Cuộc đàm phán quan trọng nhất trong đời - Gặp gỡ "The Big Four" của bạn

Cuộc đàm phán quan trọng nhất trong đời – Gặp gỡ “The Big Four” của bạn

, ,

Bạn muốn chia tay gã người yêu bảo thủ gia trưởng không biết bao nhiêu lần, nhưng mỗi lần gặp hắn bạn lại tự nhủ “thôi để lần tới vậy”. Bên trong bạn, một nửa muốn chia tay bạn trai, một nửa lại băn khoăn vì không biết đá đít gã này rồi liệu có ai tốt hơn để quen hay không.
Dù muốn hay không, thì tiếng nói nội tâm này là một tình huống kinh điển cho thấy bạn đang đàm phán với chính mình.

Mọi người đều nói về đàm phán trong công việc hay trong cuộc sống, rằng đàm phán là việc chúng ta làm với người khác, sao cho hai bên đạt được thỏa thuận tốt nhất. Giáo sư Erica Ariel Fox, hiện đang giảng dạy tại trường ĐH Luật Harvard đã chia sẻ một góc nhìn mới về những cuộc đàm phán sau 20 năm tư vấn cho hàng ngàn người về kỹ năng đàm phán.
Cô nhận ra rằng cuộc đàm phán quan trọng nhất là đàm phán với chính mình, chứ không phải với người khác.

Giáo sư Erica Ariel Fox

Click để xem giới thiệu

Giáo sư Erica Ariel Fox

Bạn đang nghĩ, đàm phán là cuộc chơi với người khác?

Đúng là bạn đàm phán với người khác suốt ngày, mỗi ngày, từ khi thức dậy đến khi đi ngủ.

Từ nơi làm việc, bạn có vô vàn các cuộc đàm phán hại não như hợp đồng làm ăn, làm việc nhóm, thỏa thuận hợp tác, dự án mới. Cho đến lúc về nhà, các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục và khiến bạn đau đầu không kém. Mua một món đồ mới, cho phép tụi nhỏ dùng điện thoại bao lâu, ai sẽ nấu bữa tối. Những gì được đàm phán tại nhà có thể hệ trọng hơn như: có nên tiêm vaccin hay không, đóng bảo hiểm loại nào, liệu có nên “bỏ phố về quê” hay không.

Từ những thứ quan trọng đến những điều vụn vặt, đàm phán là cách chúng ta hoàn thành các việc cần làm. Đôi khi cuộc đàm phán khó khăn nhất lại là với bọn chó con đang tuổi mọc răng. Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng, đàm phán là cuộc trao đổi với “ai đó” khác chúng ta. Khi đàm phán là chúng ta đang cố gắng thuyết phục họ nghe theo quan điểm của mình. 

Nhưng đó chỉ là một nửa câu chuyện. 

Sau gần 20 năm giảng dạy đàm phán tại trường Luật Harvard và những năm tương tự tư vấn và đào tạo hàng ngàn giám đốc, nhà lãnh đạo, nhà tư vấn và luật sư từ khắp nơi trên thế giới, Giáo sư Erica Ariel Fox nhìn thấy điều khác biệt.

Trước khi đàm phán với người khác, bạn phải đàm phán với chính mình và học cách làm điều đó.

Cuộc đàm phán quan trọng nhất trong cuộc đời: Với chính mình

Thực tế, những cuộc đàm phán quan trọng nhất mà chúng ta có – những cuộc đàm phán xác định chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng lên hành động của chúng ta – là những cuộc đàm phán chúng ta có với chính bản thân mình. Học cách giao tiếp tốt và ảnh hưởng đến những người khác là các kỹ năng cần thiết trong kinh doanh. Nhưng thậm chí còn quan trọng hơn để thành công là học cách đàm phán hiệu quả với chính mình.

Đạt được kết quả tốt hơn, mối quan hệ mạnh mẽ hơn và nhiều phần thưởng sâu sắc hơn trong cuộc sống đều đến từ việc học cách đàm phán với chính mình.

Nếu bạn đang cảm thấy điều này khá lạ lẫm, những tình huống bên dưới sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn “đàm phán với chính mình” là như thế nào.

1. Các tình huống kinh điển khi bạn phải đàm phán với chính mình

Nếu bạn cũng đang bắt đầu nghĩ xem gần đây có đàm phán với bản thân hay không, thì các tình huống kiểu như “liệu có nên uống trà sữa vào buổi chiều không” hay “có nên săn sale khủng trên Shopee không, đúng lúc mình mới nhận lương” chính là một dạng đàm phán với chính mình.

