Có một câu chuyện trên mạng thế này, có lẽ bạn cũng từng đọc qua:
![](https://sabia.vn/wp-content/uploads/2023/09/Sabia-web-icon-meo-qua-6.webp)
Câu chuyện trên tàu
Một cô gái bước lên tàu, đi tới chỗ của mình thì đã có một anh thanh niên ngồi đó. Cô nói anh ta ngồi nhầm ghế, vì đó chính là ghế của mình. Anh ta bực tức nói đó là ghế của anh ta, còn đưa cô xem vé tàu. Cô im lặng đứng bên không nói gì. Một lát sau khi tàu chạy, cô mới khẽ khàng nói với anh thanh niên: “Anh gì ơi, anh không ngồi nhầm ghế, mà ngồi nhầm tàu đó ạ”.
Câu chuyện này được lan truyền rộng rãi và thường được lấy làm ví dụ cho ý tưởng giao tiếp khôn ngoan, nhẫn nhịn của một người. Nghe qua thì cô gái quả thật là một người thông minh, biết cách trả đũa người khác. Nhưng, đó là cách chúng ta nên phản ứng với cuộc sống này sao?
Một người bình thường khi phát hiện ra người khác lên nhầm tàu, đáng lẽ phải gấp rút nhắc nhở để anh kia còn thời gian thu dọn hành lý đi qua tàu khác. Đằng này cô gái cực kỳ tinh vi, chỉ vì chút thô lỗ ban đầu của chàng trai mà rắp tâm cho người kia lỡ chuyến. Ai biết được chuyến tàu này có đưa anh ta tới một nơi quan trọng, gặp một người quan trọng, làm một việc quan trọng nào đó hay không?
Nhưng cách hành xử này có vẻ được ngợi ca, cho rằng cô gái là người thông minh lại “thức thời”, kiểu “quân tử trả thù 10 năm cũng chưa muộn”.
Tôi cho đó là một biểu hiện của cái tâm “ác ý”. Sẵn sàng làm điều bất lợi cho người khác mà không cảm thấy áy náy. Và động cơ của cô gái ở đây là gì? Để trả thù anh thanh niên đã cư xử thô lỗ với mình? Để thể hiện mình thông minh, “mưu cao kế hiểm”?
Câu chuyện tàn nhẫn “Trí khôn của ta đây” nhưng được dạy trong nhà trường
Câu chuyện này thì chắc chắn không ai là không biết. Một con hổ tới hỏi người nông dân “trí khôn của ông ở đâu, cho ta xem với”. Rồi sau đó vì muốn được xem trí khôn mà hổ đồng ý cho người nông dân trói vào gốc cây rồi bị châm lửa đốt. Vừa đốt lửa người nông dân vừa quát “trí khôn của ta đây, trí khôn của ta đây!”. Con trâu trong truyện còn sảng khoái cười đến mức va vào đá rụng cả hàm trên.
Hẳn là truyện được viết trong bối cảnh xa xưa, khi hổ là loài ăn thịt làm thiệt hại đến tính mạng tài sản của con người. Nhưng thay vì dùng sức mạnh hay các kế sách “đường hoàng” hơn để tiêu diệt hổ, cha ông ta lại nghĩ ra một câu chuyện “vô tri” như vậy, chỉ để thể hiện trí thông minh của mình. Người nông dân đã lợi dụng sự tò mò ngây thơ và lòng tin của con hổ để cho nó tự nguyện chịu trói. Đó là một thủ đoạn tàn nhẫn và hơi…bỉ ổi, thể hiện tính khôn vặt của người nông dân. Anh ta tỏ ra thượng đẳng hơn các loài khác, khi tự cho mình là thông minh nhất, cho mình quyền được làm đau loài khác mà không có lý do gì (con hổ đã làm gì tổn hại đến anh ta nào?)
Trí khôn của ta đây: Người nông dân tỏ ra thượng đẳng hơn các loài khác, khi tự cho loài người là thông minh nhất, cho mình quyền được làm đau loài khác mà không có lý do gì (con hổ đã làm gì tổn hại đến anh ta nào?)
Tiếc thay đây lại là một câu truyện ngụ ngôn được chọn lọc để dạy trong nhà trường cho nhiều thế hệ học sinh. Lúc còn nhỏ, tôi chỉ cảm giác không thích câu chuyện, sau này tôi mới thấy câu chuyện quả thật có vấn đề. Vậy mà tìm kiếm trên Google, câu chuyện được lưu hành dưới rất nhiều hình thức: văn bản, video, audio, phim hoạt hình. Vô vàn trang web đăng tải nội dung với những ý nghĩa hoa mỹ như cho thấy được trí khôn của con người, hãy biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác (hổ hãy đặt mình vào hoàn cảnh của trâu để biết vì sao trâu khuất phục người?)
Khôn ngoan hay tử tế?
