Đôi lúc bạn phát điên với sự ấu trĩ của người khác, cũng có khi suy nghĩ của bạn khiến người đối diện mất lòng. Đó là chưa kể hàng tá thứ diễn ra trong đầu bạn mỗi ngày như: “Các KOLs Tiktok thì toàn là lũ thích uốn éo nhảy múa, ăn hên mới được nổi tiếng. Tôi lười biếng nên tôi không thể giỏi được như bạn. Người ta đối xử tệ với mình vì mình đáng bị như vậy. Nếu tôi có nhiều tiền thì tôi đã khởi nghiệp rồi”…
Đây là những suy nghĩ KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ, bởi vì chúng không giúp bạn trở nên tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, mà ngược lại, có thể phá hủy cuộc sống của bạn. Tại sao những suy nghĩ không có cơ sở chắc chắn, không có bằng chứng rõ ràng, không dựa trên một sự tìm tòi sâu sắc – vẫn tồn tại và làm động lực duy trì thói quen của chúng ta?
Vì sao chúng ta nghĩ những điều mình đang nghĩ? Để thay đổi được các suy nghĩ của mình, chúng ta cần biết chúng đến từ đâu và vì sao chúng lại bám rễ trong đầu ta lâu đến như vậy.
Cùng nhau bắt đầu nào.
Câu chuyện mở đầu
Ý tưởng về bài viết này xuất hiện khi tôi đọc những đoạn mở đầu c ủa cuốn sách “Dám bị ghét” (tác giả Kishimi Ichiro, Koga Fumitake).
![](https://sabia.vn/wp-content/uploads/2023/06/Sabia-sticker-Qua-Xanh-1-1024x888.png)
Một chàng thanh niên đến gặp triết gia và than vãn rằng anh ta cảm thấy chán ghét bản thân, tự cảm thấy bản thân bất tài, ốm yếu, khó ưa, không xứng đáng có bạn bè hay người yêu.
– Vị triết gia bỗng nói “vì sao cậu lại nghĩ như vậy?”
– Anh chàng: tôi tự nhận thấy bản thân mình như vậy.
– Triết gia: Cậu suy nghĩ như vậy vì nó giúp cậu cảm thấy thoải mái. Cậu không cần phải thay đổi để trở nên tốt hơn, khỏe mạnh hơn, đáng yêu hơn. Với suy nghĩ chán ghét bản thân, cậu đơn giản là duy trì lối sống hiện tại để củng cố cho điều đó. Và việc đó dễ hơn nhiều là lựa chọn cách nghĩ khác về bản thân và đứng lên hành động, nỗ lực hết mình.
Câu trả lời của vị triết gia dẫn tôi đến một câu hỏi lớn “vì sao chúng ta nghĩ những điều thổ tả về bản thân và những người xung quanh, mà vẫn kiên trì không dứt bỏ được trong thời gian dài?” Thì đúng là ở góc độ tâm lý học, có một số câu trả lời hợp lý cho chủ đề này.
Vì sao chúng ta nghĩ điều chúng ta nghĩ
Bạn và tôi giữ những suy nghĩ không mấy hay ho như chàng thanh niên vì đó là những suy nghĩ “CÓ LỢI”. Ở góc độ nào đó, chúng đã giúp ta một vài điều, khiến chúng ta cảm thấy “ỔN” với chúng, và giữ lại chúng, dù theo thời gian, chúng đang dần dần phá hủy chất lượng sống của chúng ta.
1. Tác động của môi trường bên ngoài
1.1. Tác động của xã hội và văn hóa
Một số kiểu suy nghĩ tiêu cực và định kiến được hình thành do tác động của xã hội và văn hóa. Và nếu một người muốn được chấp nhận, họ sẽ cố gắng hòa nhập với giá trị và quan điểm của xã hội đó, kể cả đôi lúc họ thấy điều đó không đúng.
Ví dụ, nếu bạn lớn lên ở một môi trường mà mọi người xung quanh đều coi trọng tiền tài vật chất, bạn sẽ vô thức cho rằng chỉ có tiền bạc mới đem lại hạnh phúc cho bản thân, chỉ có tiền bạc mới được tín nhiệm.
1.2. Tăng khả năng thích nghi với nơi làm việc, nơi ở
Khi mới ra trường, bạn có thể là tờ giấy trắng, vô cùng thành thật với mọi người trong công ty. Sau đó bạn nhận ra rằng, sự thật thà của bạn lại là con dao hai lưỡi khiến bạn rơi vào những tình huống khó xử. Để thích nghi ở môi trường này, bạn dần hình thành suy nghĩ không nên quá thẳng thắn với người khác.
