Tôi không nghĩ là mình hồi hộp hay lo sợ, nhưng tim tôi đập nhanh hơn, mắt tôi mở to ra, cơ thể tôi bị căng cứng và tai tôi thì nghe được cả tiếng động nhỏ nhất…
Bạn nghĩ tôi đang đi khám phá rừng sâu hay ở một nơi nguy hiểm nào đó? Không, tôi đang ở trong văn phòng làm việc, chuẩn bị cuộc họp hàng tuần, báo cáo dự án mình đang làm với sếp. Đây không phải là lần đầu tiên tôi phớt lờ các phản ứng sinh lý của cơ thể, dù chúng đang cố gắng gửi đi những thông điệp quan trọng.
Và khi tôi bắt đầu nhận ra điều này, tôi thấy mình đã trả những cái giá khá đắt đỏ cho sự nghiệp, cuộc sống của mình. Hãy bắt đầu từ tâm trạng lo lắng trước khi họp của tôi.
Thông điệp từ những cơn đau
Tình huống mở đầu
Câu chuyện vật vã nơi công sở của tôi.
Cơ thể đang cố nói với bạn điều gì?
- Cảm xúc gây ra các phản ứng sinh lý/bệnh lý cho cơ thể
- Thông điệp từ cảm xúc qua những cơn đau
Làm gì khi cơ thể “hom hem”?
- Lắng nghe cảm xúc của bạn
- Tập thể dục, vận động cơ thể
- Cải thiện tư thế của bạn
- Ăn uống lành mạnh
Tình huống mở đầu
Rõ ràng tôi đã rất hồi hộp lo lắng, nhưng luôn tự trấn an mình chẳng có gì phải căng thẳng. Đó là tôi nghĩ thế, tuy nhiên cơ thể phản chủ này không chịu nghe lời. Rốt cuộc, tôi đã có sự thể hiện kém cỏi trong buổi họp. Tôi trình bày lủng củng, trao đổi thiếu thuyết phục, và buổi họp kết thúc mà không đạt được kết quả khả quan nào.
Đây không phải là công việc trong mơ của tôi. Vốn dĩ tôi đã dành 4 năm theo đuổi con đường vẽ vời để trở thành một nhà thiết kế chuyên nghiệp. Nhưng vì cơm áo gạo tiền, tôi đành quay trở lại nghề cũ là một Content Creator cho một công ty khởi nghiệp.
Tôi đã làm việc hết sức mình, dự án cũng đã có những bước khởi động, nhưng tận sâu trong lòng, tôi đã thực sự bất an. Tôi vào làm công ty hơn 1 tháng đã được giao một dự án quan trọng, công việc tôi đảm trách lại không phải là chuyên môn hay thế mạnh của tôi. Suốt thời gian đó, tôi rất hay đau bụng vào buổi sáng, đặc biệt là khi có cuộc họp. Tôi mỏi vai gáy, ăn không thấy ngon, luôn cảm thấy người mỏi mệt.
Làm việc được 2 tháng, tôi thấy vai gáy tôi tê mỏi, thỉnh thoảng lại ngứa, có lúc lại như không có cảm giác. Tôi khó tập trung vào công việc, rất dễ buồn ngủ dù tâm trạng căng thẳng. Có những lúc đi làm về, tôi thấy nước mắt mình tự nhiên chảy ra mà không hiểu vì sao. Tôi đã dần quen với môi trường làm việc, đồng nghiệp cũng thân thiện, sếp cũng rất tử tế, nhưng tại sao tôi lại luôn cảm thấy trống rỗng và mơ hồ khó chịu? Tôi để ý thấy bản thân hay ngồi thu mình lại, tiếng nói khá nhỏ, không tự tin, và một cảm giác vui vẻ giả tạo luôn thường trực.

Tất cả những phản ứng này của cơ thể nói lên điều gì? Nó cho thấy tôi gặp áp lực và bắt đầu mất dần cảm nhận về bản thân trong công việc. Tôi như đánh mất chính mình và phải đeo một chiếc mặt nạ để sinh tồn nơi đó. Các phản ứng của cơ thể không chỉ cảnh báo vấn đề về sức khỏe: nó có thể là một dạng thông điệp cảm xúc muốn gửi đến chúng ta.
Cơ thể đang cố nói với bạn điều gì?
