Ngày nay, chúng ta đều công nhận với nhau rằng sáng tạo không phải là một năng khiếu thiên bẩm nữa, mà là một loại kỹ năng có thể luyện tập qua thời gian. Tuy nhiên, nếu chỉ ngồi đó với cây viết chì và “vắt não” lên suy nghĩ xem có ý tưởng gì hay ho cho sản phẩm/dịch vụ/công việc đang làm không, khả năng cao là bạn sẽ bắt đầu thấy bế tắc. Việc tham khảo cách làm của người khác cũng là một cách hay, nhưng nó không thực sự khai thác hết tiềm năng của các hướng giải quyết vấn đề và nâng cao năng lực sáng tạo của bạn.
![](https://sabia.vn/wp-content/uploads/2023/10/Sabia-chill-pic-6-1024x957.webp)
Dù bạn đang làm trong lĩnh vực nào hay tính chất công việc nhàm chán đến đâu, luôn có cách để đổi mới chúng, và phương pháp SCAMPER hỗ trợ quá trình tư duy sáng tạo sẽ là một “trợ thủ” đắc lực. Cùng bắt đầu bằng một tình huống khởi động vui vui nhé.
Mô hình SCAMPER
Tình huống mở đầu
Sáng tạo không phải là tài năng thiên bẩm, mà là một kỹ năng có thể rèn luyện được. Hãy thử xem xét tình huống hẹn hò và bạn có thể áp dụng mô hình SCAMPER như thế nào để cải thiện chiến dịch hẹn hò của mình.
Giới thiệu mô hình SCAMPER
- Mô hình SCAMPER là gì?
- Tính ứng dụng của mô hình SCAMPER
Sử dụng mô hình SCAMPER để cải thiện kỹ năng sáng tạo của bạn
- Thay thế (Substitute something);
- Kết hợp (Combine it with something else);
- Vay mượn (Adapt something to it);
- Chỉnh sửa (thu hẹp hoặc mở rộng (Modify or Magnify it);
- Cách sử dụng khác — mục đích khác (Put it to some other use);
- Loại bỏ (Eliminate something);
- Sắp xếp lại hoặc đảo ngược (Reverse or Rearrange it).
Tình huống mở đầu
Giả sử bạn đang có nhu cầu tìm người yêu và cách làm của bạn là quẹt phải trên các ứng dụng hẹn hò, nói chuyện với những ai “match”, hẹn gặp người phù hợp và bắt đầu bày tỏ tình cảm. Lý thuyết là vậy nhưng suốt mấy năm nay cách làm này trở nên không hiệu quả. Bạn toàn gặp những đối tác không phù hợp hoặc có ý đồ thiếu đứng đắn. Bạn mất thời gian nhắn tin/gặp gỡ chỉ để nhận ra cả hai không hợp.
Chẳng lẽ bạn cứ ế như thế này mãi sao? Làm cách nào để bạn tìm được đối tác tiềm năng hơn, phù hợp hơn?
Nào, bây giờ là lúc tận dụng kỹ năng sáng tạo của bạn bằng mô hình SCAMPER để giải quyết vấn đề này xem sao nhé.
Giới thiệu mô hình SCAMPER
1. SCAMPER là gì?
SCAMPER là viết tắt của danh sách các loại câu hỏi khơi gợi ý tưởng để tìm ra những ý tưởng tốt nhất. Một số câu hỏi lần đầu được đưa ra bởi Alex Osborn, vốn được cho là người khởi xướng phương pháp brainstorm. Sau đó, những câu hỏi của Alex Osborn được Bob Eberle sắp xếp thành bản ghi nhớ được viết tắt là SCAMPER (xuất phát từ chữ cái đầu tiên của từng nội dung cụ thể bằng tiếng Anh). Mô hình SCAMPER giúp người sử dụng tư duy mở rộng và nâng cao khả năng sáng tạo bằng cách đặt ra một loạt câu hỏi và gợi ý để thay đổi hoặc cải tiến một ý tưởng hoặc sản phẩm đã tồn tại.