Một số tình huống khác liên quan đến giao tiếp với người khác như có nên tranh cãi với chủ nhà vì họ tăng giá bất hợp lý, có nên hẹn gặp gã vừa quẹt phải trên Tinder, nên thẳng thắn với chồng/vợ về thói xấu của anh/cô ấy hay là tìm cách nào khéo léo hơn. Trước khi bạn đàm phán với người khác, bạn đã phải đàm phán với bản thân xem nên đàm phán với người khác như thế nào, khá là căng đấy.

Dần dần, bạn sẽ thấy chủ đề chuyển sang công việc – và những cuộc đàm phán nội tâm kiểu này cũng kinh khủng không kém việc phải thương lượng với người ngoài:

  • Tôi đang ôm nhiều dự án lắm rồi mà sếp vẫn giao thêm việc mới. Nếu từ chối, tôi sẽ bị sếp đánh giá là năng lực quản lý công việc kém. Nếu đồng ý, tôi sẽ trở nên quá tải và kiệt sức. Tôi nên chọn phương án nào đây?

  • Đồng nghiệp vừa mất người thân và quay trở lại công việc sau đám tang. Tôi nên nhắn tin hỏi thăm anh ấy hay là bỏ qua? Lời động viên có vẻ hơi thừa thãi, nhưng nếu làm lơ thì lại quá vô tình.

  • Khách hàng đang muốn tôi thực hiện một giải pháp không được minh bạch cho lắm. Theo lý thuyết, điều này không vi phạm hợp đồng, nhưng nó đang có vài biểu hiện làm ăn gian dối. Tôi có nên nói với sếp để từ chối điều này không?

Có thể chúng ta đã nghĩ về những tình huống này như những “cuộc đấu tranh nội tâm”. Ngay cả những công việc nhỏ nhặt thường ngày, bạn đã có những tiếng nói đối lập nhau bên trong mình, đưa ra nhiều phương án hành động khác nhau. Đôi khi chỉ là một thắc mắc nhẹ, đôi khi “các bên” lời qua tiếng lại khiến bạn cảm thấy không sao đi đến quyết định được.

Giáo sư Ariel Fox quan niệm những tiếng nói này như là “nhà đàm phán bên trong” của chúng ta. Giống như những cá nhân thực tế, những nhà đàm phán nội tại này có một loạt phong cách, động cơ và quy tắc tham gia. Chúng có những lợi ích và kết quả ưa thích của riêng chúng. Chúng cũng liên quan đến các khu vực khác nhau trong não của chúng ta.

2. Gặp gỡ đội ngũ đàm phán bên trong của bạn

Nhà thần thoại học hàng đầu Joseph Campbell miêu tả mỗi người chúng ta như là “người anh hùng với hàng ngàn gương mặt”. Quản lý một ngàn gương mặt nghe có vẻ hơi khó khăn. Nếu bạn có tất cả các mặt khác nhau này, làm sao bạn có thể bắt đầu kiểm soát chúng, chưa kể đàm phán với tất cả thành công?

Giáo sư Ariel Fox tập trung vào một nhóm nhỏ quyền lực nhất trong số các gương mặt, gọi là “The Big Four” (Bốn nhân vật chính). Các chức danh đi kèm cho mỗi nhân vật chỉ mang tính tượng trưng, như cách mà chức danh đó ảnh hưởng đến hoạt động của một công ty, tổ chức nào đó.

The Big Four trong mỗi chúng ta

Những nhà đàm phán bên trong này điều khiển các khả năng khác nhau của chúng ta.

Giám đốc Điều hành

Kẻ Mộng Mơ


Kẻ Mộng Mơ được dẫn dắt bởi trực giác và kích thích khả năng sáng tạo của bạn.

Giám đốc Tài chính

Kẻ Suy Nghĩ


Kẻ Suy Nghĩ được dẫn dắt bởi lý trí và khả năng phân tích, đánh giá thông tin.

Giám đốc Nhân sự

Kẻ Tình Cảm


Người Tình Cảm được dẫn dắt bởi cảm xúc và biết cách quản lý các mối quan hệ.

Giám đốc Vận hành

Chiến Binh


Chiến Binh được dẫn dắt bởi sức mạnh ý chí và có năng lực hành động xuất sắc.

Tùy thuộc vào tính cách cá nhân mà vai trò, ảnh hưởng của mỗi nhân vật trong The Big Four đối với mỗi người là không giống nhau.

2.1. Kẻ Mộng Mơ (The Dreamer)

Kẻ Mộng Mơ được dẫn dắt bởi trực giác và kích thích khả năng sáng tạo của bạn. Jeff Bezos, người sáng lập Amazon sở hữu Kẻ Mộng Mơ rất mạnh. Từ một trang web bán sách ở trong một gara, ông đã đưa Amazon lên thành tập đoàn công nghệ điện tử hàng đầu thế giới cùng vô số sản phẩm, dịch vụ đi kèm. 

