Bạn đã sẵn sàng để hẹn hò chưa?

Bạn đã sẵn sàng hẹn hò chưa – Phần 2

,

Có thể bạn sẽ thấy những câu hỏi này khá quen thuộc, nhưng chúng ta chưa bao giờ thực sự tìm câu trả lời cho cùng chủ đề. Chúng ta hẹn hò và hạnh phúc, đau khổ, và chấm hết. Có điều gì bạn có thể làm để tránh tổn thương mất mát nhất có thể, chính là đặt thêm câu hỏi về người bạn sẽ hẹn hò, tương lai và những thứ thách mà bạn sẽ cùng họ đối mặt.

3. Câu hỏi về người mà bạn sẽ hẹn hò

Bạn có cảm thấy dễ dàng cởi mở với đối phương không?

Có ai đó nói rằng hãy lấy người mà bạn sẵn sàng dành cả ngày để nói chuyện cùng. Nếu bạn là người ưa tâm sự, điều này càng quan trọng. Quan trọng hơn có thể nói chuyện, là có thể thành thật với nhau. Bất cứ ai đem lại cho bạn cảm giác không an toàn, phải gồng mình lên để thể hiện các kiểu, thì có thể họ không phải là người phù hợp.

Ý tưởng cho câu hỏi này, đó phải là người mà bạn và đối phương trân trọng lẫn nhau, chân thành với nhau. Đây là cơ sở nền tảng cho mọi mối quan hệ lành mạnh, đừng xem nhẹ nó. Bạn có tin tưởng con người đó không? Họ có đối xử tôn trọng với bạn không? Hai bạn có tôn trọng quan điểm sống khác biệt của nhau không, hay là tỏ vẻ xem thường người kia?

Có điều gì đáng lo lắng ở đối phương không?

Đôi khi có một số điều chỉ có thể cảm nhận bằng trực giác. Và trực giác trong các trường hợp tình cảm thường lại đúng.

Tôi có một cô bạn, cô ấy vừa mới quen biết một giảng viên đại học. Anh ta khá ưa nhìn, điều kiện tốt, mọi thứ có vẻ hoàn hảo. Nhưng cách anh ta liên tục nhắn tin khiến bạn tôi cảm thấy e ngại. Một hôm bạn tôi đang bận việc, nói anh ta đừng qua nhà. Nhưng anh ta đã đùng đùng chạy qua nhà, đòi lên phòng trọ bạn tôi ngồi chơi. Thời điểm này hai người chỉ mới làm quen, chưa yêu đương gì. Đây không phải là biểu hiện của lãng mạn, mà là sự thiếu tôn trọng dành cho đối phương. Bạn tôi sau đó từ giã anh ta không ngày gặp lại.

Có những lúc chúng ta cảm thấy như trái đất này chỉ còn sót lại một vài người đàn ông dành cho mình, và những người kia bạn đã gặp thời trẻ, còn mỗi một người dành cho bạn khi bước qua tuổi 30. Chúng ta trở nên gượng ép bản thân chấp nhận mối quan hệ nào đó, vì dù thấy họ bất ổn, ta vẫn chậc lưỡi “thôi thà méo mó có hơn không”. 

Hãy nghĩ đơn giản thế này: Nếu ai đó thân thiết với bạn đang định hẹn hò với gã mà bạn quen hiện tại, bạn sẽ nói gì với họ? Nếu bạn cật lực phản đối thì bạn biết rồi đấy.

Bạn kỳ vọng đối phương đem lại điều gì?

Lập danh sách các kỳ vọng của bạn với một mối quan hệ nghe có vẻ là việc làm cứng nhắc, nhưng nó sẽ giúp ích nhiều cho bạn khi bước vào thời kỳ hẹn hò với ai đó. Danh sách này có thể là điều bạn mong đối phương làm cho mình (quan tâm, sẻ chia), phẩm chất mong đợi (thành thật, dịu dàng, kiên nhẫn), và bao gồm cả những điều bạn không chấp nhận được (hút thuốc, cờ bạc, lăng nhăng). 

Khi chúng ta tìm kiếm để phát hiện những điều tốt nhất ở người khác, chúng ta tìm được những điều tốt nhất ở bản thân.

William Arthur Ward

Khi lập danh sách này, bạn đồng thời cũng thiết lập một loại giới hạn cho bản thân, đồng thời bạn cũng muốn đem đến cho đối phương điều tốt nhất. Nếu không biết rõ nhu cầu của mình, bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng thỏa hiệp, chấp nhận đau khổ chỉ vì cho rằng mình đã quá yêu ai đó. 

Tình yêu có thể phải nhạt theo năm tháng, do đó hạnh phúc của bạn phải được ưu tiên ngay từ lúc bắt đầu.

4. Câu hỏi cho tương lai

Bạn có điều gì cần chia sẻ khi mối quan hệ thân thiết hơn không?

Có nhiều điều chúng ta chỉ có thể trao đổi với người ấy khi hai người đã trở nên thân mật hơn. Một số liên quan đến vấn đề sức khỏe sinh sản, một số là mối quan hệ cũ, một số là dự định trong tương lai của bạn.