![](https://sabia.vn/wp-content/uploads/2023/10/Sabia-mo-hinh-SCAMPER-1024x570.webp)
2. Tính ứng dụng của mô hình SCAMPER
Mô hình SCAMPER thường được sử dụng trong nhiều tình huống khác nhau, bao gồm:
- Sáng tạo sản phẩm mới hoặc cải tiến sản phẩm hiện có
- Giải quyết vấn đề hoặc tạo ra giải pháp mới cho một vấn đề cũ
- Phát triển ý tưởng trong lĩnh vực nghệ thuật, thiết kế, hoặc giáo dục
- Khám phá cách làm mới trong quản lý dự án hoặc quản lý thời gian
Ưu điểm của mô hình SCAMPER là nó dễ sử dụng và có thể áp dụng trong nhiều tình huống khác nhau để khuyến khích tư duy sáng tạo. Nhược điểm của nó là không đảm bảo rằng mọi ý tưởng thay đổi đều sẽ thành công, do đó cần một nỗ lực đưa ra danh sách ý tưởng ban đầu và tiêu chí đánh giá chất lượng các ý tưởng.
Để kiến thức này không bị nhàm chán, hãy thử áp dụng mô hình này vào việc tìm kiếm đối tượng hẹn hò ở phần mở đầu xem sao nhé.
Sử dụng mô hình SCAMPER để cải thiện kỹ năng sáng tạo của bạn
Để sử dụng mô hình SCAMPER hiệu quả, bước đầu tiên ta cần “mổ xẻ” các khía cạnh khác nhau của vấn đề, các quy trình thực hiện của giải pháp/dịch vụ, hay các bộ phận khác nhau của sản phẩm. Sau đó, áp dụng các câu hỏi SCAMPER để tìm ra điểm mới trong đó.
Trong tình huống tìm người yêu, chúng ta có thể chia nhỏ các bước từ bắt chuyện đến hẹn gặp như sau:
- Bước 1: Tìm đối tượng có hồ sơ phù hợp
- Bước 2: Nhắn tin làm quen, tìm hiểu sâu hơn
- Bước 3: Hẹn gặp
- Bước 4: Tương tác sau lần hẹn đầu tiên.
Nếu bạn muốn cải thiện kết quả (tìm được người yêu), bạn cần tìm ra cách làm mới cho mỗi bước, sau đó sàng lọc xem ý tưởng nào khả thi, ý tưởng nào chỉ để cho vui. Theo mô hình SCAMPER thì bạn có thể hỏi những câu hỏi sau:
1. Thay thế
Nhìn chung, câu hỏi cần suy nghĩ ở đây là: Tôi có thể thay thế hoặc thay đổi điều gì trong sản phẩm, vấn đề hoặc quy trình của mình? Bạn nên nghĩ đến việc thay thế (các) bộ phận của sản phẩm hoặc quy trình của mình bằng một thứ khác .
![](https://sabia.vn/wp-content/uploads/2023/10/Sabia-sticker-chi-dan-677x1024.webp)
Các câu hỏi hướng dẫn
- Tôi có thể thay thế điều gì để cải thiện?
- Tôi có thể thay thế thời gian, địa điểm, vật liệu, con người?
- Tôi có thể thay thế bộ phận này bằng bộ phận khác hoặc thay đổi bộ phận nào không?
- Tôi có thể thay thế người có liên quan không?
- Tôi có thể thay thế các quy tắc?
- Tôi có nên đổi tên sản phẩm/dịch vụ không?
- Tôi có thể sử dụng các quy trình hoặc thủ tục khác không?
- Tôi có thể thay đổi các đặc tính của sản phẩm/dịch vụ không?
- Tôi có thể thay đổi cảm xúc hoặc thái độ của mình đối với nó không?
- Tôi có thể thay thế điều gì để cải thiện?
=> Bạn có cần viết lại hồ sơ hẹn hò, chụp lại cái hình bắt mắt hơn, giới thiệu ấn tượng hơn để tìm được người “đúng gu” hơn không?
=> Bạn có thể thay đổi phong cách nhắn tin của mình không? (có thể nó quá nghiêm túc hoặc quá cợt nhả).
- Tôi có thể thay thế thời gian, địa điểm, vật liệu, con người?
=> Bạn có thể chọn lại địa điểm hẹn hò lãng mạn hơn, cách ăn mặc hợp thời hơn, hoặc hẹn nhiều người hơn thay vì khắt khe trong việc gặp gỡ?