1. Cảm xúc gây ra các phản ứng sinh lý/bệnh lý cho cơ thể
Khi cơ thể không khỏe thì hẳn nhiên là tâm trạng chúng ta khó mà tươi tắn được. Nhưng khi tâm trạng bất ổn, ở một mức nào đó, nó sẽ gây tác động lên cơ thể chúng ta. Sức khỏe cảm xúc và sức khỏe thể chất của bạn gắn bó với nhau và không thể tách rời. Cảm xúc được trải nghiệm và lưu giữ trong cơ thể chúng ta. Và chúng được thể hiện thông qua các cảm giác sinh lý. Chóng mặt, buồn nôn, run rẩy, đỏ mặt, nóng tai, khó thở, nghẹn ở cổ là một số cảm giác cơ thể bạn có thể gặp phải khi tức giận hoặc căng thẳng tột độ. Ngược lại, cảm thấy khỏe khoắn, tươi mới, nhẹ nhàng là một số cảm giác cơ thể khi ta thấy vui vẻ và tự tin.

Câu chuyện của ông Joseph
Click để xem chi tiết
Vì sao choáng váng, chóng mặt?
Hãy xem xét một câu chuyện khác của người đàn ông tên Joseph, 67 tuổi. Ông đến khám bác sĩ quen với triệu chứng “choáng váng, chóng mặt” (Theo hiểu biết của tôi thì nhiều người bị rối loạn tiền đình cũng dễ mắc bệnh này). Bác sĩ nói rằng có nhiều căn bệnh dẫn đến triệu chứng này, cho nên đã cho ông xét nghiệm đủ thể loại như điện tâm đồ, điện não đồ, thần kinh… tất cả đều cho kết quả âm tính, là không phát hiện ra bệnh. Không biết bệnh thì đành điều trị triệu chứng, do đó bác sĩ kê đơn cho ông Joseph nhiều loại thuốc khác nhau. Bệnh vẫn không thuyên giảm.
Sau đó, ông Joseph được giới thiệu qua một bác sĩ khác, người này yêu cầu ông Joseph mô tả triệu chứng “choáng váng, chóng mặt” nghĩa là gì. Ông kể “tôi cảm thấy lúc nào cũng chóng mặt kể từ khi vợ tôi qua đời. Tôi không biết phải làm gì với bản thân mình. Tôi hoang mang. Tôi xem tivi, nhưng không thấy hứng thú. Tôi đi ra ngoài, nhưng chẳng có nơi nào để đi”. Ông thể hiện sự buồn bã vô cùng khi nói về cuộc sống mất vợ của mình. Vậy là đã rõ, triệu chứng bệnh lý của ông chỉ là một cách cơ thể phản ứng với nỗi đau trống trải khi vợ qua đời, không phải do trục trặc thể chất gây ra.
Càng ngày, y học hiện đại càng mở ra nhiều hướng điều trị khi tìm nguyên nhân gốc rễ của các loại bệnh tật là ở cảm xúc chứ không phải do thể chất người đó bất ổn. Như ông Joseph, tôi chắc chắn rằng rất nhiều cơn đau, nỗi khó chịu vật lý của chúng ta đều là cách mà cơ thể lên tiếng để đối phó với nỗi đau cảm xúc từ sâu thẳm trong mình.
2. Thông điệp từ cảm xúc qua những cơn đau
Chóng mặt, choáng váng chính là cách mà cơ thể nói với ông Joseph rằng ông không hề ổn với cảm xúc của mình. Thay vì đi khám bệnh, uống hàng tá thuốc để làm giảm triệu chứng, điều ông cần là các phương pháp trị liệu về tâm lý, các hoạt động xã hội giúp ông kết nối và sự lắng nghe để xoa dịu nỗi đau mất vợ.
Cũng giống như tôi, thời gian đi làm đầy căng thẳng là cách mà cảm xúc nói với tôi rằng có điều gì đó không ổn. Dù tôi biết sự căng thẳng trong công việc dẫn đến các cơn đau, nhưng vì sao tôi lại căng thẳng? Vì đó không phải là việc tôi thích. Vì tôi không yêu bản thân đủ nhiều, tự trong sâu thẳm tôi xem thường chính mình vì không đủ can đảm theo đuổi ước mơ đang dang dở, mà lại làm một việc rồi không biết công việc đó dẫn đến đâu. Do vậy mà tôi luôn cảm giác không trung thực với bản thân, không cởi mở với đồng nghiệp, sợ hãi khi người khác nghĩ rằng mình không có năng lực. Những cảm xúc hỗn độn này dẫn đến sự căng thẳng thường trực, những cơn hồi hộp vô cớ.