1.3. Áp lực kết nối với người khác
Khi bạn gặp mâu thuẫn với ai đó mà bạn biết rõ là mâu thuẫn này điều không nên, bạn bắt đầu phát triển một số suy nghĩ nhằm giảm lòng thù hận với người đối diện. Chẳng hạn như để giảm căng thẳng với sếp và đồng nghiệp, bạn sẽ có xu hướng nghĩ ra những lý do đồng cảm với họ, từ đó hóa giải các mâu thuẫn.
Điều đáng nói là, thay vì tập trung cải thiện kỹ năng giao tiếp và mài sắc kỹ năng để tiếng nói có trọng lượng hơn nơi công sở, chúng ta sẽ có thể trở nên phó mặc cho tất cả “muốn làm gì thì tùy”, vì suy nghĩ không muốn xung đột với người khác.
2. Kinh nghiệm cá nhân và thiếu thông tin
Những kiểu suy nghĩ không đúng đắn cũng có thể được hình thành do kinh nghiệm cá nhân và thông tin giới hạn của một người. Ví dụ, nếu một người gặp nhiều người giàu có nhưng đều có tư cách xấu, hoặc nếu họ chỉ nghe được những thông tin tiêu cực về người giàu, họ có thể dễ dàng suy nghĩ rằng tất cả người giàu đều xấu xa.
Hoặc một suy nghĩ phổ biến về bệnh ung thư là “ung thư là án tử”, hình thành do sự thiếu thông tin đầy đủ về căn bệnh này. Sự thật là nếu được phá hiện sớm ở giai đoạn đầu, hầu hết các bệnh ung thư đều có thể được chữa trị.
3. Giúp che đậy cảm xúc thật
Những cảm xúc như sự tức giận, ghen tỵ, nhỏ nhen vốn không được thừa nhận hay khuyến khích trong nhiều bối cảnh. Để hóa giải cảm xúc này, chúng ta bắt đầu có những suy nghĩ như:
- “Cô ta hẳn là có đại gia bao nuôi mới giàu vậy” – thực ra là “mình thật ghen tỵ với cô ta”.
- “Sếp keo kiệt nên không tăng lương cho mình” – thực ra là “mình rất khó chịu khi không được tăng lương, nhưng cũng không dám hỏi thẳng sếp xem vì sao lại như vậy”.
- “Người làm nghề bất động sản chỉ được cái miệng thôi…” – thực ra là “công việc của mình quá vất vả mà chẳng dư dả gì, trong khi làm sale bất động sản nhàn hạ lại nhiều tiền”.
Dần dần chúng ta trở nên lừa dối bản thân, vì đã không nhìn nhận đúng những gì mình cảm nhận..
4. Đối mặt với sự thật có thể gây đau đớn
Khi chúng ta đối mặt với một sự thật khó chịu hoặc không mong muốn, chúng ta có thể nghĩ đều rằng “Điều đó không quan trọng” hoặc “Tôi không quan tâm đến điều đó”. Điều này giúp chúng ta tránh đối mặt với sự thật và cảm thấy thoải mái hơn trong ngắn hạn.
Ví dụ: Khi tình cờ nhìn thấy người yêu cũ tay trong tay với người yêu mới, trái tim của nhiều người cảm thấy nhói đau. Để giảm cảm giác thất tình đang hành hạ, chúng ta có thể nghĩ “thực ra anh ta chẳng đáng để yêu, mình không cần tình yêu để sống, mình là người lý trí và mạnh mẽ – nhất định sẽ vượt qua”. Để rồi nhiều năm sau đó nỗi đau cứ lợn cợn trong lòng bạn mà không hiểu tại sao.
5. Suy nghĩ đã từng hữu ích khi đối phó với hoàn cảnh bất lợi
Những suy nghĩ được đề cập trong bài viết này là những suy nghĩ vô ích, có hại cho hành động, cảm xúc của bạn. Tuy nhiên, không nên bỏ qua trường hợp chúng đã từng giúp chúng ta giải quyết vấn đề như thế nào. Dựa vào kinh nghiệm cá nhân hoặc sách vở, ta có thể sử dụng một lối suy nghĩ cho nhiều tình huống khác nhau. Dù theo thời gian, điều này không còn hợp thời nữa, ta vẫn giữ nguyên lối suy nghĩ cũ đó.
Một ví dụ điển hình là suy nghĩ “con khóc thì cho bú” của các bà mẹ. Khi đứa trẻ khóc, nó có thể đói, hoặc gặp các vấn đề khác. Nếu việc cho bú khiến nó nín và ngủ ngon, các bà mẹ sẽ giữ suy nghĩ “nó khóc là nó đói thôi” để đối phó với bất kỳ lúc nào đứa trẻ la khóc.