- Tôi có thể thay thế người có liên quan không?
=> Nếu bạn thường xuyên hẹn gặp người lạ cùng với một đứa bạn khác, có thể cân nhắc đến việc đổi bạn hoặc đi một mình sẽ thoải mái hơn cho cả hai.
- Tôi có thể thay thế các quy tắc?
=> Bạn cho rằng cần nói chuyện khoảng 1 tháng mới gặp mặt nhau, thì có thể rút ngắn thời gian này. Có những quy tắc sẽ trở thành rào cản cho chuyện hẹn hò của bạn.
- Tôi có nên đổi tên sản phẩm/dịch vụ không?
=> Tên của bạn trên hồ sơ hẹn hò có nghiêm túc không, hay chỉ là một cái tên không có dấu, sai chính tả?
- Tôi có thể sử dụng các quy trình hoặc thủ tục khác không?
=> Nếu nhất thiết mối quan hệ đó phải là tình yêu, có thể bạn sẽ bỏ qua một số người ban đầu có vẻ không hấp dẫn lắm nhưng lại thú vị sau này. Vì vậy bạn có thể khởi đầu mối quan hệ bằng tình bạn để tạo ra sự thoải mái, cởi mở cho cả hai.
- Tôi có thể thay đổi các đặc tính của sản phẩm/dịch vụ không?
=> Đừng giới thiệu bản thân với các phẩm chất như “thân thiện, hòa đồng, vui vẻ” vì đây là các phẩm chất chung chung trên thị trường hẹn hò. Thay vào đó hãy nêu bật các điểm mạnh khác ít người có như nấu ăn ngon, chân thành, biết cách vỗ về khi người yêu dỗi…
- Tôi có thể thay đổi cảm xúc hoặc thái độ của mình đối với nó không?
=> Khi nhắn tin với ai đó, bạn có thể hiện sự nôn nóng phải kiếm được vợ/chồng về ra mắt gia đình vào cuối năm? Bạn sốt sắng nhắn tin liên tục cho người kia để hai người mau chóng hiểu nhau và bước qua giai đoạn hẹn hò. Ừm, điều này có thể gây tác dụng ngược vì nếu người ta thấy bạn “ế” quá người ta sẽ sợ hãi bỏ chạy.
![](https://sabia.vn/wp-content/uploads/2023/10/Sabia-chill-pic-4-1024x544.webp)
2. Kết hợp
Câu hỏi chung cần suy nghĩ ở đây là: Làm cách nào tôi có thể kết hợp các yếu tố khác lại với nhau để tạo nên giải pháp mới? Đây cũng là cách mà chúng ta hay làm khi tư duy sáng tạo: kết hợp các ý tưởng, sản phẩm hoặc dịch vụ không liên quan trước đây để tạo ra thứ gì đó mới mẻ, có tính ứng dụng.
Thực sự thì tới đây tôi thấy đã giải quyết hòm hòm vụ hẹn hò, nên sẽ lấy một ví dụ khác, là một đồ án thiết kế hộp bút đựng bút của tôi. Đề bài ban đầu là thiết kế hộp đựng bút cho dân thiết kế/họa sĩ.
![](https://sabia.vn/wp-content/uploads/2023/10/Sabia-sticker-chi-dan-677x1024.webp)
Các câu hỏi hướng dẫn
- Tôi có thể kết hợp những ý tưởng, vật liệu, tính năng, quy trình, con người, sản phẩm hoặc thành phần nào?
- Tôi có thể kết hợp hoặc hợp nhất cái này hay cái kia với các đối tượng khác không?
- Tôi có thể kết hợp những gì để tối đa hóa số lần sử dụng?
- Tôi có thể kết hợp những gì để giảm chi phí sản xuất?
- Tôi có thể kết hợp những vật liệu nào?
- Tôi có thể kết hợp những ý tưởng, vật liệu, tính năng, quy trình, con người, sản phẩm hoặc thành phần nào?
=> Xuất phát từ trải nghiệm mỗi lần đi ký họa hay đi học vẽ là tôi phải vơ nắm bút đang nằm lăn lóc trên bàn nhét vào cặp, rồi khi đi về lại lôi từ cặp ra, tôi nghĩ ra thiết kế có thể sử dụng hộp bút ở trên bàn và khi cần có thể mang theo luôn hộp bút ra ngoài.
