Một căn nhà có ô cửa sổ vỡ sẽ gợi nên cảm giác không được ai chăm sóc, không có chủ sở hữu, và vì thế, khả năng tụi trẻ con nghịch ngợm sẽ ném vỡ các ô cửa sổ còn lại. Đây là một ví dụ minh họa cho luận điểm yếu tố ngoại cảnh tác động đến hành vi trong tâm lý học. Điều này có đúng không và nó có ý nghĩa gì với cuộc sống cá nhân chúng ta?

Thuyết “Cửa sổ vỡ” được nhắc đến trong cuốn sách “Điểm bùng phát” (Malcolm Gladwell) xuất phát từ nghiên cứu của các nhà tâm lý học tội phạm. Nhưng mà trước hết hãy cùng nhau xem xét câu chuyện có thật: chiến dịch dẹp loạn tội phạm tại thành phố New York của hai viên cảnh sát mới nhận chức, trích từ cuốn sách này nhé.
Thuyết “Cửa sổ vỡ”: Tác nhân nhỏ bé làm thay đổi thái độ và hành vi
Tình huống mở đầu
Từ năm 1960-1990, tỉ lệ tội phạm diễn ra ở hệ thống xe điện ngầm ở New York rất cao mặc dù lúc đó New York đã là một thành phố phát triển bậc nhất thế giới. Hai cảnh sát mới nhận chức đã tập trung làm 2 việc để đẩy lùi vấn nạn này.
Thuyết “cửa sổ vỡ”: Môi trường kích hoạt các hành vi xấu
Malcolm Gladwell, tác giả cuốn sách trích dẫn tình huống trên cho rằng, có một nhân tố khác khiến tỉ lệ tội phạm giảm nhanh, mạnh như vậy. Đó là sự thay đổi của môi trường ở ga xe điện ngầm, do việc xóa hình vẽ bậy và kiểm soát vé chặt chẽ hơn mang lại.
Thuyết “Cửa sổ vỡ” và sự phát triển của mỗi cá nhân
- Ảnh hưởng của không gian môi trường vật lý
- Ảnh hưởng của không gian môi trường ảo
- Vì sao cửa sổ vỡ dễ tác động hơn là “cửa sổ nguyên vẹn”?
Tình huống mở đầu
Từ năm 1960-1990, tỉ lệ tội phạm diễn ra ở hệ thống xe điện ngầm ở New York rất cao mặc dù lúc đó New York đã là một thành phố phát triển bậc nhất thế giới.
Tình trạng các ga xe điện ngầm ở đây được mô tả là ánh sáng lờ mờ, các bức tường thì ẩm ướt, các toa xe thì kém sạch sẽ, chằng chịt vết sơn vẽ. Cùng với các dạng tội phạm phổ biến như trộm cắp, móc túi, bạo lực, thì nạn đi lậu vé cũng khá phổ biến.
Hai thanh tra cảnh sát được phái đến để làm nhiệm vụ “dẹp loạn”, nhằm giảm tỉ lệ tội phạm đang ở mức báo động ở các ga xe điện ngầm. Họ đã làm gì? Thay vì tập trung lực lượng để trấn áp tội phạm nhằm thể hiện sự răn đe với tội phạm, họ tập trung làm 2 việc: Làm sạch các vết sơn bẩn và đẩy lùi nạn đi lậu vé.
Làm sao để đẩy lùi tình trạng tội phạm đang ngày càng gia tăng?
1. Làm sạch vết sơn
Để vẽ bậy lên tường, các “họa sĩ bất hảo” sẽ mất 3 ngày, bao gồm sơn trắng chỗ cần vẽ và sau đó vẽ đè lên. Các cảnh sát chờ đến ngày thứ 3 khi bức vẽ hoàn thiện, họ sẽ tới xóa sạch trước khi bình minh ló dạng. Điều này gây ra một cảm xúc vô cùng đau khổ cho các tác giả bức tranh: họ mất công mất sức như vậy nhưng khi chưa ai kịp chiêm ngưỡng tác phẩm, nó đã bị xóa sổ một cách không thương tiếc. Họ đành từ bỏ. Các nhà ga trở nên sạch sẽ hơn, không còn những bức họa chằng chịt vết sơn nữa.
