Khi tôi và cô bạn thân nói về việc giảm cân của cô ấy, cô nói rằng “tớ béo lắm, chẳng thể nào mà giảm xuống được đâu”. Và bỏ ngoài tai mọi lời khuyên về ăn uống, thói quen thể dục, cô ấy vẫn không thay đổi thực trạng suốt bao năm qua.
Bạn từng gặp một người bạn như vậy chưa, hoặc đó có thể chính là bạn. “Hoặc là có một thân hình gọn gàng, hoặc là một thân hình béo ú, không có điều gì khác”. Bạn và tôi, rất nhiều lần trong đời cũng có những suy nghĩ kiểu “có tiền mới hạnh phúc, phải xinh đẹp mới được yêu, phụ nữ thì phải lấy chồng sinh con…” Đây là một biểu hiện của kiểu tư duy “có tất cả hoặc không có gì”, khiến chúng ta đánh giá một vấn đề dựa trên một chiếc khung sẵn có.
Các nhà tâm lý học gọi kiểu tư duy này là tư duy nhị phân, tư duy đen trắng (binary thinking/ dualistic thinking). Kiểu tư duy này gây tác hại thế nào và làm cách nào để vượt qua?
![](https://sabia.vn/wp-content/uploads/2023/08/Sabia-bai-hoi-dai-1024x548.webp)
Hoặc trắng, hoặc đen, không có màu xám
1. Tư duy đen trắng, tư duy nhị phân là gì?
Tư duy nhị phân là cách suy nghĩ phân chia mọi thứ thành hai phần tách biệt nhau, thường là đúng hoặc sai, đen hoặc trắng, tốt hoặc xấu. Khu vực màu xám ở giữa thường bị bỏ qua hoặc không được chú ý. Nó giới hạn khả năng của chúng ta trong việc tìm ra các phương án giải quyết vấn đề và trở thành một rào cản cho sự tiến bộ.
Tư duy nhị phân giới hạn khả năng suy nghĩ và làm việc, làm giảm khả năng thích nghi với những tình huống phức tạp và đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo. Trong khi đó, tư duy đa chiều hoặc tư duy linh hoạt cho phép xem xét nhiều khía cạnh, mở rộng tầm nhìn và giải quyết vấn đề một cách toàn diện hơn.
Ở góc độ tâm lý học, đây là kiểu tư duy có tất cả hoặc không có gì khi nhận định một tình huống, là một kiểu nhận thức méo mó liên quan đến việc suy nghĩ theo hướng cực đoan và sử dụng các thuật ngữ tuyệt đối, chẳng hạn như không bao giờ hoặc không có gì. Một số kiểu suy nghĩ nhị phân phổ biến:
- Xăm trổ thì không phải là người tốt
- Sếp không tăng lương vậy chắc chắn muốn sa thải tôi
- Mình không thể sống thiếu anh ấy
- Đồng nghiệp ăn mặc hở hang chắc chắn không có năng lực
- Hoặc là được tăng lương, hoặc là nghỉ việc.
2. Lợi ích của tư duy nhị phân
Trước hết, cần phải thừa nhận rằng, tư duy nhị phân giúp chúng ta cảm thấy chắc chắn. Quá nhiều cách nghĩ cho một vấn đề có thể gây ra sự mông lung, từ đó khiến chúng ta cảm thấy thiếu tự tin và lo lắng.
Mọi người có xu hướng đau khổ khi trải nghiệm cảm giác mâu thuẫn, khi phải nhận định một điều gì đó vừa tốt lại vừa xấu. Ví dụ thừa nhận rằng chúng ta có cả ưu lẫn nhược điểm trong công việc hay gã hàng xóm đáng ghét vừa làm điều tốt khiến ta phải cảm ơn. Trong ngắn hạn, nếu ta tự nhận mình tốt hoặc xấu thì mọi thứ sẽ đơn giản và dễ nhìn nhận hơn, từ đó dễ xử lý cảm xúc của bản thân hơn.
Một bài hát xưa có câu “Có yêu thì nói rằng yêu, chẳng yêu thì nói một điều cho xong. Làm gì dở đục dở trong, lờ đờ nước hến cho lòng tương tư”. Chính là cảm giác khó chịu khi không thể nhận định tình huống là đen hay trắng.
