Bạn nghĩ bạn là kẻ thất bại và rồi bạn trở thành kẻ thất bại. Bạn nghĩ mình sẽ thành công và rồi bạn thành công. Tôi không chắc nghĩ mình sẽ thành công thì sẽ có kết quả tốt như thế nào, nhưng nghĩ rằng mình thất bại thì khả năng cao là điều đó sẽ trở thành sự thật.
Làm cách nào mà điều này xảy ra? Một ý nghĩ có thể trở nên nguy hiểm như thế nào cho cuộc sống của bạn? Câu trả lời nằm ở mối liên hệ giữa suy nghĩ – cảm xúc – hành vi và cách mà một suy nghĩ trở nên “lợi hại” hơn khi bạn bắt đầu để ý đến nó.
Thay đổi suy nghĩ có thể dẫn đến thay đổi hành vi nhưng sẽ khó khăn hơn ở chiều ngược lại. Để thấy được vai trò của suy nghĩ trong bộ ba suy nghĩ – cảm xúc – hành vi, hãy theo dõi hai tình huống sau đây.
Tình huống mở đầu
1. Thay đổi suy nghĩ, thay đổi hành vi
Một cụ ông rất khó chịu vì đám trẻ trong xóm cứ tụ tập gần nhà ông chơi đùa, hò hét mỗi chiều. Lũ trẻ này cực kỳ cứng đầu, khó bảo nên không thể nào yêu cầu chúng ngoan ngoãn hơn được. Ông bèn nghĩ ra một kế.
Ông lão làm gì để lũ trẻ không quấy rầy mình nữa?
Cứ mỗi chiều, lúc tụi trẻ đang chơi, ông lại đi đến và đưa cho mỗi đứa một xu, bảo “các cháu chơi vui lắm, ta rất thích. Đây ta thưởng cho tiền ăn kẹo”. Lũ trẻ mừng rỡ, không ngờ có người cho tiền chúng để chúng chơi đùa. Vài ngày sau, ông chỉ cho hai đứa chia nhau một xu, và tần suất cũng thưa thớt dần.
Kết quả: Lũ trẻ thấy vậy liền cho rằng mình đang bị “quỵt” tiền, rằng mình vất vả chơi đùa cho ông lão vui, vậy mà lão bắt đầu “bùng kèo” rồi. Cuối cùng, ông lão không cho tiền nữa, chúng rủ nhau bỏ đi nơi khác chơi. Ông lão đã đạt được mục đích.
Ông lão đã thay đổi suy nghĩ của bọn trẻ về việc chơi đùa
Không bàn đến việc ông lão đúng là “cao thủ” thao túng tâm lý thì có thể thấy rằng lũ trẻ đã thay đổi suy nghĩ về việc chơi đùa. Ban đầu chúng chỉ vui chơi, sau đó ông lão làm cho chúng nghĩ rằng việc chơi đùa đem lại món hời. Cuối cùng, từ suy nghĩ vui chơi đơn thuần, lũ trẻ thay đổi “vui chơi để giải khuây cho ông lão, nhờ đó được thưởng tiền”. Một khi thay đổi suy nghĩ như vậy, lũ trẻ thay đổi động lực và hành vi của mình.
Bạn và tôi có thể bắt gặp hình ảnh của chính mình nơi lũ trẻ khi ta thay đổi động đi làm của chính mình. Nếu đi làm để học hỏi, kết giao, thêm trải nghiệm và tiền bạc chỉ là một trong số đó, làm việc gì cũng vui. Nhưng đi làm không gì ngoài mục đích tiền bạc, làm việc gì cũng cảm thấy rất khó nhọc, ngay cả khi bạn được mức lương cao hơn người khác. (Tất nhiên người đi làm chỉ vì tiền ít khi đạt được mức lương cao lắm, tin tôi đi).
Trò chơi hết vui.
(Câu chuyện sưu tầm trên Internet)
2. Thay đổi hành vi, cảm xúc nhưng không thay đổi suy nghĩ
Khi gặp áp lực cuộc sống, chúng ta đi du lịch. Thay đổi công việc. Đến một thành phố khác. Mua những mặt hàng tiêu dùng xa xỉ. Dễ dàng hơn là xem phim, lướt web, mạng xã hội. Chúng ta tìm kiếm những thay đổi bên ngoài và hy vọng rằng điều đó sẽ giúp ta thay đổi. Hoặc tệ hơn là quên đến vấn đề cốt lõi.
