Lợi ích thứ yếu - Một cách lý giải vì sao nhiều người sẵn sàng sống chung với các rắc rối trong đời

Lợi ích thứ yếu – Một cách lý giải vì sao nhiều người sẵn sàng sống chung với các rắc rối trong đời

,

Ở bài viết trước, chúng ta đã đi qua tình huống mở đầu và nhận diện được lợi ích thứ yếu là gì. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu vì sao mọi người dễ bị cuốn vào lợi ích thứ yếu và cách đối phó.

Tại sao chúng ta bị cuốn vào lợi ích thứ yếu?

1. Lợi ích thứ cấp giúp xoa dịu những cảm xúc bất ổn trước mắt

Trên thực tế, lợi ích thứ cấp thậm chí có thể là một điều tốt. Trong ngắn hạn, nó giúp mọi người đối phó với những tình huống khó khăn. Bệnh nhân có thể chuyển sự đau đớn sang cảm giác dễ chịu khi được người nhà chăm sóc, từ đó có tinh thần lạc quan, tích cực hơn. Tuy nhiên trong dài hạn, lợi ích thứ cấp không giúp chúng ta giải quyết vấn đề hay đem lại cảm giác hạnh phúc thực sự.

Với lợi ích thứ cấp, những nhu cầu cảm xúc sâu xa của chúng ta được ngấm ngầm thỏa mãn, do vậy rất nhanh chóng chúng chi phối cách chúng ta hành động. Nhu cầu cảm xúc này không tốt hay xấu, chỉ đơn giản là chúng ta không nhận ra nó và thỏa mãn nó một cách trực tiếp.

Cô gái ăn mặc lôi thôi

Cô gái đang nhận được thứ lợi ích ngầm nào?

Không chú trọng ăn mặc để cảm thấy an toàn

Ví dụ như một cô gái ăn mặc lôi thôi nhưng chưa bao giờ tìm cách cải thiện cách ăn mặc. Cô nhận được lợi ích gì khi làm vậy? Cô ấy không muốn trở nên nổi bật, hay được chú ý. Vì cô ấy không tự tin vào bản thân. Ăn mặc suồng sã đem lại cho cô cảm giác tầm thường, từ đó cô ấy cảm thấy an toàn vì không ai chú ý đến mình. 

Vì vậy, thay vì nhìn vào nhu cầu được an toàn và sự thiếu tự tin của mình để tìm ra vấn đề thực sự, cô ấy chỉ đơn giản duy trì một thói quen xấu để ngấm ngầm thỏa mãn nó.

2. Không dễ để nhận ra lợi ích thứ cấp

Chính vì được phát sinh sau khi một tình huống xảy ra, không nằm trong mong đợi của chúng ta, lợi ích thứ yếu rất khó để nhận biết một cách rõ ràng. Khi không được nhận diện rõ ràng, nó càng có cơ hội ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của chúng ta mạnh mẽ hơn. Đôi khi ta biết điều gì đó không ổn, nhưng không biết chính xác đó là gì.

Hãy lấy trường hợp chồng ngoại tình là một ví dụ. Người chị đồng nghiệp chắc chắn không bao giờ nghĩ rằng hoặc thừa nhận rằng việc được an ủi, đồng cảm lại giúp ích mình nhiều đến thế. Đến mức chị ấy sẵn sàng ở lâu hơn với vấn đề để nhận được thứ lợi ích này. Vì không nhận ra điều gì đang ảnh hưởng đến cách mà chị nhìn nhận, tiếp cận vấn đề, chị duy trì nó trong nhiều năm liền.

3. Lợi ích thứ cấp được xem như một giải pháp

Đôi khi, chúng ta không biết làm thế nào để thoát ra khỏi rắc rối của chính mình. Để sống cùng với nó mà vẫn cảm thấy dễ chịu, ta đành đối mặt với nó bằng một thái độ khác. Lợi ích thứ cấp có thể được chủ ý tìm kiếm hoặc phát sinh ngoài ý thức, đã trở thành một chiếc phao cứu sinh trong lúc chơi vơi. Ta bắt đầu quên đi vấn đề cốt lõi mà trở nên hưởng thụ lợi ích thứ cấp.