Nhiều người cho rằng các vấn đề này nên được trao đổi ngay từ đầu, nhưng điều này có thể gây ra những đổ vỡ, hiểu lầm không cần thiết.
Thời điểm để nói điều này, và cách để cho đối phương biết là hai yếu tố quan trọng.

Bạn có thấy bức tranh tương lai của hai người không?

Trong câu chuyện mai mối bất đắc dĩ phía trên của tôi, tôi đã không thấy tương lai gì của mình khi quen với người đó. Trong khi điều tôi tìm kiếm là một sự gắn bó lâu dài. Như vậy cũng có thể nói, bức tranh tương lai của hai người phù hợp với mong ước của bạn thì đó là một động lực rất lớn cho một mối quan hệ.

Hãy hình dung hai người cùng làm quen với bạn, một người ủng hộ ước mơ của bạn, một người lại thích bạn ở nhà nội trợ sau khi kết hôn. Tùy thuộc vào lý tưởng của bạn là gì, bạn sẽ thấy rằng tình yêu là chưa đủ, bức tranh tương lai của hai người sẽ chi phối quyết định có tiếp tục với một người hay không.

5. Câu hỏi thử thách

Đây là một khía cạnh của hẹn hò mà, những người độc thân thường xuyên nghĩ đến, còn người thích yêu đương lại phớt lờ nó. Các câu hỏi này sẽ giúp bạn hình dung được mong muốn hẹn hò của mình đến đâu. Nếu quá khó để trả lời danh sách này, khả năng cao là bạn chưa sẵn sàng để hẹn hò.

Những loại vấn đề nào bạn sẵn sàng cố gắng giải quyết để duy trì mối quan hệ?

Bạn sẵn sàng hy sinh điều gì để hẹn hò với một người? Buổi tối cuối tuần đọc sách một mình? Bỏ việc, bỏ học, rời bỏ thành phố, về quê, chu cấp cho đối tác, sinh con rồi mới cưới?

Những vấn đề nào bạn không thể thỏa hiệp để đi tiếp cùng nhau?

Đó có thể là các chuyện trọng đại như sống ở đâu sau khi kết hôn, có con hay không có con, cho đến các thói xấu của nhau như hút thuốc, say xỉn, bạo lực, kiểm soát quá mức,…)

Tóm lại cái bài dài thòng

Có thể bạn sẽ thấy những câu hỏi phía trên thật phiền phức, và cuộc sống thì không bao giờ đi theo một đường thẳng. Có lúc bạn ngã vào những mối quan hệ một cách bất ngờ, có lúc chúng ta chờ dài cổ hàng tháng trời cũng không có phép màu nào xảy ra. Danh sách câu hỏi trên chỉ là gợi ý để giúp bạn tự tin hơn trong quyết định của mình.

Dù sao thì, việc hình dung trước các rào cản sẽ gặp ở một mối quan hệ sẽ giúp chúng ta đối phó tốt hơn, dù cho điều đó có đến hay không. Bạn không thể quyết định khi nào thì ý trung nhân sẽ xuất hiện, nhưng biết rằng mình sẵn sàng hay chưa sẵn sàng sẽ giúp chúng ta chủ động hơn.

Sự sẵn sàng có thể ảnh hưởng đến việc hẹn hò

Click để xem nghiên cứu

Sự sẵn sàng ảnh hưởng đến việc hẹn hò thành công

Một nghiên cứu gần đây của Christopher Agnew, một nhà tâm lý học xã hội tại Đại học Purdue và đồng nghiệp đã cho thấy rằng sự sẵn sàng có thể ảnh hưởng đến thành công trong chuyện tình cảm của một người. Những người sẵn sàng cam kết hơn có xu hướng tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển của mối quan hệ mới, chú ý nhiều hơn đến ngoại hình, suy nghĩ thường xuyên hơn về việc hẹn hò và tự tin hơn rằng họ sẽ thành công trong việc thiết lập một mối quan hệ. Tuy nhiên, sự sẵn sàng không phải là yếu tố đảm bảo cho việc cứu vãn mối quan hệ hay kéo dài nó.

Điều quan trọng ở đây là, sẵn sàng không thể hiện ở một sự nghiệp đỉnh cao, độ tuổi chín muồi hay sức khỏe tinh thần tuyệt vời. Mấu chốt là cảm thấy sẵn sàng – bạn cảm thấy mình muốn hẹn hò và sẵn sàng để ai đó bước vào cuộc đời, dù nó có thể đang cần giải quyết vài thứ.

Chúc bạn may mắn tìm được ý trung nhân!

Bài viết thuộc sở hữu của Sabia.vn. Mọi sao chép, trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn từ Sabia.

Bài viết tham khảo nguồn tài liệu:

  1. https://www.loveisrespect.org/resources/am-i-ready-to-date/
  2. https://www.theatlantic.com/family/archive/2019/05/how-do-you-know-if-youre-ready-for-a-relationship/588871/

Về tác giả