Cả hai câu chuyện nghe có vẻ không liên quan đến nhau nhưng tôi thấy có một điểm chung: nó thể hiện tư duy thượng đẳng của những kẻ tự cho mình thông minh hơn kẻ khác. Nhân vật chính trong hai câu chuyện: người nông dân và cô gái trên tàu đều chọn cách thể hiện trí khôn vượt trội của bản thân, không cần quan tâm đến hậu quả gây ra cho người khác. Và có vẻ như đây là cách mà con người trong xã hội ngày nay đối xử với nhau: Cạnh tranh, hơn thua, thành tích, khoe mẽ, phê phán để thể hiện bản thân mình hơn người.
Một đứa trẻ khi bước tới trường đã được tiêm nhiễm vào đầu chỉ những bạn học giỏi, lanh lợi khôn ngoan mới được thầy cô yêu mến, bạn bè vây quanh, cha mẹ khen ngợi. Khi nó học kém, chậm tiếp thu, ngờ nghệch tốt bụng quá đáng, nó bị ngay cả những người thân nhất của mình chỉ trích. Dần dần, đứa trẻ ấy lớn lên học được một bài học cay đắng rằng nếu nó không trở nên khôn ngoan, thông minh hơn, nó sẽ bị kẻ khác lợi dụng, đè bẹp. Dần dần, thay vì học cách chung sống hòa bình, tương trợ lẫn nhau, chúng ta trở nên phòng thủ, ích kỷ, sẵn sàng dùng người khác làm công cụ để kiếm lợi cho mình.
![](https://sabia.vn/wp-content/uploads/2023/10/Sabia-artwork-11-1024x635.webp)
Đáng buồn là, nhiều khi sự tử tế lương thiện lại đi cùng sự thiếu hiểu biết, dẫn đến những hệ quả xấu, như cho đi sai người, sai cách, làm người trong cuộc trở nên tổn thương và bi quan vào cuộc đời. Dần dần, người ta cho rằng việc trở nên tử tế tốt bụng là một sự thiệt thòi, kém cỏi vì nó chẳng nhận được “lợi lộc” gì, còn khiến bản thân chịu nhiều ấm ức.
Tử tế dựa trên sự hiểu biết (khôn ngoan)
Có một đợt, tôi làm việc ở công ty nọ, được sếp hứa hẹn quyền lợi đủ điều. Nhưng tôi làm việc chăm chỉ một thời gian dài mà không có lời hứa nào thành hiện thực. Bởi vì tình hình công ty khá khó khăn, tôi đã không hề lên tiếng đòi quyền lợi cho mình. Liệu hành động của tôi là sự tử tế?
Không hề, đó là sự nhu nhược dựa trên sự thiếu hiểu biết. Tôi không đòi quyền lợi chính đáng cho mình, có lẽ vì do tôi cả nể, không biết rằng mình xứng đáng nhận được lợi ích gì, và không rành luật Lao động. Như vậy tôi nhắm mắt cho qua chuyện với cái tặc lưỡi “thôi thì công ty đang khó khăn”. Tôi chưa một lần trao đổi thẳng thắn với sếp những điều đó, cho dù đó chỉ là lời nhắc nhở hay bày tỏ nguyện vọng của mình. Tôi làm ra vẻ như mình không quá thực dụng và là nhân viên chăm chỉ, nhưng đó chỉ là vỏ bọc của sự nhu nhược và thiếu chính kiến mà thôi.
Khi tôi nghĩ rằng “biết chịu thiệt mới là tử tế”, tôi cũng vô tình lấy đi cơ hội làm việc tử tế của ông sếp. Biết đâu sếp đều ghi nhận nỗ lực của tôi, nhưng vì quá bận mà không để ý đến, hoặc vì cho rằng tôi đang rất hài lòng với những gì nhận được, nên không cần quan tâm?
Youtuber Hieu Nguyen từng chia sẻ một quan điểm mà tôi thấy khá tâm đắc: “Khi bạn không thể trở thành hổ, bạn không thể nói rằng tôi không muốn trở thành con hổ. Chỉ khi bạn đã trở thành hổ nhưng lại muốn làm thỏ, đó mới đúng là sự lựa chọn của bạn“. Vì vậy, có lẽ chúng ta sẽ cố gắng để trở nên khôn ngoan để quyết định rằng nên hay không nên tử tế trong trường hợp nào.
Và thật tốt khi một ngày nào đó ta nhận ra, bản thân còn không bận tâm đến sự ấm ức hay thiệt thòi mình đã chịu nữa, vì sau mọi thăng trầm cuộc đời, ta biết điều gì cần làm vẫn phải làm, chuyện gì ngay từ đầu đã sai thì không cần nhắc đến. Vậy thôi.
Tài liệu tham khảo
![](https://sabia.vn/wp-content/uploads/2023/10/Sabia-tai-lieu-tham-khao-2-1024x691.webp)
Bài viết tham khảo các nguồn tài liệu:
1. Câu chuyện Trí khôn của ta đây
2. Câu chuyện trên mạng
(*) Bài viết (bao gồm nội dung và hình ảnh) thuộc sở hữu của Sabia.vn, mọi sao chép vui lòng dẫn link bài viết và ghi rõ nguồn Sabia.vn.