Khi chúng ta mắc bệnh, cơ thể không chỉ đưa ra cảnh báo rằng cơ thể này đang xuống cấp đấy, đi khám đi – mà còn ngụ ý rằng có thể cảm xúc tình cảm của bạn đang có vấn đề. Học cách sống chậm lại và lắng nghe cơ thể không chỉ là cảm nhận những cơn đau nhức khi làm việc quá sức. Nó còn là việc khám phá xem bạn thực sự cảm thấy thế nào về mặt cảm xúc về điều gì đó.
Tôi cố gắng chịu đựng sự căng thẳng trong 3 tháng liền, và mỗi ngày khi bước ra khỏi văn phòng, tôi đều tự nhủ “chẳng phải chúng ta đều sẽ chết sao? Cứ sống nốt hôm nay cái đã”. Tôi không muốn nghỉ việc vì công việc đem lại thu nhập cho tôi, dù cơ thể tôi rệu rã mỗi ngày. Cho đến khi bạn quản lý nhận ra vấn đề và đề nghị tôi nghỉ việc. Đó là vào tháng thứ 3. Thật đáng ngạc nhiên, sau khi biết rằng mình sẽ nghỉ việc ở công ty, tôi như được giải thoát. Tôi cảm thấy thoải mái vô cùng, sáng tạo hơn trong công việc và cởi mở hơn khi chia sẻ với mọi người. Tôi nhận thấy mình lấy lại được năng lượng và sự tự tin, làm việc hiệu quả hơn lúc trước.
Điều này nói lên điều gì? Công việc này, môi trường này không phù hợp với tôi. Nghĩ đến viễn cảnh phải gắng sức mỗi ngày mà không biết điều gì sẽ chờ đợi mình khiến tôi căng thẳng. Cho đến khi biết chắc rằng mình sẽ nghỉ việc, không còn mối ràng buộc nào nữa, tôi trở nên nhẹ nhõm, thoải mái.
Làm gì khi cơ thể “hom hem”?
Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhận ra và giải quyết vấn đề như cách mà tôi nghỉ việc. Chìa khóa để kiểm soát cảm xúc của bạn là phát triển nhận thức về chính xác nơi bạn cảm nhận được chúng, chúng ảnh hưởng như thế nào trong cơ thể bạn và bạn có thể xử lý chúng theo những cách lành mạnh nào. Vì vậy, điều đầu tiên cần làm khi cơ thể có vấn đề là:
1. Lắng nghe cảm xúc của bạn
Bắt đầu đặt câu hỏi xem gần đây bạn có gặp sự cố nào, vấn đề nào không thể giải quyết, hoặc một nỗi buồn trong quá khứ bỗng quay lại ám ảnh bạn? Khi nhớ về chuyện đau buồn trong quá khứ, tôi thường mất ngủ và đau lưng mỗi sáng thức dậy.
Trong trường hợp này, thay vì cố gắng xoa dầu gió để qua cơn đau, tôi cần suy nghĩ về những thứ đang diễn ra trong đầu mình. Tâm trạng muộn phiền cũng là một thứ thuốc độc giết chết ta mỗi ngày, theo nghĩa đen.
2. Tập thể dục, vận động cơ thể
Như cách mà cảm xúc gây ra một vài loại bệnh lý, các nỗ lực thể chất cũng có thể giúp xoa dịu cảm xúc, từ đó đẩy lùi các triệu chứng bệnh lý này. Vì vậy khi cơ thể cảm thấy không khỏe, hãy cân nhắc việc vận động nhiều hơn nữa.
Tập thể dục thường xuyên được chứng minh là có tác dụng giảm căng thẳng, tăng cường hormone endorphin giúp cơ thể “cảm thấy dễ chịu”, nâng cao sự tự tin, mài giũa khả năng tư duy.
Khi thực hiện các buổi tập này, hãy để những cảm xúc tiêu cực đi qua chuyển động của bạn. Làm việc nhà, dọn dẹp phòng ốc cũng là một hình thức vận động hữu ích giải tỏa nỗi lo của bạn. Tất nhiên sau khi dọn xong thì nỗi lo vẫn còn đó, song ít nhất bạn đã làm được việc gì đó có lợi cho cơ thể vật lý của mình, thậm chí tạo ra một thói quen tốt để cải thiện sức khỏe về lâu dài.

