![Các bước thiết lập giới hạn cho mối quan hệ](https://sabia.vn/wp-content/uploads/2023/03/A_cac-buoc-thiet-lap-gioi-han-cho-moi-quan-he-3-1024x599.png)
3. Mức độ của giới hạn – Nhất định/Tùy lúc/Tùy người/
Bạn bè có thể vỗ vai bạn, người lạ tất nhiên sẽ không được quyền làm điều đó. Sự thân thiết có thể đến gần hơn các giới hạn, ngược lại, càng xa lạ, bạn càng phải thiết lập giới hạn rõ ràng.
Tất nhiên thân thiết không có nghĩa là có quyền phá vỡ các giới hạn của bạn, song bạn cần nhận thức được mình đang điều chỉnh mức độ của giới hạn tùy thuộc vào các đối tượng khác nhau.
Sự điều chỉnh này khiến giới hạn của bạn linh hoạt hơn và bạn không bị rơi vào trạng thái ngột ngạt của việc quá cứng nhắc về mọi thứ. Văn hóa Việt Nam vẫn nghiêng về lối sống đề cao các mối quan hệ xã hội, chúng ta cần tìm cách dung hòa chứ không phải phủ định tất cả. Quan trọng là, bạn có sự nhất quán trong việc thiết lập giới hạn cho từng nhóm đối tượng. Bố mẹ có thể gọi cho bạn sau 10h đêm nhưng đồng nghiệp thì không. Bạn thân có thể mượn tiền nhưng bạn trai thì không.
4. Sử dụng các câu ngắn “YES – NO” và ý nghĩa đi kèm
Các câu ngắn thể hiện một nguyên tắc mạnh mẽ mà bạn tự cam kết với bản thân và muốn người khác đáp ứng. Xác định ý nghĩa cho các nguyên tắc đó. Nguyên tắc càng cụ thể và có mục đích mạnh mẽ, bạn càng có sự nhất quán trong việc duy trì.
Ví dụ, tôi sẽ chia tay bạn trai nếu anh ta xúc phạm tôi. Đó là một biểu hiện ngầm của hành vi bạo lực, dù lý do nào thì anh ta đã thể hiện sự thiếu kiểm soát về mặt cảm xúc và không tôn trọng tôi. (tất nhiên trong bối cảnh bạn luôn tôn trọng anh ta).
Ví dụ về việc đặt giới hạn MƠ HỒ và CỤ THỂ
1. Giới hạn MƠ HỒ
- Không nhắn tin với người lạ quá khuya
- Đồng nghiệp không được chê bạn mập nữa
- Không phán xét người khác
- Bạn trai phải tôn trọng tôi
2. Giới hạn CỤ THỂ
- Không nhắn tin với người lạ sau 11h khuya.
- Nếu đồng nghiệp chê bạn mập trên 3 lần, bạn sẽ thẳng thắn yêu cầu họ chấm dứt việc đó.
- Không bình luận về đời tư của người nổi tiếng
- Bạn trai muốn gặp phải hẹn trước ít nhất 1 ngày.
Tại sao nội dung các giới hạn phải rõ ràng như vậy? Sự mơ hồ sẽ gây ra sự thiếu quyết đoán. Bạn sẽ luôn dung dưỡng cho những lần người khác tổn thương bạn, và cuối cùng, bạn phá bỏ tất cả ranh giới mình lập nên. Giới hạn không vạch ra chỉ dẫn hành động cụ thể cũng giống như một vệt kẻ trên cát, có thể biến mất bất kỳ lúc nào.