2. Phạt triệt để nạn lậu vé
Đi lậu vé có vẻ như không phải là một việc gì ghê gớm, theo các nhà chức trách. Người đi lậu vé cũng bị phạt khá nhẹ, cho nên một bên không thèm bắt giữ, một bên lại càng thích đi lậu. Song thanh tra cảnh sát mới đã tập trung ở các cổng soát vé và triệt để bắt giữ những ai không có vé. Người bị bắt không chỉ phải kê khai thông tin đầy đủ, mà còn bị khám xét tư trang. Nhiều kẻ đi lậu vé bị phát hiện là cất giữ vũ khí, và có tiền án phạm tội hoặc đang bị truy nã vì tội danh trước đó. Quả là một hình phạt đáng sợ, vì vậy nạn đi lậu vé giảm hẳn.
Từ hai sự cải thiện này, tỉ lệ tội phạm ở các ga xe điện ngầm bỗng giảm đáng kể chỉ trong vòng 5 năm. Điều gì đã xảy ra? Có phải kẻ xấu đã bị bắt hết, hay tình hình kinh tế thay đổi khiến tỉ lệ tội phạm giảm?
Thuyết “cửa sổ vỡ”: Môi trường kích hoạt các hành vi xấu
Malcolm Gladwell, tác giả cuốn sách trích dẫn tình huống trên cho rằng, có một nhân tố khác khiến tỉ lệ tội phạm giảm nhanh, mạnh như vậy. Đó là sự thay đổi của môi trường ở ga xe điện ngầm, do việc xóa hình vẽ bậy và kiểm soát vé chặt chẽ hơn mang lại.
“Nhân tố khác” ấy, là “Thuyết cửa sổ vỡ”. Lý thuyết này do hai nhà tội phạm học James Q. Willson và George Kelling đưa ra vào năm 1982, dựa trên một thí nghiệm táo bạo của nhà tâm lý học Philip Zimbardo (Đại học Stanford).

Thí nghiệm 2 chiếc ô tô hỏng
Click để xem chi tiết
Số phận của 2 chiếc tô tô hỏng
Vào năm 1969, nhà tâm lý học Philip Zimbardo đã tiến hành một cuộc thử nghiệm với hai chiếc ô tô hỏng, không có biển số. Ông để hai chiếc xe này ở hai khu vực khác nhau: một khu dân cư có thu nhập thấp và khu dân cư giàu có. Chỉ trong 1 ngày, chiếc xe ở khu nhà nghèo bị đập vỡ cửa kính và trộm hết phụ tùng. Chiếc còn lại ở khu nhà giàu vẫn nguyên vẹn trong vòng 1 tuần liền. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên: chúng ta ai cũng đoán trước được kết quả.
Chuyện thú vị bắt đầu xảy ra khi Zimbardo dùng búa tạ đập chiếc xe ở khu nhà giàu. Một số người đã hùa theo đập phá chiếc xe. Đa số kẻ phá hoại ở cả hai khu vực được mô tả là “ăn mặc lịch sự, mặt mũi sáng sủa”.
Từ thí nghiệm này (và có lẽ là nhiều nghiên cứu khác), hai nhà tội phạm học cho rằng tội phạm là hệ quả đương nhiên của môi trường mất trật tự, vô tổ chức. Nếu một chiếc cửa sổ bị phá hỏng không được sửa chữa, những người đi ngang qua sẽ cho rằng ngôi nhà đó không được ai bảo quản, không ai chịu trách nhiệm. Nhận thức này sẽ nhen nhóm làm bùng phát các hành động phá hoại liên quan. Dần dần, các cửa sổ khác cũng sẽ bị đập vỡ.
