Học hỏi một kỹ năng: Ứng dụng tư duy nhanh và chậm trong việc luyện tập

Học hỏi một kỹ năng: Ứng dụng tư duy nhanh và chậm trong việc luyện tập

,

Nếu bạn là người thích tìm hiểu về tâm lý học, hẳn bạn đã đọc qua cuốn sách “Tư duy nhanh và chậm” của tác giả Daniel Kahneman. Cuốn sách đề cập đến rất nhiều ý tưởng về cách mà chúng ta tư duy, hành động, và chắc hẳn mỗi người sẽ có một ứng dụng khác nhau. Trong bài viết này, hãy cùng thử ứng dụng lý thuyết về cách mà não bộ vận hành vào cách luyện tập như thế nào nhé.

Luyện tập ở chế độ tư duy nhanh và chậm

1. Tư duy nhanh và chậm là gì?

Nhanh và chậm: Cách chúng ta tư duy

Click để xem giới thiệu

Tư duy nhanh và chậm

“Tư duy nhanh và chậm” đề cập đến sự khác biệt giữa hai phương thức tư duy : “Hệ thống 1” nhanh chóng, bản năng và cảm xúc ; “Hệ thống 2” chậm hơn, thận trọng hơn và hợp lý hơn . Cuốn sách mô tả các động cơ hoặc yếu tố thúc đẩy hợp lý và phi lý trí liên quan đến từng loại quá trình tư duy và cách chúng bổ sung cho nhau. (Theo Wikipedia).

Điều này liên quan gì đến cách mà chúng ta luyện tập kỹ năng nào đó?

Hệ thống tư duy nhanh là một quá trình tư duy tự động, nhanh chóng và tiết kiệm năng lượng, trong khi hệ thống tư duy chậm là một quá trình tư duy chủ động, chậm hơn và tốn năng lượng hơn. Não bộ chúng ta được thiết kế để né tránh nỗi đau và tiết kiệm năng lượng, do đó chúng ta có xu hướng sử dụng tư duy nhanh cho hầu hết nhiệm vụ trong ngày.

Trong khi luyện tập có chủ đích yêu cầu sử dụng hệ thống tư duy chậm hơn để phân tích, suy nghĩ và đưa ra các quyết định hợp lý. Ví dụ, khi học một kỹ năng mới, người học cần phải chú ý tập trung vào từng bước và phân tích chi tiết để hiểu được cách thức thực hiện đúng. Quá trình này quả là không dễ chịu gì, do vậy ta có xu hướng lướt qua nó càng nhanh càng tốt.

2. Né tránh nỗi đau do tư duy chậm và thói quen xấu khi luyện tập

Để né tránh nỗi đau do tư duy chậm gây ra, ta sẽ vô tình tạo cho mình 3 thói quen xấu khi luyện tập:

  1. Tránh tập trung vào chi tiết và các hướng dẫn kỹ thuật

    Hãy nhớ lại khi bạn học tiếng Anh phát âm, bạn không hề thích thú việc xem video cách mà giáo viên cử động môi, răng, lưỡi, hàm phải không nào? Đây lại là yếu tố then chốt tạo nên sự khác biệt giữa cách phát âm tiếng Anh và tiếng Việt. Khi bỏ qua điều này, bạn đã bỏ qua cơ hội luyện phát âm tiếng Anh một cách đúng đắn.
  2. Phân tán sự tập trung

    Như câu chuyện học vẽ của tôi: tôi đã tranh thủ nghe tin tức khi học vẽ, để tự đánh lừa mình vẫn đang học hành chăm chỉ. Quá trình luyện tập của tôi sẽ bớt đau khổ hơn, nhưng đồng nghĩa với việc, kém hiệu quả hơn.
  3. Nhanh chóng chuyển qua tư duy nhanh khi đã thành thạo kỹ năng nào đó

    Từ “nhanh chóng” ở đây có nghĩa là chúng ta đánh giá quá cao năng lực của mình khi hoàn thành nhiệm vụ, từ đó không để ý để việc cần nâng cấp, củng cố nó nữa. Ví dụ như tôi cho rằng mình đã vẽ chân dung đủ thành thạo nên bắt đầu vẽ mà không nhìn mẫu, cứ vẽ từ trí tưởng tượng trên giấy. Thực ra tôi đã bị sai tỉ lệ khuôn mặt ở nhiều góc độ mà không biết. Đây gọi là “rèn luyện ở chế độ tự động” – một hình thức luyện tập kém hiệu quả nhất nhưng vẫn có nhiều người đang áp dụng.

3. Tư duy nhanh và sai sót khi giải quyết vấn đề

Khi rèn luyện ở chế độ tự động, hệ thống tư duy nhanh được sử dụng nhiều hơn. Khi cho rằng mình đã thành thạo kỹ năng nào đó, chúng ta có xu hướng giải quyết các nhiệm vụ theo cơ chế tự động của tư duy nhanh. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều hệ thống tư duy nhanh có thể dẫn đến các lỗi sai sót và quyết định không hợp lý.

Ví dụ, khi biết cách giải một bài toán, nhiều người thường chủ quan khi đọc đề bài. Khi đọc bài không kỹ, bạn sẽ có nhầm lẫn về dữ liệu được đưa ra hoặc tệ hơn là chọn sai cách giải. Điều này cũng đúng với những nhân viên có kinh nghiệm, khi họ làm mọi việc theo quán tính mà không nghĩ đến cách tiếp cận mới.