Hãy nhớ lại mà xem, sau đó có điều kỳ diệu nào xảy ra không? Nếu một vấn đề không được giải quyết tận gốc rễ, tôi tin rằng nó sẽ quay lại làm phiền chúng ta một ngày nào đó. Những thay đổi bên ngoài chỉ đánh lạc hướng tâm trí ta mà thôi. Như tôi đã từng bế tắc trong công việc và nghĩ rằng vì bản thân quá áp lực, nhưng không hề tìm hiểu áp lực đó do đâu. Thay vào đó, tôi đi du lịch, đầu tư cho các sở thích cá nhân, đọc sách các kiểu để tạo ra niềm tin rằng mình đã trở nên ổn hơn.
Nhưng sau nhiều năm, vấn đề trở nên bung bét hơn vì tôi đã không làm gì để giải quyết nó. Môi trường đóng một vai trò trong việc thay đổi hoàn cảnh, nhưng nó không giúp tôi giải quyết nguyên nhân gốc rễ, vốn xuất phát từ suy nghĩ bên trong. Vấn đề thực sự của tôi là thiếu các kỹ năng công việc, không làm đúng việc phù hợp với thế mạnh của mình và cách thể hiện bản thân sao cho tốt hơn. Tất cả điều này tạo ra áp lực. Các thú vui bên ngoài không bao giờ lấp đầy khoảng trống này: nó luôn ở đó, chờ thời cơ trỗi dậy và phá hủy tất cả.
Nếu bạn cũng như tôi, chúng ta có thể gặp nhau ở một vòng lặp: gặp vấn đề – thay đổi các yếu tố bên ngoài – gặp vấn đề – thay đổi các yếu tố bên ngoài. Ngay cả khi ta thay đổi hành động nhưng lại giữ nguyên quan điểm. Cuối cùng, ta luôn quay lại nơi mọi thứ bắt đầu: gặp vấn đề.
Hai ví dụ trên cho ta thấy sức mạnh của suy nghĩ. Thay đổi suy nghĩ có thể thay đổi hành vi, nhưng để hành vi tạo ra sự tác động lên suy nghĩ thì không đơn giản.
Đây là những gì bạn cần nhận ra:
Bạn phải thay đổi sự tập trung vào những suy nghĩ của mình bởi vì những gì bạn nghĩ ảnh hưởng trực tiếp đến cách bạn cảm nhận, và cách bạn cảm nhận ảnh hưởng trực tiếp đến cách cơ thể bạn phản ứng, và cách cơ thể bạn phản ứng ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của bạn, và cách bạn cư xử sẽ xác định bạn là ai và những gì bạn trải nghiệm trong cuộc sống.
Nguồn: Omaritani.com
Bởi vì suy nghĩ – cảm xúc – hành vi là bộ ba thân thiết, mà suy nghĩ là khởi nguồn của mọi sự.
Mối liên hệ giữa suy nghĩ, cảm xúc và hành vi
Nếu bạn cho rằng bài viết này đang bắt đầu đi theo hướng “thay đổi thái độ, thay đổi cuộc đời” thì hãy kiên nhẫn, bởi vì nó không phải là những kiểu động viên phù phiếm hay câu chuyện truyền cảm hứng. Cách tiếp cận của tác giả là đi sâu vào phân tích mối quan hệ giữa suy nghĩ – cảm xúc – hành vi và cho ta thấy rằng vì sao suy nghĩ của mỗi người quan trọng đến vậy.
1. Các ý nghĩ chỉ tạo ra ảnh hưởng nếu có sự chú ý
Không phải ý nghĩ nào cũng có sức mạnh long trời lở đất. Nếu chúng ta bỏ qua nó, sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra. Ví dụ buổi sáng tôi có thể thấy bực bội vì bị đồng nghiệp làm đổ cà phê lên chiếc áo sơ mi yêu thích, nhưng chuyện đó nhanh chóng lướt qua nhanh nếu tôi phớt lờ nó và tập trung vào chuyện khác.