Khi lợi ích phụ trở thành giải pháp

Click để xem ví dụ

Duy trì lợi ích thứ yếu thay vì tìm giải pháp

Người phụ nữ có chồng ngoại tình sẽ cảm thấy được an ủi khi được mẹ chồng động viên, khuyên nhủ. Điều này có thể biến thành giải pháp, là hễ chồng ngoại tình, cô ấy lại đi kể lể với mẹ chồng, vốn dễ dàng hơn nhiều so với việc đối mặt để giải quyết vấn đề gốc rễ.

Một người đang đối mặt với deadline khủng khiếp trên công ty thì nhận được tin phải đi cách ly vì nghi Covid. Cô ấy phải vào khu cách ly bất tiện, nhưng bù lại không phải chạy deadline nữa (lợi ích thứ cấp). Cô ấy có nên mong đợi được cách ly lâu dài hơn không?

Vì vậy mà theo thời gian, những ai dựa vào lợi ích thứ yếu để duy trì rắc rối của mình sẽ còn phiền muộn hơn nữa. Khi họ nhận ra lợi ích thứ yếu không phải là yếu tố cốt lõi khiến họ hạnh phúc: họ đã sống cùng nó quá lâu với những hậu quả tai hại.

Đối phó với lợi ích thứ yếu

Chúng ta không tìm cách loại bỏ lợi ích thứ cấp, mà nhận ra và tìm cách làm mờ ảnh hưởng của chúng. Bạn cần trung thực với bản thân mình, đó là điều kiện tiên quyết. Dưới đây là một số câu hỏi gợi mở để tìm ra và xử lý chúng.

Bạn được hưởng lợi gì từ những tình huống bất lợi?

Nghĩ về một tình huống hoặc vấn đề dai dẳng mà bạn đã không làm gì để cải thiện chúng. Nếu là một người bình thường gặp vấn đề tương tự, chắc chắn họ đã tìm cách giải quyết. Ví dụ như tại sao bạn không thể giảm bớt cân nặng của mình dù bạn biết là tăng cân có hại cho sức khỏe?

Khi cảm thấy buồn, tức giận, ghen tị hoặc sợ hãi, bạn nên tự hỏi liệu cảm xúc của mình có hợp lý không. Lý do nào khiến bạn giữ mãi cảm xúc đó? Liệu đó có phải là một cách trừng phạt bản thân, hay là cái cớ để bạn trở nên yếu đuối, không cần nỗ lực hết mình?

Cuộc sống phủ đầy gai, và tôi không biết phương thuốc nào hơn ngoài nhanh chóng đối mặt và giải quyết vấn đề. Ta càng quanh quẩn trong sự bất hạnh của chính mình càng lâu thì sức mạnh hãm hại của nó càng lớn.

Voltaire

Bạn được lợi từ một rắc rối nhưng không muốn thừa nhận chúng?

Hãy tự hỏi bản thân: những tình huống mà bạn đạt được điều gì đó mà bạn không thừa nhận rằng bạn muốn từ hành động của mình. Ví dụ như việc ôm đồm nhiều dự án giúp bạn thể hiện bản thân là người bận rộn, có giá trị với công ty (trong khi bạn luôn cho rằng sếp giao cho bạn quá nhiều việc, không thể giải quyết hết). Bạn chẳng bao giờ muốn thừa nhận rằng mình đang nỗ lực để gây ấn tượng với sếp.

Đâu là nguyên nhân khiến cho lợi ích thứ cấp trở nên quan trọng và chi phối quyết định của bạn?