6. Giúp củng cố danh tính và cái tôi
Trong mấy bộ phim chưởng, một nhân vật ngổ ngáo sẽ thường có câu thoại ngầu lòi kiểu này “nếu hôm nay ta không giết ngươi, ta không phải là ABC”.
Khi chúng ta muốn giữ vững một phần nào đó của danh tính và cái tôi của mình, chúng ta có thể nghĩ rằng “Điều đó không phải là tôi” hoặc “Tôi không phải là như vậy”.
Tôi đã trì hoãn việc trị mụn vì cho rằng tôi là cô gái bất cần, không quan tâm đến ngoại hình. Tất nhiên sau này tôi đã hối hận vì suy nghĩ thời trẻ trâu nông nổi của mình. Nó đã không còn hợp thời với một phụ nữ ngoài 30. Chưa kể, vì nó mà mặt tôi thêm nhiều cái sẹo mụn không bao giờ chữa được.
7. Giúp ta duy trì các thói quen xấu và sự thoải mái
Tình huống anh chàng thanh niên ở đầu câu chuyện là một ví dụ. Anh ta có thể chán ghét bản thân nhưng vẫn giữ suy nghĩ đó vì nó giúp anh ta cảm thấy không cần phải cố gắng.
“Tôi không thể nào dậy sớm. Vận động khiến tôi bị đau đầu. Uống bò húc giúp tôi làm việc năng suất hơn…” Bạn nghe quen chứ? Hùa theo thói xấu thì bao giờ cũng dễ hơn là thay đổi để lựa chọn những điều xứng đáng hơn với bản thân mình.
8. “Tự trấn an” giúp tự chủ và tạo ra ảo giác về giải quyết vấn đề
Bộ phim “3 chàng ngốc” có một câu thoại nổi tiếng “Đặt tay lên ngực và nói mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”. Một thời gian dài tôi rất thích kiểu tự động viên này, nhưng rồi tôi nhận ra có điều gì đó sai.
Tôi thường lo lắng trước mỗi buổi thuyết trình, và thay vì tập các bài tập như nói trước gương, diễn tập trước những gì cần nói, tôi chỉ chuẩn bị slide và tự nhủ “không sao, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”. Tôi nhầm lẫn rằng sự lo lắng bắt nguồn từ cảm xúc, mà không nhận ra rằng sự lo lắng xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng làm việc gì đó.
Đây là kiểu suy nghĩ nghe qua có vẻ hợp lý nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự tiến bộ cá nhân. Lo lắng là một cảm xúc tốt nếu nhờ nó chúng ta trở nên cẩn trọng hơn, chăm chỉ hơn, nỗ lực hơn để đối phó với tình huống. Nếu mọi tình huống có thể được giải quyết bằng cách tự trấn an, chúng ta sẽ không cần phải rèn luyện các kỹ năng, học thêm kiến thức mới nữa.
9. Bài học từ thuở ấu thơ
Những suy nghĩ từng hiệu quả khi còn nhỏ đôi khi được giữ lại cho đến tuổi trưởng thành, thậm chí về già. Theo năm tháng, họ không thấy niềm tin của mình sai lệch, cách nghĩ hồi nhỏ vẫn đúng cho đến hiện tại. Đó là lý do tại sao ta cảm nhận một số người mãi không chịu lớn.
Trong bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” kinh điển, nhân vật Thanh – người con trai đã đổ lỗi cho mẹ mình khi lấy phải Diệp, cô con dâu “trời đánh”. Anh ta cho rằng cuộc hôn nhân cũ đổ vỡ và người vợ mới ăn chơi là lỗi của bố mẹ. Cho rằng bố mẹ phải chịu trách nhiệm cho khó khăn của mình là lối suy nghĩ hình thành từ thời thơ ấu, khi bố mẹ anh ta lúc nào cũng chăm chút cho đứa con của mình.
“Chất vấn” những suy nghĩ vô ích, lỗi thời
Bây giờ bạn có thể hiểu vì sao bạn đang nghĩ những gì bạn nghĩ. Bạn có thể muốn biết dấu hiệu cho thấy bạn đang suy nghĩ vô ích, để ngăn chặn lập tức những điều không hiệu quả với bản thân.
Để thay đổi suy nghĩ của mình, bạn cũng có thể muốn bắt đầu với kỹ thuật REFRAMING.
