Vì sao góc nhìn đàm phán nội tâm là một hội nghị bàn tròn của The Big Four lại đáng để chúng ta xem xét đến vậy, hãy thử phân tích tình huống đàm phán kinh điển mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng từng gặp một lần: đàm phán tăng lương.
>> Đọc bài viết về The Big Four
Trước khi gặp sếp để yêu cầu tăng lương, bạn có thể cần gặp gỡ The Big Four để đàm phán với chính mình. Nói cách khác, bạn cần đàm phán với chính mình trước khi đàm phán với một ai đó.
Tình huống đàm phán tăng lương
Ai cũng nghĩ đàm phán tăng lương là bàn tròn đàm phán đầy căng thẳng với công ty. Tôi cũng từng nghĩ như vậy và rồi tôi thất bại trong hầu hết cuộc đàm phán tăng lương trong đời đi làm của mình. Sau tất cả, dù không có kinh nghiệm thành công, tôi chắc chắn điều gì đã làm cho tôi thất bại. Tôi cho rằng có một cuộc đàm phán quan trọng hơn cần thực hiện trước khi gặp sếp – chính bản thân chúng ta.
1. “Xung đột nội tâm” trước khi gặp sếp
Bây giờ hãy hình dung bạn muốn được tăng lương. Trong bạn hình thành một dạng xung đột nội tâm, có khá nhiều suy nghĩ tranh chấp lẫn nhau như:
- Tôi đã làm việc vất vả nên phải được tăng lương. Nhưng nếu không được tăng thì sao?
- Tôi phải nói gì với sếp để thuyết phục lý do tăng lương?
- Tình hình công ty không ổn lắm, tôi có nên yêu cầu vào lúc này?
- Dù lương thấp nhưng chế độ làm việc của công ty vẫn tốt hơn ở mấy đứa bạn tôi
- Nếu sếp không tăng lương thì tôi có thể vui vẻ làm việc tiếp không?
- Sếp có nghĩ rằng tôi là kẻ tham lam khi yêu cầu tăng lương không?
Khi này, bạn sẽ làm gì để dập tắt các tiếng nói này? Khả năng cao là chúng ta sẽ tự trấn an bản thân bằng một vài luận điểm yếu ớt và phớt lờ đi những tiếng nói khác – cho rằng chúng không quan trọng. Ví dụ, để trấn an nỗi e ngại sếp sẽ đánh giá mình là kẻ tham lam, chúng ta có xu hướng nghĩ “mình xứng đáng mà, đây là công bằng chứ không phải tham lam. Chẳng phải mọi người đều đi làm vì lương sao?”

Ghi Chú của Sabia
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm đã trải qua hơn 5 lần đàm phán tăng lương và 90% trong số đó thất bại, tôi chắc chắn rằng chính những tiếng nói này sẽ là nguyên nhân chính khiến ta không thể đàm phán hiệu quả với sếp. Hãy tưởng tượng bạn bước vào phòng sếp và sếp bắt đầu nhìn bạn với đôi mắt đầy ân tình, sau đó tỉ tê tâm sự công ty dạo này thật khó khăn, rồi nói rằng nhiều bạn đi làm chỉ muốn được lương cao mà không biết mình có đóng góp gì… Ái chà, có vẻ như trúng tim đen của bạn. Xong đời, bạn ngậm hột thị đi ra hoặc yêu cầu tăng lương một cách rụt rè, yếu ớt.
Vâng, đó chính là tôi của nhiều năm trước, nếu bạn đang nghi ngờ tôi phóng đại mọi thứ. Vì vậy tôi hiểu rõ rằng, muốn đàm phán tốt với bên ngoài, ta phải đàm phán tốt với chính mình trước đã. Mà cách tốt nhất, là tưởng tượng ra một bàn đàm phán với các nhân vật đại diện cho các khía cạnh tính cách của chúng ta, cùng nhau thảo luận một cách kỹ lưỡng mọi lăn tăn trong đầu.
Như cách mà Giáo sư Erica Ariel Fox đã chia nhóm tính cách này thành “The Big Four”, hãy thử xem cuộc đàm phán này sẽ diễn ra như thế nào.
2. Bàn tròn “The Big Four” trước thềm đàm phán tăng lương
Bây giờ 4 nhân vật cộm cán trong bộ sậu bao gồm Kẻ Mộng Mơ, Người Suy Nghĩ, Người Tình Cảm và Chiến Binh sẽ họp bàn về việc tăng lương. Chủ đề là hãy tự thuyết phục bản thân về việc mình xứng đáng được tăng lương, và nếu có lý do vì sao không được tăng, thì chúng sẽ là gì.