Ví dụ nếu bạn không muốn ly dị chồng vì khi bạn bất hạnh trong hôn nhân, bạn được bố mẹ chồng quan tâm hơn. Để được bố mẹ chồng quan tâm nhiều hơn, bạn đã chịu đựng cuộc hôn nhân bất hạnh. Vì sao bạn muốn bố mẹ chồng quan tâm đến mình hơn theo cách này? Vì nếu không có chuyên gì xảy ra, bố mẹ chồng sẽ phớt lờ bạn chăng?

Sử dụng kỹ thuật REFRAMING để thay đổi suy nghĩ, cảm xúc do lợi ích thứ cấp mang lại

Ở bước này, bạn cần hiểu rõ điều gì là mấu chốt của vấn đề, và điều gì chỉ là một kiểu tác dụng phụ phát sinh xoa dịu tâm trạng bất an của bạn. Nếu muốn được bố mẹ chồng quan tâm hơn, bạn cần suy nghĩ về cách để kết nối với họ một cách lành mạnh hơn hoặc thay đổi mong muốn này để nó trở nên hợp lý, dễ kiểm soát hơn. Bạn không thể lấy việc mình gặp rắc rối trong hôn nhân là một cách để duy trì mối bận tâm của bố mẹ chồng. Họ có thể chỉ đơn giản là áy náy với hoàn cảnh của bạn.

Tóm lại cái bài dài thòng

Lợi ích thứ cấp không phải là điều gì xấu xa hay ngu ngốc, nó chỉ là một hệ quả hành động mà chúng ta thường xuyên bị đánh lừa. Cảm giác dễ chịu nào đó cũng là một dạng lợi ích. Khi 1 hành vi độc hại được củng cố nghĩa là nó đang tồn tại lợi ích thứ yếu, dù bạn không nhận ra.

Điều quan trọng là chúng ta luôn ý thức được chúng tồn tại và đang chi phối cách ta giải quyết vấn đề. Khi đó, ta sẽ đối mặt với nhu cầu của mình một cách trực tiếp và cởi mở hơn, thỏa mãn hơn và hạnh phúc hơn.

Đây là tóm tắt cho hai phần về lợi ích thứ yếu:

Nhận diện lợi ích thứ yếu
  1. Tình huống mở đầu
  2. Lợi ích thứ yếu là gì?
  3. Lợi ích thứ yếu và lợi ích chính yếu
Tại sao chúng ta bị cuốn vào lợi ích thứ yếu?
  1. Lợi ích thứ cấp giúp xoa dịu những cảm xúc bất ổn trước mắt
  2. Không dễ để nhận ra lợi ích thứ cấp
  3. Lợi ích thứ cấp được xem như một giải pháp
Đối phó với lợi ích thứ  yếu
  1. Bạn được hưởng lợi gì từ những tình huống bất lợi?
  2. Bạn được lợi từ vấn đề nào đó nhưng không muốn thừa nhận chúng?
  3. Đâu là nguyên nhân khiến cho lợi ích thứ cấp trở nên quan trọng và chi phối quyết định của bạn?
  4. Sử dụng kỹ thuật REFRAMING để thay đổi những suy nghĩ, cảm xúc do lợi ích thứ cấp mang lại

Bài viết thuộc sở hữu của Sabia.vn. Mọi sao chép, trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn từ Sabia.

Bài viết tham khảo nguồn tài liệu:

  1. https://www.karenrkoenig.com/blog/what-is-secondary-gain-and-how-it-can-hurt-you
  2. https://www.symmetrycounseling.com/counselor-chicago/are-secondary-gains-blocking-your-ability-to-change/
  3. https://www.linkedin.com/pulse/self-sabotage-how-very-real-problem-secondary-gain-luquesi-scott/
  4. Thuật ngữ “lợi ích thứ yếu” được lấy từ cuốn sách “Để không chỉ là gái ngoan”, tác giả Ts. Lois P.Frankle và Ts. Carol Frohlinger

Về tác giả