Học hỏi một kỹ năng: Hai sai lầm phổ biến khiến bạn không thể tiến bộ

Học hỏi một kỹ năng: Hai sai lầm phổ biến khiến bạn không thể tiến bộ

,

Chúng ta đều biết những câu nói truyền cảm hứng về sự kiên trì theo đuổi gì đó, khả năng chịu đựng thất bại để tiến lên về phía trước. Ai cũng biết rằng “Practice makes perfect” (luyện tập tạo nên sự hoàn hảo). Do đó ta thường có công thức Chăm chỉ luyện tập + Kiên trì để học hỏi bất kỳ kỹ năng nào, trong bất kỳ việc gì.

Hãy kiên trì và không bao giờ từ bỏ, vì chỉ có những người kiên trì mới đạt được thành công.

Napoleon Bonaparte

Hãy cẩn thận với sự kiên trì mù quáng.

Tôi cũng từng nghĩ như vậy cho đến khi tôi nhận ra mình đã không hề tiến bộ trong việc học vẽ. Tôi dành nhiều thời gian để vẽ mỗi ngày, học các nguyên tắc cơ bản đến nâng cao theo lời khuyên của các chuyên gia, kiên trì với công việc của mình. Rồi một ngày khi so sánh bức vẽ cách đó 1 năm và hiện tại, tôi đau khổ nhận ra rằng có vẻ như mọi thứ không tiến triển là mấy.

Hai sai lầm phổ biến khi luyện tập, học hỏi một kỹ năng

Một người có thể luyện tập hàng giờ đồng hồ mỗi ngày nhưng không đạt được tiến bộ nào, trong khi một người khác chỉ cần luyện tập một thời gian ngắn mỗi ngày nhưng lại đạt được những cải tiến đáng kể. Câu chuyện này cũng diễn ra tương tự ở hai người làm cùng một công việc trong thời gian dài: người trở thành chuyên gia, người chỉ đơn giản là có nhiều năm kinh nghiệm. Lý do tại sao lại như vậy?

1. Bỏ qua các chi tiết khi luyện tập

Sẽ có nhiều nguyên nhân của việc luyện tập không hiệu quả như không có mục tiêu, không có kế hoạch, không có phương pháp, không thay đổi hình thức luyện tập… Tuy nhiên, sai lầm mà ít người nhận ra nhất nằm ở việc họ đã bỏ qua những chi tiết nhỏ khi luyện tập. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chúng ta đã không chia nhỏ một kỹ năng đến mức để thấy được nó có thực sự được cải thiện hay không.

Hãy để tôi lấy một ví dụ.

Nâng cao kỹ năng viết

Click để xem ví dụ

Rèn luyện kỹ năng viết trong vòng 6 tháng

Bạn muốn nâng cao kỹ năng viết của mình. Mục đích là viết tốt hơn trong vòng 6 tháng tới. Cụ thể hơn nữa, viết được 1 bài báo dài 1500 từ hoàn chỉnh vào 6 tháng tới. Mục đích này đã đủ cụ thể chưa? Chưa. Đây có vẻ như là một mục tiêu cụ thể, đủ hấp dẫn, nhưng cụ thể bạn phải nâng cao kỹ năng nào trong việc viết để làm được điều đó? Có nhiều kỹ năng khác nhau trong đó, như viết đúng chính tả, viết một một câu ngắn rõ ràng đúng ngữ pháp, kỹ năng liên kết câu, kỹ năng đặt tiêu đề,… .

Khi bỏ qua những điều nhỏ nhặt như vậy, chúng ta vô tình làm giảm hiệu quả luyện tập mà không biết. Điều này cũng đúng trong các hoạt động thể chất. Ví dụ như nhiều người đã không để ý mình khởi động sai cách khi bắt đầu tập thể dục, cho đến khi huấn luyện viên nhắc nhở họ. Việc chống tay xuống sàn nghe có vẻ không cần lưu tâm, nhưng chỉ cần chống tay sai cách, bạn sẽ gây áp lực lên khuỷu tay và bị đau khớp.

