Làm sao để chọn ra điều ưng ý nhất? Công cụ đơn giản giúp tối ưu các lựa chọn

Làm sao để chọn ra điều ưng ý nhất? Công cụ đơn giản giúp tối ưu các lựa chọn

,

Khi có nhiều lựa chọn, chúng ta thường rơi vào một trong hai cách giải quyết:

Một là, chọn lựa theo cảm tính, theo cách mình cho là ổn nhất. Điều này xảy ra khi bạn bắt buộc phải đưa ra quyết định trong tâm thế không hoàn toàn thuyết phục với phương án của mình. Các ví dụ điển hình là lựa chọn công việc, mua sắm quan trọng, trung tâm đào tạo và cả chọn bạn bè.


Hai là, bỏ qua không lựa chọn nữa, nếu việc đó không cần thiết với bạn. Điều dễ thấy nhất là các lựa chọn mua sắm, địa điểm du lịch, dịch vụ làm đẹp, nơi giải trí…

Vậy vì sao điều này lại xảy ra và làm thế nào để đối phó với tình trạng nhiều lựa chọn này?

Nghịch lý của sự lựa chọn – Nhiều lựa chọn gây hoang mang

Quá nhiều lựa chọn dù lớn hay nhỏ cũng khiến chúng ta nhanh chóng rơi vào trạng thái bất lực không thiết tha gì hành động nữa. Cuốn “Nghịch lý của sự lựa chọn” của tác giả Barry Schwartz hẳn đã quá quen thuộc với nhiều người khi ông khẳng định, nhiều lựa chọn là tốt nhưng quá nhiều sẽ gây khó khăn cho việc đưa ra quyết định hành động.

Tác giả đề cập đến thí nghiệm tại một cửa hàng bánh kẹo về khả năng mua mứt của khách hàng. Khi trên bàn bày ra 6 loại mứt, người ta có khả năng bỏ vào giỏ hàng cao hơn so với 24 loại mứt – vốn được thử nhiều hơn. Như vậy nhiều loại mứt hơn khiến khách hàng bối rối hơn và cuối cùng họ đã không chọn.
(Hãy nhớ lại lần lướt Shopee gần đây của bạn, bạn đã không mua sản phẩm nào đó vì chúng có ít lựa chọn, hay vì có quá nhiều mẫu mã, thương hiệu?)


Lựa chọn kiểu tóc phù hợp

Bạn muốn thay đổi kiểu tóc để có gương mặt ưa nhìn hơn.
Khi nói về kiểu tóc, ta có hai chuyện cần làm: kiểu dáng và màu sắc của tóc. Trong mỗi hạng mục, lại có vô số lựa chọn cho bạn. Xoăn hay thẳng, xoăn gợn sóng hay xoăn mì tôm? Dài hay ngắn, ngắn kiểu bob hay ngắn ngang vai? Với khuôn mặt này thì màu tóc có nên nhuộm mới hay giữ nguyên?
Ta có nên chọn màu nhuộm an toàn nhưng kém thời thượng, hay một màu đẹp lung linh đòi hỏi phải tẩy trắng tóc?

Quá nhiều lựa chọn, bạn cảm thấy quá mệt mỏi nên sẽ quyết định phó thác cho thợ làm tóc. Chọn một salon làm tóc uy tín và cứ để họ tư vấn, thế là xong!

Đến đây lại là một mớ bòng bong khác: kể cả khi bạn tìm kiếm trên Google và được bạn bè tư vấn, vẫn có vô số lựa chọn nơi làm tóc khiến bạn phải đắn đo. Nghĩ đến bạn đã thấy kiệt sức và cuối cùng, bạn không làm gì nữa hết! Vậy cho đỡ mất tiền và đỡ mất công hối tiếc nếu lỡ có rủi ro nào xảy ra.


Lựa chọn đòi hỏi năng lực phân tích và ra quyết định – điều này khiến chúng ta mất nhiều năng lượng, dễ kiệt sức. Khi đứng trước nhiều lựa chọn cùng dẫn đến thay đổi nhưng không chắc chắn về kết quả, ta có xu hướng căng thẳng. Mọi người có xu hướng “chọn đại” hoặc không chọn nữa.

Làm thế nào để đưa ra chọn lựa hợp lý nhất?

1. Phân tích các lựa chọn dựa trên tiêu chí nhất định

Công cụ phân loại tiêu chí MUST HAVE và NICE TO HAVE

Công cụ này là phiên bản đơn giản hóa của phương pháp MoSCoW trong phát triển sản phẩm, tôi sẽ phân tích kỹ hơn ở một bài viết khác. Mục đích ban đầu của nó là để phân loại các tính năng khác nhau của sản phẩm để quyết định mức độ ưu tiên sẽ tập trung vào tính năng nào trước. Khi mở rộng ra, bạn sẽ thấy là nó rất hữu ích khi sử dụng cho mục đích ra quyết định hay giải quyết vấn đề.