Ghi Chú của Sabia

Trong cuốn sách “Tứ đại quyền lực”, tác giả Scott Galloway phân tích rằng rất nhiều người muốn đầu tư vào Amazon vì vị CEO tài ba là Jeff Bezos cho thấy những tầm nhìn cực kỳ triển vọng trong tương lai của Amazon, về công nghệ, dịch vụ, cách chăm sóc khách hàng. Các bạn có thể tìm đọc thêm cuốn sách này để theo dõi câu chuyện hấp dẫn của Amazon cũng như 3 ông trùm công nghệ khác là Apple, Facebook (nay là Meta) và Google.

2.2. Người Suy Nghĩ (The Thinker)

Người Suy Nghĩ được dẫn dắt bởi lý trí và trang bị cho bạn khả năng phân tích và đánh giá thông tin. Người Suy Nghĩ bên trong xuất sắc trong việc quản lý lãi suất và xác định cách kiểm soát lạm phát.

Có thể thấy tỷ phú Warren Buffett có nhiều đặc điểm đại diện cho người Suy Nghĩ. Với các nguyên tắc đầu tư thận trọng và độc đáo, khả năng phân tích dữ liệu xuất sắc, khả năng chọn lọc thông tin tuyệt vời (ông đọc rất nhiều sách), ông gặp rất ít thất bại trong mọi thương vụ đầu tư của mình.

2.3. Người Tình Cảm (The Lover)

Người Tình Cảm được dẫn dắt bởi cảm xúc và biết cách quản lý các mối quan hệ. Nhờ có nhân vật này mà chúng ta linh hoạt hơn trong giao tiếp, biết cách làm dịu các mâu thuẫn hay đồng cảm với các ý kiến. 

Ghi Chú của Sabia

Cùng chủ đề đàm phán, hy vọng là bạn đã xem bộ phim “Cuộc đàm phán sinh tử” do Son Ye Jin và Hyun Bin đóng chính.

Trong phim, Son Ye Jin đóng vai một nhà đàm phán xuất sắc đang cố gắng thương lượng với tên tội phạm nguy hiểm đầy lật lọng Hyun Bin. Đôi mắt long lanh hoe đỏ đầy cảm xúc, luôn quan tâm đến tính mạng của con tin và động cơ đằng sau của tên tội phạm, Son Ye Jin cho thấy đặc trưng của Người Tình Cảm.

2.4. Chiến Binh (The Warror)

Chiến Binh được dẫn dắt bởi sức mạnh ý chí và có năng lực hành động xuất sắc. Trong công việc, Chiến Binh là người dám nói ra sự thật phũ phàng, bảo vệ giá trị của bạn và xắn tay áo lên hoàn thành công việc. 

Có thể thấy hình mẫu này ở Meg Whitman, CEO của hãng điện tử Hewlett-Packard (hãng sản xuất ra laptop HP mà chúng ta thường dùng). Cô ấy đã viết trong một blog, “Tôi không muốn bào chữa. Tôi muốn hành động.” Whitman quyết tâm xoay chuyển các tình thế khó khăn của công ty với phương thức hành động của Chiến Binh: cải thiện việc thực hiện và vận hành; thực hiện các cuộc gọi khó khăn để kiểm soát chi phí; và nói sự thật khó nghe với các nhà đầu tư cho đến khi HP ổn định trở lại.

Tóm lại cái bài dài thòng

Bài viết này được dịch và biên tập lại theo bài viết của Giáo Sư Erica Ariel Fox, một số chi tiết hơi xa lạ với độc giả Việt Nam đã được bỏ bớt. Sabia đã thêm vào các tiêu đề ở mỗi đoạn để bạn đọc dễ theo dõi hơn, cũng như một số ví dụ gần gũi hơn để bạn đọc dễ hình dung.

Bây giờ bạn đã hiểu sơ bộ quan điểm của tác giả về The Big Four trong chúng ta khi đàm phán với chính mình. Tất nhiên bạn sẽ còn cảm giác mông lung, liệu có thể ứng dụng như thế nào vào tình huống đời thực?

Vậy hãy phân tích một tình huống đàm phán nội tâm có sự tham gia của The Big Four và cùng tìm hiểu vì sao bạn cần đàm phán với chính mình trước khi đàm phán với người khác:

Tài liệu tham khảo:

Bài viết được dịch và biên tập từ:

(*) Bài viết (bao gồm nội dung và hình ảnh) thuộc sở hữu của Sabia.vn, mọi sao chép vui lòng dẫn link bài viết và ghi rõ nguồn Sabia.vn.

Về tác giả