- Tôi có thể kết hợp hoặc hợp nhất cái này hay cái kia với các đối tượng khác không?
=> Ngoài bút ra tôi có thể kết hợp đựng các loại cọ, gôm tẩy đồ văn phòng phẩm, và tất nhiên các loại này sẽ đựng ở một loại ngăn riêng.
- Tôi có thể kết hợp những gì để tối đa hóa số lần sử dụng?
=> Tôi kết hợp kệ đựng hộp bút với một kiểu thiết kế mang tính trưng bày trong phòng, như vậy tôi sẽ không bị nhàm chán với kiểu dáng của chúng mà vẫn tận dụng được công năng chính.
- Tôi có thể kết hợp những gì để giảm chi phí sản xuất?
=> Tôi cân nhắc dùng gỗ vụn hoặc ván ply để tiết kiệm chi phí cho các hộp gỗ và thân thiện với môi trường.
- Tôi có thể kết hợp những vật liệu nào?
=> Hộp bút và giá bằng gỗ nhưng chân đế có thể được ráp bằng sắt uốn (sau này tôi mới nghĩ ra chứ tại thời điểm đó tôi dùng chân gỗ cực xấu mà lại có nguy cơ gây mất cân bằng cho nguyên cụm thiết kế).
Ý tưởng thiết kế hộp bút của tôi.
3. Vay mượn ý tưởng
Câu hỏi bạn cần suy nghĩ là: Tôi có thể vay mượn các ý tưởng mà người khác đã sử dụng thành công để làm cơ sở cho ý tưởng của mình không? Việc “vay mượn” ý tưởng và sửa đổi cho phù hợp là một cách làm phổ biến trong rất nhiều ngành nghề, đặc biệt là ngành liên quan đến sáng tạo. Tất nhiên chúng ta cần phân biệt giữa vay mượn và sao chép y nguyên – vốn là ăn cắp chất xám chứ không còn là vay mượn nữa.
![](https://sabia.vn/wp-content/uploads/2023/10/Sabia-sticker-chi-dan-677x1024.webp)
Các câu hỏi hướng dẫn
- Có ý tưởng nào giống với bối cảnh của bạn không?
- Ý tưởng này sẽ gợi lên ý tưởng nào khác?
- Có thể học hỏi điều gì?
- Yếu tố nào có thể vay mượn, yếu tố nào phải làm khác đi?
>> Vay mượn ý tưởng marketing
Ví dụ, thương hiệu Starbuck nổi tiếng với các sản phẩm ly phiên bản giới hạn/theo mùa, mà mỗi mẫu ly tung ra đều được dân tình xếp hàng dài để mua. Thương hiệu cà phê Katinat đã tung ra một chiến dịch phát hành “ly cầu vồng”, nếu người mua đặt mua nước size lớn sẽ được dùng loại ly này. Và thế là chiến dịch thắng đậm vì giới trẻ thích chụp choẹt đều yêu thích cái gì lạ lạ xinh xinh. Cũng khó mà nói là Katinat có vay mượn Starbuck không, nhưng rõ ràng hai cách làm này đều có những điểm chung là đánh vào thị hiếu người dùng, tâm lý thích những cái ly sang chảnh, thiết kế đặc biệt.
Các bạn hay thấy những tiêu đề kiểu như “Ăn đi chờ chi”, “Mua ngay kẻo lỡ”, “Ngàn deal đại chiến”, đều là vay mượn tên gốc của các bài hát, bộ phim, gameshow ăn khách để thu hút sự chú ý và tận dụng được cách chơi chữ của bản gốc.
Tài liệu tham khảo:
![](https://sabia.vn/wp-content/uploads/2023/10/Sabia-tai-lieu-tham-khao-1024x691.webp)
Bài viết tham khảo các nguồn tài liệu:
1. Phần giới thiệu mô hình SCAMPER, sách Trò chơi tư duy, tác giả Michael Michalko.
2. www.mindtools.com/
3. www.interaction-design.org/
(*) Bài viết (bao gồm nội dung và hình ảnh) thuộc sở hữu của Sabia.vn, mọi sao chép vui lòng dẫn link bài viết và ghi rõ nguồn Sabia.vn.