5. Nói rõ giới hạn của bạn với người khác
Đây là phần khó thực hiện nhất cho tất cả chúng ta, nhưng nó đáng để luyện tập. Nếu bạn cảm thấy khó khăn, hãy thêm cho mình chút động lực bằng cách đọc bài viết về Hậu quả của việc giao tiếp không giới hạn
Điều chị em phụ nữ cần nhớ là, nói rõ giới hạn không phải là việc gây thù chuốc oán hay đang thể hiện bản thân kiêu kỳ, xa cách. Chúng ta chỉ đang trao đổi kỳ vọng với người khác, và cũng mong muốn họ làm vậy, để cùng hiểu và tôn trọng nhau hơn. Mục đích của việc này là để mối quan hệ gắn kết, làm việc hiệu quả hơn, chứ không đơn giản là để người khác tôn trọng ý kiến, sở thích cá nhân của bạn.
Khi đã có được động cơ tốt đẹp này, chúng ta dễ dàng trao đổi cảm xúc với người khác. Sẽ cần rất nhiều nỗ lực ban đầu, vì thế bạn có thể tìm một đối tượng thân thiết như bạn thân để thực hành.
Bạn có thể sử dụng cấu trúc câu bên dưới để trao đổi với đối tác:
- Việc làm/lời nói của bạn ảnh hưởng đến tôi thế nào
Trên tinh thần không đổ lỗi hay phán xét người đối diện khi nói về cảm giác của bạn. Nếu bạn trai trễ hẹn với bạn, hãy nói bạn không cảm thấy thoải mái về điều đó vì nó ảnh hưởng đến thời gian, tâm trạng của bạn, chứ không phải bắt đầu nhận định rằng anh ta không yêu bạn, xem nhẹ bạn… Điều này sẽ không dẫn cuộc thảo luận đi đến đâu, nó còn khiến người nghe có tâm lý phòng thủ cao hơn. - Tôi mong muốn gì trong tương lai?
Giới hạn bạn trao đổi có thể là tình huống đã xảy ra hoặc chưa xảy ra. Bạn cần xác định rõ kỳ vọng của bạn và lý do hợp lý cho nó, chứ không phải là một yêu cầu người kia phải thay đổi vì bạn. “Em không muốn bị trễ hẹn thêm một lần nào nữa” chứ không phải “Em muốn anh trở thành người đúng giờ”.
Cách diễn đạt này rất quan trọng, bởi yêu cầu người khác thay đổi là đang tạo cho họ áp lực bị kiểm soát, áp đặt. Thay vào đó, bạn chỉ đơn giản là nói lên mong muốn cho bản thân mình.
Ví dụ bạn không nên yêu cầu sếp: “Em mong công ty thay đổi chính sách làm thêm giờ, tăng phụ cấp cho nhân viên hoặc cho em nghỉ bù sau khi dự án kết thúc”. Thay vào đó có thể nói “Việc làm thêm giờ trong thời điểm này là cần thiết cho công ty nhưng lại khiến sức khỏe của em bị ảnh hưởng. Vì vậy em muốn được thêm phụ cấp cho tháng này, hoặc được sắp xếp nghỉ bù vài ngày sau khi dự án kết thúc”. - Nếu họ phá vỡ ranh giới, bạn sẽ làm gì?
Giới hạn nên được đi kèm với một cảnh báo do chính bạn đặt ra nếu họ không đáp ứng. Cảnh báo này thể hiện chính kiến của bạn và sự nhất quán với nguyên tắc mà bạn đặt ra. Cảnh báo này nên được đưa ra khi họ có dấu hiệu vi phạm ranh giới của bạn, hoặc như một thỏa thuận ngay từ ban đầu.
Hãy thực thi điều bạn đã cảnh báo với họ. Đừng sử dụng tính từ kiểu “nếu anh còn làm vậy em sẽ rất buồn”. Vì không ai hình dung được mức độ buồn của bạn là như thế nào, có nghiêm trọng không. Nhưng nếu bạn đáp trả bằng một hành động cụ thể, họ sẽ hiểu được cái giá cho việc phá vỡ ranh giới là như thế nào. “Nếu anh gọi vào tối thứ 2, em sẽ không nghe máy vì em rất bận. Nếu anh trễ hẹn quá 3 lần, mình sẽ không hẹn hò nữa.”