Trước hết, hãy liệt kê các tiêu chí bạn muốn theo hai mức độ: MUST HAVE (phải có) và NICE TO HAVE (tốt hơn nếu có, không bắt buộc). Kết quả mà bạn muốn từ các lựa chọn bắt buộc là gì? Tiêu chí nào có cũng tốt (nice to have) mà không có không sao?

Lấy ví dụ bạn đang lựa chọn các salon tóc để thay đổi kiểu tóc của mình, ta sẽ có bảng bên dưới:

Nhìn vào bảng trên, dễ dàng thấy Salon 1 là lựa chọn có nhiều MUST HAVE nhất, đó sẽ là cách tối ưu dành cho bạn. Nếu bạn nghiêng về các phương án có nhiều NICE TO HAVE nhất, bạn đang đánh giá sai mức độ của các tiêu chí. Nếu bạn thích “nice to have” đến thế, nó phải là “must have”. Nếu một tiêu chí có thể thay đổi mức độ ưu tiên theo nhu cầu của bạn vào từng thời điểm, quan trọng là, bạn cần phân biệt được đâu là MUST HAVE, đâu là NICE TO HAVE đối với bạn.



Hiểu rõ MUST HAVE của bạn

Nếu để ý, bạn sẽ thấy phần lớn chúng ta bị hoang mang bởi các tiêu chí NICE TO HAVE làm nhiễu giá trị các lựa chọn, và bị ngộ nhận có thì tốt thành bắt buộc phải có. Điều này xảy ra do một trong 2 nguyên nhân: bạn nhầm lẫn điều bạn muốn, hoặc bạn không biết mình nên cần gì.

Trong ví dụ chọn salon làm tóc, chúng ta dễ nhầm lẫn rằng giá cá hợp lý và gần nhà là MUST HAVE, trong khi đây là hai yếu tố không mang tính quyết định cho chất lượng đầu tóc của bạn. Khi bạn thay đổi mức độ ưu tiên các tiêu chí một cách cảm tính, việc đưa ra quyết định sai là điều dễ hiểu, vì ngay từ đầu bạn đã nhầm lẫn điều mình muốn.

Cũng có trường hợp bạn không biết mình nên cần gì để lập bảng MUST HAVE, NICE TO HAVE. Muốn quá nhiều cũng là hệ quả của việc không biết mình thực sự muốn gì. Trường hợp phổ biến ở đây là lựa chọn kem dưỡng da.


Bối rối với kem dưỡng da

Vô vàn loại kem dưỡng da có nhiều công dụng, trong đó thường là một tác dụng chính và một vài hiệu quả phụ đi kèm. Ví dụ kem trị mụn có tác dụng chống lão hóa, kem chống nắng đi kèm dưỡng ẩm… Chúng ta không biết làn da của mình nên sử dụng sản phẩm có công dụng như thế nào, hệ quả là ta chọn sản phẩm được quảng cáo, đánh giá tốt nhất, hay của thương hiệu nổi tiếng…


Chà, lúc này vấn đề đầu tiên cần giải quyết là hiểu rõ bạn cần gì – cái gì nên đưa vào MUST HAVE, cái gì chỉ nên ở NICE TO HAVE, trước khi lập bảng danh sách các lựa chọn.

Bây giờ bạn đã rõ ràng về bức tranh của các lựa chọn và mong muốn của bản thân. Tuy nhiên, cũng sẽ có trường hợp bạn không thể nhận ra sự khác biệt giữa các phương án, vì thiếu thông tin, hoặc thông tin chưa xác thực. Lúc này bạn sẽ cần đến phương án B: THỬ NGHIỆM.

2. Thử nghiệm các lựa chọn

Thử nghiệm với ít rủi ro nhất

Tất nhiên, mọi thử nghiệm đều có rủi ro, nhưng hãy thực hiện nó ở quy mô nhỏ nhất với ít rủi ro nhất mà vẫn thu được kết quả. Ví dụ ở trên, bạn đã không chọn ra được tiệm làm tóc nào đáng tin 100%, hãy chọn lấy một nơi mà bạn không tốn nhiều nguồn lực để thử nghiệm:
Một cửa tiệm có nhiều tiêu chí MUST HAVE nhất, có thể giá cả đắt nhất. Vậy hãy sử dụng thử 1 vài dịch vụ của họ, như chỉ cắt thử xem tay nghề họ như thế nào, họ có tư vấn nhiệt tình cho bạn không. Nếu bạn hài lòng với kết quả đó, hãy lên lịch để sử dụng các dịch vụ khác của họ. Nếu không, hãy quay lại lựa chọn khác. Bạn cũng chỉ đơn giản mất phí cắt tóc và thời gian bỏ ra ít hơn.