2.1. Kẻ Mộng Mơ
Kẻ Mộng Mơ sẽ nghĩ đến viễn cảnh mình đóng góp nhiều hơn cho công ty, sau khi được tăng lương:
- Cảm thấy thỏa mãn với mức thu nhập, sẽ yên tâm cống hiến cho công ty, không nhìn ngó các nơi khác nữa
- Có tầm nhìn mình sẽ cung cấp thêm giá trị gì cho công ty ở mặt dài hạn, như nhận thêm việc, lên quản lý, học thêm chứng chỉ nào đó để phù hợp với sự mở rộng quy mô của công ty.
2.2. Kẻ Suy Nghĩ
Kẻ Suy Nghĩ sẽ tìm các thông tin, dữ liệu thuyết phục về lý do tăng lương:
- Mức lương thị trường cao hay thấp hơn mức lương hiện tại của bạn?
- Các công ty muốn giữ chân người tài nên có chính sách đánh giá tăng lương sau 6 tháng, 1 năm. Thời gian của bạn ở công ty có phù hợp với tiêu chí này không?
- Các giá trị mà bạn đem lại cho công ty có vượt mức kỳ vọng không? Thành tích nào, con số, khối lượng công việc cụ thể nói lên điều đó?
- Nếu sếp nói rằng bạn chưa phù hợp để được tăng lương, thì đó có thể là gì? (ví dụ thâm niên chưa đủ, công ty khó khăn về tài chính, dự án bạn tham gia không có lợi nhuận)
2.3. Người Tình Cảm
Người Tình Cảm đề cập đến các mối quan hệ và yếu tố cảm xúc:
- Mối quan hệ giữa bạn và cấp trên như thế nào?
- Cấp trên có đánh giá cao nỗ lực của bạn và ghi nhận chúng một cách hợp lý?
- Ở công ty bạn, việc đàm phán tăng lương có phải là chuyện bình thường hay không?
- Nếu việc tăng lương là một quy trình qua nhiều phòng ban, những bộ phận nào bạn phải giao tiếp? Những ai bạn phải gặp?
- Bạn sẽ sắp xếp thế nào để thuyết phục các nhóm người này?
2.4. Chiến Binh
Chiến Binh sẽ tập trung vào kế hoạch hành động:
- Thời điểm phù hợp để đề xuất tăng lương là khi nào?
- Bạn sẽ chuẩn bị những gì (hẹn gặp ai, email sẽ gửi, trước và sau khi đàm phán)
- Trong trường hợp bị từ chối, bạn sẽ làm gì tiếp theo?
Bây giờ thì chúng ta đều thấy có rất nhiều câu hỏi cần được giải đáp trước khi bước vào đàm phán tăng lương thực sự với sếp. Hãy tưởng tượng bạn bước vào phòng họp mà không tự thuyết phục bản thân về lý do mình được tăng lương, điều gì khiến bạn nghĩ rằng bạn sẽ thuyết phục được sếp?
Bạn phải thuyết phục chính mình trước khi thuyết phục ai đó tin bạn, nếu không bạn sẽ đàm phán thất bại với người khác.
Vậy câu hỏi tiếp theo là
Bạn có thể làm gì để đàm phán với chính mình?
Hoặc “làm thế nào để cuộc họp với The Big Four đem lại kết quả tốt nhất”?
1. Ghi nhận tiếng nói của toàn bộ The Big Four
Tiếng nói xung đột nội tâm của bạn có thể dẫn đến những lựa chọn tồi tệ và hành động không hiệu quả nếu chúng không được kiểm soát, mất cân bằng và không phối hợp tốt với nhau. Nghiên cứu của Giáo sư Erica Ariel Fox cho thấy rằng hầu hết chúng ta không xử lý tốt các mối xung đột này. Chúng ta khuyếch đại tầm quan trọng của một hoặc hai trong nhóm, và phớt lờ tiếng nói của kẻ khác.
Ví dụ khi yêu cầu tăng lương, ta thường bỏ qua tiếng nói của Người Tình Cảm và Kẻ Mộng Mơ, chỉ tập trung vào các lý do thuyết phục sếp tăng lương cho ta. Điều này dẫn đến những gì ta nói sẽ “hợp lý” mà kém “hợp tình”, nếu sếp dùng các yếu tố cảm tính để từ chối bạn, rất khó để bạn ứng biến trong tình huống này.
Vì vậy, để đàm phán tốt với chính mình, điều đầu tiên là nhận ra tiếng nói của tất cả các thành viên của The Big Four.