![](https://sabia.vn/wp-content/uploads/2023/10/Sabia-story-sticker-4-1024x590.webp)
Chuỗi bài viết về thiết lập ranh giới cho các mối quan hệ trên Sabia:
1. Dấu hiệu bạn không đặt ranh giới cho các mối quan hệ
2. Hậu quả và nguyên nhân sâu xa
3. Bắt đầu thiết lập ranh giới
4. Xây dựng luật chơi của chính bạn
Tóm lại cái bài dài thòng
Việc thiết lập và duy trì ranh giới trong các mối quan hệ thực sự không dễ dàng cho tất cả chúng ta. Nhưng quả ngọt khi thiết lập ranh giới là rất xứng đáng để bạn bỏ công sức:
- Với những người thực sự yêu thương bạn, họ sẽ chấp nhận và đáp ứng yêu cầu của bạn
- Với những người độc hại ích kỷ, họ sẽ khó chịu, rời đi
- Với những người chỉ đơn giản là đồng nghiệp, xã giao, họ sẽ tôn trọng bạn hơn
Bạn sẽ thanh lọc được kha khá mối quan hệ kém chất lượng, tập trung vào những điều thực sự có ý nghĩa cho bản thân mình.
Bạn cũng cần lắng nghe và tôn trọng đối tác của bạn, giữ cho mối quan hệ bình đẳng, minh bạch. Tôn trọng, thấu hiểu lẫn nhau mới là nền tảng cho các mối quan hệ lành mạnh, vững bền.
Tóm lại, để xây dựng ranh giới cho các mối quan hệ, bạn cần:
Tùy chỉnh thái độ của bạn theo 5 cấp độ phản ứng trong giao tiếp
1. 5 cấp độ phản hồi:
- Đồng ý một cách dễ dàng
- Thể hiện sự do dự rồi đồng ý
- Thương lượng lại yêu cầu
- Từ chối khéo léo
- Từ chối, nói rõ suy nghĩ của bản thân
2. 3 bước của thương lượng:
- Yêu cầu đối phương cho mình thời gian suy nghĩ
- Phân tích yêu cầu của đối phương, xem bạn có thể LOẠI BỎ/ THÊM ĐIỀU KIỆN hay THAY ĐỔI yếu tố nào không.
- Chọn giải pháp hợp lý nhất và trao đổi lại với họ
Thiết lập giới hạn cho các mối quan hệ: Xây dựng luật chơi của chính bạn
1. Xác định các giới hạn cần thiết lập
- Hồi tưởng/ suy nghĩ về những tình huống giao tiếp đã xảy ra, trong đó bạn cảm thấy không thoải mái.
- Quan sát tình huống giao tiếp và phản ứng của người khác.
- Tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực giao tiếp/ứng xử/cố vấn nghề nghiệp.
2. Đối tượng của giới hạn – Bạn bè/Đồng nghiệp/Gia đình/Người yêu
3. Mức độ của giới hạn – Nhất định/Tùy lúc/Tùy người/
4. Sử dụng các câu ngắn “YES – NO” và ý nghĩa đi kèm
5. Nói rõ giới hạn của bạn với người khác
- Việc làm/lời nói của bạn ảnh hưởng đến tôi thế nào
- Tôi mong muốn gì trong tương lai?
- Nếu họ phá vỡ ranh giới, bạn sẽ làm gì?
Tài liệu tham khảo:
![](https://sabia.vn/wp-content/uploads/2023/10/Sabia-tai-lieu-tham-khao-2-1024x691.webp)
Bài viết tham khảo các nguồn tài liệu:
1. www.medicalnewstoday.com
2. www.cnbc.com
4. www.betterup.com
(*) Bài viết (bao gồm nội dung và hình ảnh) thuộc sở hữu của Sabia.vn, mọi sao chép vui lòng dẫn link bài viết và ghi rõ nguồn Sabia.vn.