Quay trở lại tình huống dẹp loạn ở xe điện ngầm, việc vẽ bậy và nạn trốn lậu vé là những chiếc cửa sổ vỡ đầu tiên. Chính hiện trạng này tạo nên một môi trường nuôi dưỡng các hành vi tội phạm, vì kẻ phạm tội cho rằng sự hỗn loạn đó cho thấy sự mất an ninh trật tự, cảnh sát không siết chặt luật pháp, từ đó dễ nảy sinh các hành vi phạm pháp.
Thuyết “Cửa sổ vỡ” và sự phát triển của mỗi cá nhân
Thuyết “Cửa sổ vỡ” cho thấy môi trường xung quanh ảnh hưởng lên hành vi, thái độ, cảm xúc của chúng ta như thế nào.
Như một chiếc cửa sổ vỡ khiến người ta liên tưởng đến sự mất trật tự rồi phá hoại, ta có thể liên tưởng hiện tượng này với tác động tiêu cực của môi trường sống lên hành vi của bản thân và những người xung quanh.
Nhưng ở đây tôi muốn chúng ta mở rộng một chút khái niệm “môi trường sống”: đó không chỉ là không gian vật lý xung quanh bạn, mà còn là không gian ảo – những luồng thông tin/hình ảnh bạn tiếp xúc hàng ngày. Một vài ô cửa sổ vỡ từ môi trường này cũng có thể là một tác nhân quan trọng gây ra một loạt các hành vi bất lợi về sau.
1. Ảnh hưởng của không gian môi trường vật lý
Hãy lưu ý các yếu tố đất, nước, không khí, ánh sáng, nhiệt độ, con người nơi bạn đang sống/làm việc. Một vài yếu tố tưởng chừng như vặt vãnh nhưng lại là một ô “cửa sổ vỡ” kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Tôi là dân ở trọ chuyên nghiệp nên có thể nói cũng trải nghiệm kha khá các loại phòng trọ khác nhau. Sau nhiều năm ở trọ, tôi nhận thấy rằng ở những phòng trọ chật hẹp, thiếu ánh sáng, tôi thường dễ buồn ngủ và suy nghĩ tiêu cực hơn. Vì buồn ngủ nên tôi hay thích nằm dài trên giường ôm máy tính, lười vận động. Tôi thích ăn đồ ăn mua ở tiệm, thức ăn vặt, sống thiếu lành mạnh và vô cùng bảo thủ với lối sống của mình.
Cho đến khi tôi chuyển qua phòng trọ có không gian mở, nhiều nắng hơn, tôi bỗng nhiên có động lực ra ngoài nhiều hơn. Vào buổi sáng, tôi khó ngủ nướng được vì mặt trời rọi thẳng vào phòng. Căn phòng tràn ngập ánh sáng tự nhiên suốt ngày nên tôi khá tỉnh táo để học tập làm việc.
Một căn phòng thiếu sáng mặt trời có vẻ như không quá quan trọng, nhưng nếu ở trong đó một thời gian dài, tác động tiêu cực của chúng rất dễ nhận ra. Ánh nắng mặt trời giúp tăng lượng hormone serotonin, khiến ta dễ bình tĩnh, tập trung hơn và các lợi ích sức khỏe khác. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu bạn thiếu ánh nắng mặt trời quá lâu, tâm trạng sẽ trở nên uể oải thiếu sức sống mà không hiểu vì sao.
Ngày nay, các văn phòng có xu hướng được thiết kế mở, bàn làm việc san sát nhau, cửa phòng sếp sẽ luôn khép hờ để khuyến khích mọi người giao tiếp, trao đổi nhiều hơn. Tuy nhiên, với nhiều nhân viên hướng nội hay dễ bị xao nhãng bởi tiếng ồn, sự cởi mở thái quá đôi khi sẽ làm họ không cảm thấy thoải mái khi làm việc. Theo thời gian, điều này có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm lý.
Em gái tôi làm kế toán cho một công ty nọ, văn phòng bố trí theo kiểu từng phòng riêng. Phòng của em tôi có 3 người, vị trí ngồi khá sát nhau. Hai đồng nghiệp thích mở nhạc to, mở suốt ngày khiến em không thể tập trung được, trở nên áp lực và mệt mỏi. Từ việc bị làm phiền bởi tiếng ồn, em gái tôi trở nên khép kín hơn với các đồng nghiệp khác và cảm giác phòng thủ gia tăng mỗi khi làm việc. Chỉ sau khi trao đổi (khá nhiều lần) với hai người kia, mọi chuyện mới được thu xếp ổn thỏa và em trở nên nhẹ nhõm hơn khi đi làm.