Nếu ta bắt đầu chú ý đến một suy nghĩ nhiều hơn, mọi thứ có thể thay đổi từ đây. Chuyện đổ cà phê có thể phá hỏng một ngày tươi đẹp nếu tôi bắt đầu tập trung quá mức vào nó. Bản thân các ý nghĩ không có sức mạnh—chỉ khi chúng ta đầu tư sự chú ý của mình vào chúng thì chúng mới bắt đầu có vẻ như thật. “Như thật” có nghĩa là ta sẽ bắt đầu cảm nhận được các cảm xúc được kích hoạt bởi các suy nghĩ đó, một loại cảm xúc mới sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta phản ứng với môi trường xung quanh.
Trong câu chuyện đổ cà phê, nếu tôi bắt đầu suy nghĩ về nó nhiều hơn, một số thứ khác bắt đầu xuất hiện. Tôi sẽ nghĩ đến vẻ mặt vô cảm không chút hối lỗi của đồng nghiệp, cô ta làm điều đó mà không áy náy chút nào sao? Tôi nghĩ đến chiếc áo sơ mi của tôi, có lẽ nó không thể nào làm sạch được. Chiếc áo đó khá đắt tiền và tôi thì đang rỗng túi. Tôi nghĩ đến môi trường làm việc của mình: đồng nghiệp thì cẩu thả, nhiều chuyện, mà phúc lợi cho nhân viên thì nghèo nàn. Còn ông sếp khó ưa của tôi nữa. Khi thấy tôi mặc chiếc áo có vết ố cà phê, ông ta còn nhe răng cười nữa. Đúng là một gã keo kiệt vô duyên! Tôi nghĩ đến cuộc đời mình, quả là một cuộc đời thất bại xui xẻo. Tôi toàn gặp những chuyện không ra gì, những đồng nghiệp khó ưa và công việc thì tệ hại vô cùng!
Chà, đến đây bạn cũng thấy từ chuyện đổ cà phê có thể trở thành bi kịch cuộc đời nếu chúng ta đầu tư cho nó chút thời gian và khả năng liên tưởng. Một dòng suy nghĩ tiêu cực bắt đầu chảy qua đầu, và cơ thể sẽ bắt đầu phản ứng theo một số cách tinh vi mà có thể bạn cũng không nhận thấy.
2. Suy nghĩ đủ mạnh sẽ tác động lên cảm xúc và hành vi
Lông mày bạn bắt đầu chau lại, môi hơi cong xuống, ánh mắt trở nên khó đăm đăm. Vai bạn sẽ khép lại, cổ rụt xuống, cho thấy một sự phòng thủ. Suy nghĩ tiêu cực dẫn đến phản ứng phòng thủ của cơ thể, vì lúc này não bộ đang hiểu rằng bản thân đang gặp điều gì đó nguy hiểm. Theo bản năng, ta trở nên khó gần hơn với mọi người, và nhạy cảm thái quá về các tình huống. Nếu đang trong cơn bực bội, chỉ một sự khó chịu nhỏ thôi từ môi trường cũng có thể làm mồi lửa bùng lên cơn giận dữ của chính bạn.
(Hãy để ý rằng trong tâm trạng bực bội, bạn luôn gay gắt với mọi tình huống phát sinh. Giận dữ như một cơn lốc sẵn sàng cuốn phăng mọi thứ cản đường nó).
Tin tốt là tình hình có thể diễn ra theo chiều ngược lại, với những suy nghĩ tích cực. Cảm xúc tích cực giúp ta thả lỏng cơ thể, mắt mở to hơn, miệng dễ cười tươi hơn, vai lưng thẳng hơn và cởi mở, tích cực hơn. Và chính ngôn ngữ cơ thể quay tác động trở lại suy nghĩ, cảm xúc của chúng ta như một vòng lặp. Đây cũng chính là cách mà một suy nghĩ nào đó trở nên mạnh mẽ hơn nhờ vòng lặp phản hồi với cảm xúc: hai đứa này củng cố cho nhau. Cho đến lúc chúng đủ mạnh, chúng sẽ ảnh hưởng lên phản ứng vật lý của cơ thể và cuối cùng là cách mà chúng ta hành động.