Trong bối cảnh xã hội phức tạp, sự thay đổi chóng mặt của công nghệ, đại dịch, khủng hoảng tài chính… không ai chắc chắn về điều gì. Do đó, bộ não của chúng ta chọn một lối tắt để khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn và không mất nhiều thời gian, năng lượng để suy nghĩ. Ở một góc độ nào đó, người có tư duy nhị phân thường tỏ ra tự tin, quyết đoán hơn vì với họ, chỉ có hai lựa chọn đang vận hành.
Nhiều người tưởng họ đang suy nghĩ, trong khi họ thực ra chỉ đang sắp xếp lại định kiến của mình.
William James
Tư duy nhị phân cung cấp một khung lựa chọn hẹp, do đó chúng ta dễ dàng ra quyết định với lăng kính tư duy này. Cũng giống như việc khi bạn có hai lựa chọn là tiếp tục làm việc ở công ty hay nhảy việc – sẽ dễ dàng hơn là nhìn thấy nhiều cơ hội khác và phân vân với việc nên làm gì để kiếm sống.
Tuy nhiên ưu điểm này cũng chính là nhược điểm của tư duy nhị phân: tính chính xác. Các khu vực màu xám thực sự tồn tại và nổi bật trong mọi vấn đề, bỏ qua chúng chính là bỏ qua cơ hội giải quyết vấn đề, cải thiện bản thân.
![](https://sabia.vn/wp-content/uploads/2023/10/Sabia-chill-pic-8-1024x549.webp)
Và đó cũng không phải là cách thế giới vận hành.
Tư duy đen trắng nhấn chìm sự phát triển như thế nào?
Suy nghĩ tất cả hoặc không có gì có thể có nhiều tác động khác nhau. Giống như các biến dạng nhận thức khác, nó có thể tác động nghiêm trọng đến cảm xúc, tâm trạng, quan điểm sống – từ đó tác động lên sự phát triển cá nhân và các mối quan hệ.
1. Hạn chế khả năng tiếp thu thông tin mới
Khi ta suy nghĩ theo cách nhị phân, tức là chia thế giới thành hai phần khác nhau, thì ta bị giới hạn trong cách nghĩ của mình. Theo các nhà tâm lý học, việc bị giới hạn trong cách suy nghĩ này không liên quan đến việc suy nghĩ nhiều hay ít, mà chỉ đơn giản là ta tự đặt giả định rằng những trải nghiệm mới sẽ phải phù hợp với các khuôn mẫu, hộp, nhãn và khái niệm cũ của mình.
Ví dụ một người cho rằng học tập chỉ phù hợp với tuổi trẻ, thì anh ta sẽ không bao giờ nghĩ rằng mình có thể học nhiều hơn nữa khi đã già. Càng lớn tuổi, anh ta sẽ càng củng cố niềm tin sẵn có của mình và không chịu tiếp thu những quan điểm mới mẻ có khả năng làm thay đổi cuộc sống của anh ta.
2. Thiếu sự đồng cảm, dễ xảy ra xung đột trong các mối quan hệ
Suy nghĩ nhị phân cũng dẫn đến xung đột và đổ vỡ trong các mối quan hệ. Khi chúng ta đưa ra những giả định về người khác bằng cách gộp họ vào những phạm trù định trước, chúng ta không tò mò về họ và chúng ta không cố gắng tìm hiểu những điều có thể mang chúng ta lại gần nhau hơn. Tại sao phải làm quen với ai đó khi bạn đã có hình dung rõ ràng về con người họ?
Đó là một con đường nguy hiểm vì nó dẫn đến việc mọi người đưa ra những nhận xét mang tính kỳ thị hoặc những mối quan hệ hời hợt với người khác.
Cho rằng thế giới chỉ có hai giới tính là nam hoặc nữ là một kiểu tư duy nhị phân phổ biến, vẫn tồn tại trong nhiều chúng ta. Vì vậy khi thấy ai đó không có những đặc điểm cho giới tính nhất định, họ cho rằng đó là “bệnh, quái gở, khác người”.
3. Giảm động lực cố gắng
“Nếu tôi không thành công trong lần khởi nghiệp này, tôi sẽ mãi mãi là kẻ thất bại”.
Suy nghĩ tất cả hoặc không có gì cũng có thể rất phi thực tế, điều này có thể góp phần tạo ra các tiêu chuẩn quá cao không thể đáp ứng được. Kết quả là, mọi người thường tránh theo đuổi các mục tiêu bởi vì họ không nghĩ rằng kết quả sẽ phù hợp với mong đợi của họ. Họ có thể nghĩ, “tôi không thể làm điều này một cách hoàn hảo, vì vậy tôi sẽ không làm điều đó.”