2. Luyện tập không có sự tập trung

Tôi nhớ rằng khi học vẽ, tôi thường mở podcast, sách nói, truyện ma…đủ thứ nội dung lên để nghe. Tôi cho rằng tay vẽ thì tai nghe, có thể làm song song hai việc. Nhưng đó cũng chính là sai lầm lớn nhất của tôi. Khi tôi không có đủ sự tập trung cho một nhiệm vụ cụ thể, tôi không thực sự tạo ra điều đó trong tâm trí mình. Nghĩa là tôi đang tiếp nhận thông tin một cách thụ động, không có sự phân tích, xử lý, liên kết với những điều đã học.

Thành công không phải phép màu nhiệm hay trò lừa gạt – nó chỉ đơn giản là học cách tập trung.

Jack Canfield

Cuối cùng, điều duy nhất thay đổi chỉ là số lượng bức vẽ của tôi. Các bức vẽ đều có điểm yếu giống nhau, một sai lầm cứ lặp đi lặp lại không cách nào cải thiện. 

Đây là sai lầm phổ biến nhất của chúng ta khi bắt đầu luyện tập, học hỏi điều gì đó. Luyện tập mà không có sự tập trung giống như việc chúng ta đang đối phó với chính mình, đang tạo ra ảo tưởng rằng ta đang tiến bộ bằng thời gian và công sức bỏ ra.

Vì sao chúng ta thường mắc sai lầm khi luyện tập?

Tôi thích học vẽ và dĩ nhiên luôn kiên trì với nó. Nhưng kể cả khi tôi làm việc mình thích, cũng có nhiều khoảnh khắc nhàm chán, đau khổ xảy ra. Để giảm cảm giác nhàm chán đó, tôi kết hợp việc luyện tập với những thú vui khác gây xao nhãng và bỏ qua những bài học khó khăn nhưng quan trọng. Tôi đã bỏ qua chi tiết và không thực sự tập trung vào điều mình đang làm – hai điều quan trọng cần cho sự tiến bộ.

Tập trung và chú trọng chi tiết là một biểu hiện mạnh mẽ của việc luyện tập có chủ đích – hình thức rèn luyện được mọi chuyên gia về phát triển cá nhân ủng hộ. Khi tập trung vào chi tiết, bạn hiểu rằng mình đang làm điều gì để đạt được kết quả gì. Khi tập trung vào cải thiện lỗi chính tả, bạn sẽ làm mọi cách để không còn lỗi chính tả trong bài viết của mình nữa. Và nếu sự tiến bộ không xảy ra, bạn hiểu rằng mình cần thay đổi phương pháp, hoặc cố gắng nhiều hơn nữa.

Đến đây, có thể bạn đã có gợi ý về cách thức luyện tập hiệu quả. Nhưng tôi nghĩ cần phân tích kỹ hơn về nguyên nhân từ đó có giải pháp triệt để. Vì sao chúng ta có xu hướng bỏ qua các chi tiết và không thực sự tập trung vào những gì mình đang làm? Hãy thử tiếp cận chủ đề này trên lý thuyết Tư duy nhanh và chậm của giáo sư Daniel Kahneman, xem xét chúng ta có thể cải thiện điều gì nhờ ứng dụng lý thuyết này.

Daniel Kahneman

Nhà tâm lý học và kinh tế học người Mỹ

Tác giả cuốn sách Tư duy nhanh và chậm

Daniel Kahneman (sinh năm 1934) là một nhà tâm lý học và nhà kinh tế học người Mỹ gốc Israel nổi tiếng với công trình nghiên cứu về tâm lý học đánh giá và đưa ra quyết định, cũng như kinh tế học hành vi. Ông đã được trao Giải thưởng Tưởng niệm Nobel về Khoa học Kinh tế năm 2002 (cùng Vernon L. Smith). Những phát hiện thực nghiệm của ông thách thức giả định về tính hợp lý của con người, vốn rất phổ biến trong các lý thuyết kinh tế hiện đại. (Theo Wikipedia).

Bài viết thuộc sở hữu của Sabia.vn. Mọi sao chép, trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn từ Sabia.

Bài viết tham khảo nguồn tài liệu:

  1. www.psychologycompass.com
  2. Cuốn sách Tư duy nhanh và chậm (Daniel Kahneman)
  3. Wikipedia

Về tác giả