối quan hệ cực đoan.

Tình yêu? Hơi phức tạp nhỉ, nhưng tôi có thể nói thế này với bạn… giây phút bạn sẵn sàng chấp nhận đau khổ để làm ai đó hạnh phúc, tình yêu ở ngay đấy.

Khuyết danh

Bạn có kỳ vọng thực tế về một mối quan hệ lãng mạn sẽ như thế nào không?

Rất nhiều chị em đọc ngôn tình quá nhiều nên có những mộng tưởng phi thực tế về các mối quan hệ. Kỳ vọng sai về phẩm chất người bạn đời, cách hai người tương tác, cách hai người phụ thuộc cảm xúc, kiểm soát nhau sẽ dẫn đến sự tan vỡ mối quan hệ.

Ví dụ các tiểu thuyết ngôn tình thường xây dựng hình tượng nam chính đẹp trai, bên ngoài lạnh lùng bên trong nhiều tiền, luôn ấm áp quan tâm nữ chính, lại còn chung tình sống chết yêu một người. Chị em lấy các tiêu chuẩn lý tưởng quá mức này áp đặt cho người yêu tương lai, dẫn đến không vừa lòng với bất kỳ đối tác nào.

2. Câu hỏi về những người thân thiết

Gia đình có ủng hộ chuyện hẹn hò của bạn không?

Các bậc phụ huynh thường cấm cản các mối tình tuổi teen vì đây là độ tuổi chưa đủ chín chắn để yêu. Trái lại, các cô gái 30 lười yêu thì lại luôn bị hối thúc chuyện lập gia đình. Do vậy mà có thể cùng một anh chàng đó, bạn dắt về nhà năm 20 tuổi thì bị bố bạn thả chó ra đuổi, nhưng năm 35 tuổi lại nồng nhiệt đón tiếp như khách quý.

Tuổi tác trong tình yêu có thể không quan trọng, nhưng ở một số độ tuổi, rõ ràng chúng ta có nhiều điều kiện để yêu đương hơn, và sự ủng hộ từ gia đình là một tác nhân quan trọng. Vậy nên nếu bạn còn trẻ, có thể không cần quá gấp gáp, nhưng nếu bạn đã ngoài 30 và có ý định kết hôn, bạn nên chuẩn bị hẹn hò càng sớm càng tốt.

Những người liên quan nhận định thế nào về mối quan hệ của bạn?

Chuyện tình cảm là chuyện cá nhân mỗi người, bạn có thể đang nghĩ không cần nghe tiếng lao xao từ người khác. Tuy nhiên nhìn nhận với con mắt của bên thứ ba vẫn có vài phần khách quan trong đó. Hãy xem ý kiến của họ là một cách tham khảo để cân nhắc về mối quan hệ của bạn.

Bài viết này hơi dài nên tôi tách ra làm hai phần, hãy đọc tiếp ở bên dưới nhé.

Bài viết và hình ảnh thuộc sở hữu của Sabia.vn. Mọi sao chép, trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn từ Sabia.vn

Mọi góp ý về nội dung, liên hệ với Sabia qua email: sabiasabiavn@gmail.com.

Bài viết tham khảo nguồn tài liệu:

  1. https://www.loveisrespect.org/resources/am-i-ready-to-date/
  2. https://www.theatlantic.com/family/archive/2019/05/how-do-you-know-if-youre-ready-for-a-relationship/588871/

Về tác giả