Luôn có cách để đạt được một vài phiên bản của các ước mơ
Kevin Paul, sách “Học khôn ngoan mà không gian nan”.
Suy nghĩ này ở đâu đó núp bóng dưới hai từ “cầu toàn” mà chúng ta nghe quen tai. Tuyệt đối hóa mọi thứ là con đường nhanh nhất dẫn đến thất bại.
4. Tự nhận thức kém
Tư duy nhị phân khiến ta có cái nhìn phiến diện về người khác, và ngay cả bản thân mình cũng vậy.
Nếu bạn thường xuyên mắc lỗi và từ đó nghĩ rằng, “tôi không bao giờ có thể làm bất cứ điều gì đúng”, thì thật khó để nhìn nhận bản thân theo hướng tích cực. Điều này có thể dẫn đến sự tự tin thấp và thiếu lòng tự trọng.
Ngược lại, kiểu suy nghĩ “vì tôi giỏi nên tôi có thể làm mọi việc” lại là biểu hiện của lòng tự tin thái quá, có thể dẫn đến nhiều thất bại trong cuộc sống. Bạn sẽ trở nên thiếu định hướng khi muốn tập trung sức lực cho điều gì đó quan trọng. Không thể nhận thức các thiếu sót của bản thân dễ gây ra sự phung phí năng lượng vào những việc không cần thiết – thay vì tập trung vào thế mạnh thực sự để trở nên xuất sắc.
5. Cảm giác tuyệt vọng
Hoặc là tích cực, hoặc là tiêu cực, bạn cho rằng thế giới chỉ có thể được nhìn nhận qua hai lăng kính này. Điều này lại dẫn đến một cách suy diễn tiếp theo, đó là tích cực là tốt, tiêu cực là xấu, không có gì ở giữa. Vì vậy mà nhiều người cố gắng tỏ ra vui vẻ khi vừa bị sếp chửi, lạc quan với viễn cảnh nợ nần tín dụng của mình. Họ cho rằng đó là thái độ tốt cần có.
Tất nhiên điều này khá nguy hiểm vì nó không thúc đẩy chúng ta giải quyết vấn đề và cảm giác tích cực giả tạo không thể kéo dài được lâu.
Nghĩ rằng mọi thứ phải tuyệt đối sẽ dễ dẫn đến cảm giác tuyệt vọng vì bạn sẽ cảm thấy mình không thể làm gì để thay đổi tình hình.
6. Khó nhìn thấy rủi ro/cơ hội trong các tình huống
Trong nhiều trường hợp, chúng ta khó nhận ra được rủi ro hoặc cơ hội trong một tình huống vì chúng không hiển thị rõ ràng như tư duy nhị phân. Khi đó, chúng ta có xu hướng giới hạn các lựa chọn và tập trung vào các giải pháp có sẵn thay vì tìm kiếm giải pháp tối ưu.
Ví dụ, khi đánh giá sức khỏe của chúng ta, nếu chỉ xem xét trạng thái “có bệnh tật” hoặc “không có bệnh tật”, chúng ta có thể bỏ qua các dấu hiệu như đau dạ dày, đau đầu hoặc tình trạng táo bón. Những dấu hiệu này không được coi là “bệnh” và có thể tự khỏi, nhưng thực tế đó có thể là tín hiệu cơ thể đang gửi để cho chúng ta biết rằng cần khám sức khỏe.
Còn rất nhiều ví dụ khác trong cuộc sống mà tư duy nhị phân khiến ta có góc nhìn nhỏ hẹp, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy. Ý thức được mình đang có kiểu tư duy này là một bước giúp bạn thoát ra khỏi vòng kẹp của chính mình.
Bài tiếp theo sẽ đưa ra một số gợi ý để bạn cải thiện, đọc tiếp ở đây nhé.
- https://www.lifehack.org/881768/binary-thinking
- https://www.verywellmind.com/all-or-nothing-thinking-2584173
- https://www.forbes.com/sites/ilanaredstone/2021/01/11/splitting-the-psychology-behind-binary-thinking-and-how-it-limits-a-diversity-of-opinions/?sh=181457fa3e41
- https://helpfulprofessor.com/dualistic-thinking/