2. Khai thác sức mạnh của mỗi thành viên
Điều này có vẻ kỳ quặc, nhưng khi bạn thử phân thân làm 4 người, bạn sẽ thấy các khía cạnh đa dạng trong tính cách của bạn. Có lúc bạn rất lý trí, cũng có khi bạn ủy mị, có lúc mộng mơ nhưng cũng có lúc rất thực tế. Đó chính là cách mà The Big Four hoạt động. Mỗi thành viên trong The Big Four đại diện cho các nhóm tính cách, kỹ năng mà chúng ta sở hữu.
Khi ta phớt lờ các tiếng nói của các thành viên khác, ta cũng đang bỏ qua thế mạnh, kỹ năng, kiến thức mà thành viên đó đại diện. Ngược lại, nếu ta biết khai thác sức mạnh của họ, nhóm The Big Four này sẽ thành “bộ tứ siêu đẳng”, giúp bạn trở thành phiên bản hoàn thiện hơn của chính mình, đạt được kết quả tốt hơn trong mọi việc.

Ví dụ, trong công việc, chúng ta thường phớt lờ Người Tình Cảm, và trong đời sống gia đình, ta không coi trọng mấy tiếng nói của Người Suy nghĩ. Nếu bắt đầu khai thác sức mạnh của hai người này trong các lĩnh vực mà tiếng nói của họ có vẻ không quan trọng mấy, một số kết quả ngạc nhiên sẽ đến.
Chẳng hạn như trong công việc, Người Tình Cảm có sức mạnh gắn kết các mối quan hệ, tăng khả năng đồng cảm và phát triển kỹ năng giao tiếp. Hãy tưởng tượng các trưởng nhóm bộ phận Kỹ thuật không phải là người có chuyên môn cao nhất, nhưng rõ ràng là người biết giao tiếp và xây dựng mối quan hệ với các phòng ban khác.
3. Hiểu rõ The Big Four của chính bạn
Để tạo ra các cuộc đàm phán hiệu quả với bản thân, chúng ta cần hiểu rõ The Big Four của chính mình và tận dụng những phẩm chất của mỗi thành viên, biến chúng thành điểm mạnh. Bất kỳ ai đều có đủ các thành viên The Big Four, nhưng phầm chất và tầm ảnh hưởng của mỗi thành viên lên bàn đàm phán nội bộ ở mỗi người là không giống nhau.
Khi hiểu rõ điều gì đang chi phối cách bản thân nhìn nhận vấn đề, ta có thêm cơ hội để kiểm soát và điều chỉnh chúng hợp lý hơn. Tôi nghĩ rằng đây cũng có thể là một cách tiếp cận thú vị để chúng ta khám phá, kiểm soát cảm xúc và quản lý bản thân tốt hơn.
Ví dụ, nếu ý thức được bản thân là người bị Tình Cảm chi phối, bạn có thể bắt đầu học cách hạn chế điểm yếu của nó, hoặc tránh đưa bản thân vào những tình huống mà bạn biết chắc rằng mình khó đàm phán thành công. Nếu muốn chia tay bạn trai nhưng lại dễ mềm yếu mỗi lần bạn trai năn nỉ quay lại, bạn có thể tránh gặp mặt trực tiếp để không bị anh ta chèo kéo thêm nữa.
Tóm lại cái bài dài thòng
Lý do tôi lấy ví dụ tăng lương là vì bản thân cũng có chút “kinh nghiệm” trong chuyện này. Dĩ nhiên đó toàn là những cuộc trao đổi nghiệp dư mà tỉ lệ thất bại lên đến 90%. Tôi nghiệm lại rằng hầu hết chúng thất bại vì bản thân đã không thuyết phục được chính mình vì sao mình xứng đáng được tăng lương. Trong một số tình huống cực đoan, tôi chỉ nghĩ rằng bản thân xứng đáng được tăng lương, nếu sếp không ghi nhận nỗ lực của tôi, giải pháp đơn giản chỉ là nghỉ việc. “Được ăn cả, ngã về không” là phương châm đàm phán của tôi, và tôi đã nhận ra rằng, dù có thành công thì đó cũng không phải là cách bền vững để thỏa thuận với ai đó.
Hy vọng ví dụ đủ dễ hiểu để bạn có thêm một góc nhìn mới mẻ về việc đàm phán và suy nghĩ về bản thân như một vị “Chủ tịch”, nơi mỗi cuộc đàm phán sẽ lắng nghe tiếng nói của “The Big Four” để khám phá sâu sắc hơn về nhu cầu của chính mình.
Chúc bạn luôn nhận được sự đồng thuận của tiếng nói bên trong!
Tài liệu tham khảo:

Bài viết tham khảo các nguồn tài liệu:
(*) Bài viết (bao gồm nội dung và hình ảnh) thuộc sở hữu của Sabia.vn, mọi sao chép vui lòng dẫn link bài viết và ghi rõ nguồn Sabia.vn.