Hoặc hãy hỏi nhanh 3 câu hỏi sau khi đang bối rối không biết có nên thay đổi một suy nghĩ/quan điểm:
1. Câu chuyện của tôi có thật không?
Kiểm tra các câu chuyện của bạn xem có tự lừa dối, tự biện minh và nhận thức sai lệch không. Để kiểm tra thì bạn phải đi tìm bằng chứng xác thực.
Ví dụ bạn nói sếp là gã keo kiệt, hãy tìm bằng chứng. Nếu tồn tại đồng thời bằng chứng cho thấy sếp là người hào phóng, vậy kết luận của bạn cũng không xác thực lắm đâu.
2. Suy nghĩ của tôi có tử tế không
Suy nghĩ của bạn có mang ý nghĩa tốt đẹp về người khác hay về chính bản thân mình không? Nếu bạn đã xác thực sếp của bạn là gã keo kiệt, vậy bạn có từng nghĩ vì sao sếp keo kiệt chưa và điều đó có đáng để chia sẻ với đồng nghiệp không?
Ví dụ bạn thấy rằng sếp phạt những ai lãng phí điện của công ty, sếp cắt giảm các buổi team building hàng quý. Lý do là công ty rơi vào khó khăn, và lãng phí cũng không phải là một đức tính đáng ca ngợi gì.
Chọn một câu chuyện vừa chân thực vừa giúp bạn sống theo giá trị của mình. Nói chung, lòng tốt khiến bạn cảm thấy hạnh phúc và yên bình hơn, mặc dù chắc chắn có những lúc bạn phải thiết lập ranh giới trong giao tiếp để mọi chuyện không đi quá xa.
3. Suy nghĩ của tôi có cho tôi sức mạnh để hành động không?
Tôi cho rằng đây là một câu hỏi quan trọng nhưng không mấy ai hỏi bản thân. Kể cả khi đó là suy nghĩ tích cực, nó phải đem đến cho bạn một động lực hành động nào đó. Chỉ có hành động mới tạo ra kết quả.
Đặt câu hỏi “Tôi có thể kiểm soát được điều gì? Làm thế nào tôi có thể thay đổi tình hình hoặc hạn chế rủi ro?” có xu hướng cung cấp cho chúng ta nhiều sức mạnh hành động hơn.
Tóm lại cái bài dài thòng
Như bạn thấy, và cũng hy vọng bạn nhận ra, tất cả những suy nghĩ mà chúng ta đang nghĩ đều giúp chúng ta THOẢI MÁI, hoặc có thể gây đau khổ nhưng vẫn là duy trì sự đau khổ một cách thoải mái. Bởi vì nếu bạn đau đớn đủ nhiều, bạn sẽ phải thay đổi. Bạn sẽ nói “tôi không thể chịu đựng thêm được nữa”, và như một con ếch bị luộc trong nồi nước sôi, bạn sẽ phải nhảy ra ngoài.
Tôi không phải là tín đồ Phật giáo, nhưng có một từ mà tôi học được rất nhiều của nhà Phật đó là “buông bỏ”. Để có chỗ cho những hạt mầm xanh tốt nảy nở, ta phải bỏ đi rất nhiều cỏ dại, dù trông chúng có vẻ là một cái cây hữu ích nào đó. Mà để buông bỏ, trước hết ta phải nhận ra vì sao chúng tồn tại và không còn hữu ích nữa.
Nếu bạn không thay đổi suy nghĩ thì sao? Bài viết này phân tích tại sao suy nghĩ quan trọng đến vậy và nó đang làm gì để hủy hoại cuộc sống của chúng ta.
Chúc bạn và tôi ngày càng có một tâm trí lành mạnh, sạch sẽ!
Tóm tắt bài viết:
Vì sao chúng ta nghĩ điều chúng ta nghĩ
- Tác động của môi trường bên ngoài
- Kinh nghiệm cá nhân và thiếu thông tin
- Giúp che đậy cảm xúc thật
- Đối mặt với sự thật có thể gây đau đớn
- Suy nghĩ đã từng hữu ích khi đối phó với hoàn cảnh bất lợi
- Giúp củng cố danh tính và cái tôi
- Giúp ta duy trì các thói quen xấu và sự thoải mái
- “Tự trấn an” giúp tự chủ và tạo ra ảo giác về giải quyết vấn đề
- Bài học từ thuở ấu thơ
“Chất vấn” những suy nghĩ vô ích, lỗi thời
- Câu chuyện của tôi có thật không?
- Suy nghĩ của tôi có tử tế không
- Suy nghĩ của tôi có cho tôi sức mạnh để hành động không?
- https://www.goodtherapy.org/blog/good-to-know-why-we-think-the-way-we-think-0908155
- Cuốn sách “Dám bị ghét”, tác giả Kishimi Ichiro, Koga Fumitake.