Có quá nhiều món ngon để thưởng thức, và cái miệng thèm thuồng của chúng ta cứ nhai không ngừng món này đến món khác. Ngay cả khi chúng ta hiểu rằng mình đang lên cân và quyết tâm giảm cân, và thậm chí đã có kế hoạch giảm cân, sự ăn vẫn không hề được kiểm soát. Càng ăn, càng thèm, càng thèm, càng ăn.
Bạn muốn mình ăn ít đi và không ăn những thứ thực phẩm kém lành mạnh bánh ngọt kẹo que nữa. Lúc này, từ bỏ cái rụp mọi thứ bạn đang ăn là một chiến lược thiếu khôn ngoan. Vì khi đã ăn thứ gì đó như thói quen, ta sẽ cảm thấy bứt rứt khó chịu khi chia tay chúng quá đột ngột. Hậu quả là ta kiên trì được một thời gian, rồi sau đó lại đâu vào đấy.
Lợi ích của việc giảm cân và hạn chế ăn vặt thì khỏi bàn ở đây, ai cũng biết nó xưa như trái đất rồi. Vấn đề là làm sao để đi qua bước hành động?
Vậy làm thế nào để ăn ít đi mà không khiến bản thân cảm thấy phải cố gắng nhịn ăn?
Trước hết hãy cùng theo dõi thí nghiệm này nhé.
Thí nghiệm bắp rang bơ miễn phí dở tệ
Vào một ngày đẹp trời, khán giả đi xem phim tại một rạp ở Mỹ được nhận bắp rang bơ miễn phí. Quả là “của rẻ là của ôi”, đây là cái thứ bắp đã được rang trước đó 5 ngày, nghĩa là tụi nó mềm ỉu, xọp xẹp một cách dở tệ (thực ra các nhà nghiên cứu đã có dụng ý khi phát bắp dở). Khán giả được phát ngẫu nhiên một trong hai loại túi to và túi cỡ nhỏ. Ừm, lẽ dĩ nhiên nếu được hỏi thì chúng ta không dại gì mà bỏ cái thứ bắp đó vào miệng, ngay cả khi chúng miễn phí. Thế nhưng nhóm khán giả được phát bắp đã ăn chúng một cách…vô thức, và số người được phát túi to ăn nhiều hơn 53% so với người được phát túi nhỏ!
![](https://sabia.vn/wp-content/uploads/2023/09/Sabia-sticker-vui-14-1024x496.webp)
Nghĩa là, khán giả, mặc dù nhận ra rằng món bắp rang bơ chẳng ngon nghẻ gì, nhưng họ đã thực sự vừa ăn vừa xem phim, và những người ăn túi to thò tay vào lấy bắp nhiều hơn so với túi nhỏ là 21 lần. Những người nhận túi bắp to cảm thấy bắp ngon hơn chăng? Không hề! Đó bởi vì họ đã ĂN THEO QUÁN TÍNH. Những chiếc túi to đã khiến chúng ta ăn nhiều hơn, và mải mê xem phim làm ta quên béng mất vị dở tệ của những túi bắp.
Nếu bạn chuẩn bị xem phim mà bóc một gói bánh quy với ý định chỉ ăn vài cái, BÙM – bạn tiêu rồi! Bạn sẽ ngốn ít nhất là nửa bịch bánh quy, bởi chắc chắn rằng chúng ta sẽ vừa xem vừa vô thức bỏ bánh quy vào miệng.
Vậy tất cả những điều này có nghĩa là gì?
Đừng cố gắng ăn ít hơn, hãy tạo ra hoàn cảnh khiến bạn ăn ít hơn
Một thói quen thường thấy trong các bữa cơm là miệng nhai mắt nhìn điện thoại, còn tay cứ múc hết muỗng này sang muỗng khác. Một bối cảnh khác là nhiều người vừa ăn vừa làm việc, gọi điện thoại… Bất kể là lượng thức ăn nhiều đến đâu, nếu chúng ta không tập trung vào việc ăn, chúng ta sẽ không nhận được tín hiệu dạ dày đã no, và ăn hết những thứ có trên bàn.