Ngược lại, các văn phòng quá khép kín, mọi người khó khăn khi trao đổi với nhau sẽ chuyển sang giao tiếp qua văn bản, tin nhắn, từ đó có thể gây mệt mỏi hoặc những hiểu lầm không đáng có.
2. Ảnh hưởng của không gian môi trường ảo
Hồi trước cô bé đồng nghiệp ngồi cạnh tôi cứ than thở “không hiểu sao suốt ngày mở Facebook ra là em cứ thấy tin cướp của giết người, rồi lừa đảo, Sở Khanh, drama showbiz… chẳng có tin tức gì tích cực cả”. Tôi mới trêu nó “chắc suốt ngày mày đọc mấy cái tin đó nên Facebook nghĩ đó là sở thích của mày nên tăng cường hiển thị trên newfeed, hợp ý mày quá rồi gì nữa”. Thì chắc chắn cô bé có click vào một vài cái link, rồi dính chưởng nguyên chùm tin tức tiêu cực.
Tin tức tiêu cực là một dạng “cửa sổ vỡ” trên không gian môi trường ảo. Đây là một môi trường quan trọng không kém môi trường vật lý, vì hầu hết chúng ta đang dành nhiều thời gian tiếp xúc với nó. Vì vậy hãy cẩn thận với những gì bạn đọc, xem, những trang web bạn thường truy cập và những hình ảnh, quảng cáo thường xuất hiện trước mặt bạn.
Có thể bạn không để ý, nhưng các loại tín hiệu này sẽ len lỏi vào tiềm thức, chi phối đến suy nghĩ, hành vi ứng xử của chúng ta. Ví dụ như một màn hình với quá nhiều ứng dụng mạng xã hội đang mở, với thông báo tin nhắn tới liên tục sẽ tạo ra một môi trường đầy sự xao nhãng. Nó khiến bạn mất tập trung và nhanh chóng cạn kiệt sự chú ý.
(Chiếc cửa sổ vỡ cũng là một dạng yếu tố “kích hoạt” và “truyền động lực”, nếu phân tích hành vi dựa trên mô hình hành vi BMAT).
3. Vì sao cửa sổ vỡ dễ tác động hơn là “cửa sổ nguyên vẹn”?
Sự thật thì nhiễm thói hư tật xấu thì dễ, còn rèn luyện thói quen tốt khó hơn nhiều bởi nó đòi hỏi nghị lực nhất định ở mỗi người.
Não bộ chúng ta được thiết kế để luôn chú ý đến những tín hiệu nguy hiểm, xấu xa ở xung quanh, có xu hướng nghĩ tiêu cực về mọi việc như một cơ chế phòng thủ. Vì vậy khi bước vào một căn phòng sạch sẽ, một đôi tất vứt chỏng chơ trên bàn ngay lập tức sẽ gây sự chú ý, thay vì ngược lại (bước vào căn phòng vốn đã lộn xộn thì một sự sắp xếp gọn gàng nào đó cũng khó mà cứu vãn bối cảnh chung). Cửa sổ vỡ kiểu này có mặt ở khắp mọi nơi, và nếu ta sơ hở, chúng sẽ vô thức điều khiển cách ứng xử của ta ngay tại thời điểm đó.
Tài liệu tham khảo:

Bài viết tham khảo các nguồn tài liệu:
1. Sách “Điểm bùng phát”, tác giả Malcom Gladwell
2. www.studysmarter.co.uk
3. www.takingcharge.csh.umn.edu
(*) Bài viết (bao gồm nội dung và hình ảnh) thuộc sở hữu của Sabia.vn, mọi sao chép vui lòng dẫn link bài viết và ghi rõ nguồn Sabia.vn.