Làm thế nào để luyện tập hiệu quả?

1. Xây dựng thói quen luyện tập có chủ đích

Luyện tập có chủ đích giúp chúng ta tập trung vào các mục tiêu cụ thể và có được sự tập trung cao độ. Để làm được điều này, bạn cần có mục tiêu rõ ràng, kế hoạch hành động cụ thể và tăng khả năng tập trung bằng cách sử dụng hệ thống tư duy chậm. 

Điều quan trọng nhất là bạn làm được 2 việc: chia nhỏ kỹ năng và tập trung vào từng thứ một. Khi bạn làm được 2 điều này, bạn sẽ biết cách rèn luyện phù hợp, kiên trì hơn và đo lường sự tiến bộ dễ dàng hơn. Bạn cũng dễ dàng thử nghiệm và thay đổi các phương pháp luyện tập khác nhau để tìm ra phương pháp phù hợp nhất với bản thân.

Để cải thiện điều gì đó, bạn cần phải làm điều đó với một tâm trí nhạy bén và tận tâm.

 Hãy tập trung tất cả sự chú ý vào quá trình luyện tập và loại bỏ các yếu tố phân tâm như điện thoại, trò chuyện hay suy nghĩ về những việc khác.

2. Kết hợp tư duy nhanh và chậm khi luyện tập

Việc rèn luyện một kỹ năng không chỉ đơn thuần là việc lặp đi lặp lại mà còn đòi hỏi mỗi người biết sử dụng đúng hệ thống tư duy nhanh và chậm tùy theo tình huống. Vì nếu thường xuyên sử dụng tư duy chậm, ta sẽ dễ kiệt sức và nản lòng. Thậm chí có thể học một điều gì đó kỹ lưỡng quá mức cần thiết. Ví dụ như bạn không thể ngày nào cũng xem hướng dẫn phát âm trước khi học tiếng Anh nếu bạn đã biết phát âm đúng.

Vậy chiến lược đúng đắn nên là: sử dụng tư duy chậm khi bạn bắt đầu, và sử dụng tư duy nhanh khi bạn trở nên thành thạo. Làm sao để chắc chắn bạn thành thạo điều gì đó mà không bỏ qua yếu tố nào?
Hãy chia nhỏ kỹ năng của bạn ở đơn vị thấp nhất. Khi một kỹ năng đủ đơn giản, bạn sẽ nhanh chóng học được nó, đánh giá mức độ của mình và đưa nó sang chế độ luyện tập tự động. Bạn cũng có thể nhờ người khác đánh giá kết quả của mình để có nhận định khách quan hơn.

3. Tập trung vào những kỹ năng quan trọng

Tôi nhận ra quá trình học vẽ của tôi đã không hiệu quả bởi phần lớn thời gian tôi đã không dành ra để học những điều quan trọng. Cái mà tôi gọi chăm chỉ luyện tập đó, thực ra chỉ là sự lặp đi lặp lại một vài bài tập tôi yêu thích. Mặc dù luyện tập nhiều nhưng tôi đã không thể cải thiện các điểm yếu của mình, dẫn đến điều duy nhất thay đổi chỉ là số lượng bức vẽ mà thôi.

Trong quá trình học một kỹ năng, bạn chắc chắn sẽ gặp phải tình huống tương tự tôi: học điều gì đó quá mức và bỏ qua những điều quan trọng khác. Để có sự tiến bộ chắc chắn, bạn cần biết điều gì là quan trọng trong kỹ năng mình đang rèn luyện, điều gì có thể bỏ qua hoặc không cần chú tâm vào. Hãy tham khảo hệ quy chiếu của các chuyên gia để tạo cho mình lộ trình đúng đắn.

Tóm lại cái bài dài thòng

Phát triển bản thân là một hành trình trọn đời, chúng ta không chỉ cần kiên nhẫn, mà còn cần chiến lược rõ ràng cùng với sự tập trung cao độ. Sự kiên trì đặt không đúng chỗ sẽ khiến công sức bị lãng phí và còn khiến chúng ta trở nên hoài nghi chính mình. Nếu bạn đang luyện tập không hiệu quả, tôi hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn ít nhiều.

Như vậy, để việc luyện tập hiệu quả hơn, bạn cần hiểu về sai lầm phổ biến mà chúng ta thường mắc phải, nguyên nhân sâu xa và cách để cải thiện:

Hai sai lầm phổ biến khi luyện tập, học hỏi một kỹ năng
  1. Bỏ qua các chi tiết khi luyện tập
  2. Luyện tập không có sự tập trung
Ứng dụng tư duy nhanh và chậm trong việc luyện tập
  1. Tư duy nhanh và chậm là gì?
  2. Né tránh nỗi đau do tư duy chậm và thói quen xấu khi luyện tập
  3. Tư duy nhanh và sai sót khi giải quyết vấn đề
  4. Làm thế nào để luyện tập hiệu quả?
  5. Xây dựng thói quen luyện tập có chủ đích
  6. Kết hợp tư duy nhanh và chậm khi luyện tập
  7. Tập trung vào những kỹ năng quan trọng

Bài viết thuộc sở hữu của Sabia.vn. Mọi sao chép, trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn từ Sabia.

Bài viết tham khảo nguồn tài liệu:

  1. www.psychologycompass.com
  2. Cuốn sách Tư duy nhanh và chậm (Daniel Kahneman)
  3. Wikipedia

Về tác giả