Lợi ích của việc thử nghiệm ít rủi ro

* Giúp bạn tiếp tục kế hoạch của mình mà không bị trì hoãn bởi sự quá tải lựa chọn

Một ví dụ với lựa chọn việc làm để bạn thấy rằng phương pháp này có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực.


Nhận offer từ hai công ty

Chúng ta thường phân vân giữa 2 công ty, không biết nên làm ở đâu khi các thông tin về đãi ngộ, công việc đều giống nhau. Khi này hãy chọn 1 công ty bạn thích hơn chẳng hạn, đi làm thử 1-2 tuần để xem mức độ phù hợp. Trong khi đó bạn có thể hẹn công ty kia trì hoãn ngày nhận việc. Nếu công ty thử nghiệm đúng là nơi bạn muốn làm, bạn chỉ cần hủy offer với công ty còn lại.


* Tiết kiệm nguồn lực và tâm lý để tiếp tục với các lựa chọn khác

Nếu bạn đặt cược tất cả nguồn lực vào một lựa chọn, khi thấy nó không khả thi, bạn rất khó đi tiếp với các lựa chọn khác. Nếu bạn chọn dứt khoát một ty để làm việc mà hủy offer với các công ty khác, không còn đường lui nếu bạn nhận ra công ty ban đầu là nơi không phù hợp.

Biến thử nghiệm thành kinh nghiệm

Rút kinh nghiệm giúp bạn hạn chế sai lầm cho các lần sau và dũng cảm hơn với quyết định của mình.

Dù lựa chọn của bạn là đúng hay sai, luôn có bài học trong đó. Suy ngẫm về sai lầm của bản thân nghe chẳng vui vẻ gì, song đó là điều cần thiết để tiến lên. Nếu bạn không đúc kết kinh nghiệm của mình, bạn sẽ luôn phạm một kiểu sai lầm cho những vấn đề khác nhau.
Ví dụ, nếu bạn không biết MUST HAVE của mình là gì, bạn sẽ luôn luôn ra quyết định dựa trên tư vấn, mong muốn của người khác. Cho dù lựa chọn đó thuộc lĩnh vực nào, bạn sẽ luôn nhận ra rằng mình đã không hài lòng với lựa chọn này.

Tóm lại cái bài dài thòng

Nghịch lý của sự lựa chọn – Nhiều lựa chọn gây hoang mang
  1. Thí nghiệm bánh mứt và câu chuyện làm tóc
  2. Lựa chọn đòi hỏi năng lực phân tích và ra quyết định – điều này khiến chúng ta mất nhiều năng lượng, dễ kiệt sức. Khi đứng trước nhiều lựa chọn cùng dẫn đến một thay đổi nhưng không chắc chắn về kết quả, ta có xu hướng căng thẳng. Mọi người có xu hướng “chọn đại” hoặc không chọn nữa.
Làm thế nào để đưa ra chọn lựa hợp lý nhất?
  1. Phân tích các lựa chọn dựa trên tiêu chí nhất định
    > Công cụ phân loại tiêu chí MUST HAVE và NICE TO HAVE
    > Hiểu rõ MUST HAVE của bạn
  2. Thử nghiệm các lựa chọn
    > Thử nghiệm với ít rủi ro nhất
    > Lợi ích của việc thử nghiệm ít rủi ro
    > Biến thử nghiệm thành kinh nghiệm

MUST HAVE và NICE TO HAVE là công cụ hết sức đơn giản nhưng hiệu quả nó đầy bất ngờ, vì nó cung cấp cho bạn bức tranh chi tiết hơn về các lựa chọn, so sánh với nhu cầu của bản thân. Mô hình trên giúp bạn chọn tiệm làm tóc, mua sắm, nhưng nó có thể áp dụng cho hầu hết các trường hợp: chọn công ty, nghề nghiệp, thuê nhà, thậm chí chọn bạn đời!

Bây giờ thử áp dụng với việc chọn mua thứ gì đó vui vẻ xem nó có hiệu nghiệm không nhé 😉

Tài liệu tham khảo:

(*) Bài viết (bao gồm nội dung và hình ảnh) thuộc sở hữu của Sabia.vn, mọi sao chép vui lòng dẫn link bài viết và ghi rõ nguồn Sabia.vn.

Về tác giả