Vậy mẹo là lần tới, hãy tập trung thật kỹ vào chuyện ăn. Nhai thật kỹ và ăn thật chậm, như vậy ta sẽ có cảm giác là mình đang ăn nhiều thứ từ đó sẽ dễ no hơn.
Chắc là bạn đã nghe qua mẹo này: đựng thức ăn trong các đĩa nhỏ sẽ giúp chúng ta ăn ít hơn. Cùng một lượng thức ăn, nếu đựng vào đĩa lớn, ta sẽ có cảm giác thức ăn quá ít và muốn múc thêm/ ăn chưa no. Nhưng nếu đựng vào đĩa nhỏ, tô chén nhỏ, ta cảm giác lượng này nhiều hơn và như vậy là đủ. Đây là vấn đề của cảm giác chứ không phải số lượng thực sự của thức ăn.
Bạn thấy đấy, các khán giả trong thí nghiệm bắp rang bơ hẳn không ăn bắp vì nó ngon, hay vì họ đang thèm, mà đơn giản vì họ đang cầm trên tay một túi bắp ú ụ. Với cách thức tương tự, đồ ăn nhanh bày sẵn trong tủ lạnh được xem như là yếu tố kích hoạt cho hành vi ăn vặt xảy ra. Bạn đang thèm bánh ngọt và chà, trong tủ có sẵn bánh ngọt đấy, chén thôi!
Nếu để được ăn bánh ngọt mà phải chạy ra cửa hàng tiện lợi, đặt Grab các kiểu, thì hành động đó sẽ ít có phương tiện để xảy ra hơn. Điều này làm tôi nhớ đến các bà mẹ cấm con ăn vặt nhưng lại tích trữ một mớ bánh kẹo trong nhà, rồi mỗi khi chúng khóc lại hối lộ cho chúng một cái. Chúng ta thường đối xử như vậy với bản thân mình: xem các món này như phần thưởng và tự thưởng cho mình luôn luôn, viện cớ rằng làm việc căng thẳng mệt mỏi quá.
Thực ra là do đã có sẵn đồ ăn, nên chúng ta luôn tìm cái cớ đúng đắn để được tiêu thụ chúng mà thôi.
Ví dụ bạn thích chocolate sữa, nhưng ăn nhiều quả thật không tốt, vậy hãy thay bằng chocolate đen hoặc loại rẻ tiền ngọt đến phát sốt ở tạp hóa gần nhà. Đừng mua cánh gà chiên ở quán ruột ngon xuất sắc nữa, hãy mua ở quán tào lao nào đó. Hệ quả là bạn sẽ có những trải nghiệm “í ẹ” những món bạn vốn yêu thích, từ đó bạn sẽ hơi e dè khi nghĩ đến chúng. Tôi biết điều này nghe có vẻ như là “mưu hèn kế bẩn” với bản thân, nhưng biết sao được, những thứ cho vào miệng bạn hôm nay sẽ tác động đến cơ thể, sức khỏe của bạn ngày mai.
“A moment on the lips, a lifetime on the hips”
(Một khoảnh khắc ở trên môi, đọng lại mãi mãi ở vùng eo)
Câu ngạn ngữ này có vẻ cường điệu, nhưng tôi nghĩ chúng ta chính là những gì chúng ta ăn. “Một khoảnh khắc thơm ngon” sẽ là trải nghiệm ta muốn lặp lại, từ ăn một bữa đến thành thói quen, và chính sự tích tụ đó làm cân nặng của ta nhích từ từ. Cho đến khi ta muốn giảm cân, thực sự quá khó vì tụi mỡ thừa còn săn chắc hơn cả cơ bắp đã tập luyện của ta.
Hy vọng bạn có đủ động lực và phương tiện để bắt đầu thay đổi ngay hôm nay!
![Sabia Tài liệu tham khảo](https://sabia.vn/wp-content/uploads/2023/07/Sabia-tai-lieu-tham-khao-1024x601.webp)
Bài viết tham khảo các nguồn tài liệu:
1. Thí nghiệm bắp rang bơ được trích dẫn từ cuốn sách THAY ĐỔI, tác giả Chip Heath & Dan Heath.
(*) Bài viết (bao gồm nội dung và hình ảnh) thuộc sở hữu của Sabia.vn, mọi sao chép vui lòng dẫn link bài viết và ghi rõ nguồn Sabia.vn.