Khi tôi đang cảm thấy rất tồi tệ, tôi vẫn đứng dậy nấu ăn hoặc tập Yoga, lau dọn nhà cửa. Tôi phát ngán lên được những việc đó, chỉ muốn nằm dài, đánh lạc hướng tâm trí bằng việc lướt mạng xã hội. Nhưng tôi biết rằng sau đó tôi còn trở nên uể oải hơn, chán chường hơn, vì vậy tôi cứ đứng lên làm việc mà không hề suy nghĩ. Trong khi vận động, tôi vẫn lo lắng, nhưng cơ thể tôi đã bắt đầu tập theo huấn luyện viên Yoga trên kênh Youtube rồi.
Nhiều người nhận thấy tập thể dục thể thao giúp giảm sự lo âu căng thẳng, và khi cơ thể khỏe mạnh, việc chịu đựng các cảm xúc tiêu cực cũng dễ dàng hơn là lúc ốm đau. Đây là một tiền đề quan trọng để chúng ta đối phó với những bất ổn trong đời.
3. Cải thiện tư thế của bạn
Ngồi khom lưng hay ôm mặt sẽ gợi lên cảm giác bất lực và mời gọi những cảm xúc tiêu cực trỗi dậy ám ảnh bạn. Ngôn ngữ cơ thể có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm trạng của chúng ta. Khi bạn đang muốn trở nên tự tin, mạnh mẽ, hãy đứng thẳng người, mắt nhìn thẳng. Lắc lư cơ thể theo điệu nhạc có thể làm chúng ta vui hơn một chút, so với việc ngồi yên ngắm nhìn mấy đám mây đen trước nhà hàng giờ liền.
4. Ăn uống lành mạnh
Điều này nghe có vẻ hơi nhàm chán nhưng thực sự đó là một cách hiệu quả giúp thay đổi tâm trạng. Tuy nhiên, bạn cần phân biệt sự khác nhau giữa việc ăn uống cho cơ thể khỏe mạnh và ăn uống để xoa dịu cảm xúc. Chúng ta có xu hướng ăn các loại thức ăn nhanh, thức ăn nhiều đường, tinh bột khi tâm trạng tồi tệ. Về mặt ngắn hạn, các loại thức ăn này giúp chúng ta hạnh phúc hơn, nhưng về mặt dài hạn, chúng gây ra các vấn đề về sức khỏe, và dù sao thì chúng cũng không làm vấn đề gốc rễ thay đổi. Nhiều người trở nên béo phì vì thói quen này.

Thay vì nạp thêm đường bằng các loại bánh ngọt, bạn có thể ăn các loại trái cây tươi, hoặc một ít nho khô sẽ tốt hơn cho sức khỏe.
Tóm lại cái bài dài thòng
Cuộc sống ngày nay vội vã tới mức, hễ cơ thể có trục trặc, điều ta nghĩ ngay đến là bệnh viện, chứ không phải các vấn đề của cảm xúc. Ta mau chóng uống giảm đau, hạ sốt, thuốc trị cảm cúm để cơ thể mau khỏe lại, để tiếp tục làm việc, đi theo guồng quay bất tận này. Từng chút từng chút một tích tụ, một ngày nào đó cơ thể không chịu nổi nữa, có thể khiến bạn gục ngã bằng những căn bệnh không thể nào dùng thuốc để chữa.
Thay vì vội vàng ép bản thân phải khỏe mạnh trở lại, hãy thử nghĩ xem có điều gì trong sâu thẳm khiến bạn lo lắng, căng thẳng, muộn phiền, khó chịu, bức bối. Cho bản thân một khoảng thời gian và không gian để hàn gắn lại từng chút một. Tôi tin là, nếu đủ kiên nhẫn, đủ yêu thương, ta sẽ mạnh mẽ đi qua mọi cơn giông bão cuộc đời.
Tài liệu tham khảo:

Bài viết tham khảo các nguồn tài liệu:
1. Tình huống ông Joseph trích từ cuốn sách Quyết đoán, tác giả Chip Heath & Dean Heath
2. www.newayscenter.com
(*) Bài viết (bao gồm nội dung và hình ảnh) thuộc sở hữu của Sabia.vn, mọi sao chép vui lòng dẫn link bài viết và ghi rõ nguồn Sabia.vn.