Vì sao một hành vi xảy ra? Lời giải thích hợp lý ở mô hình hành vi B=MAT

Vì sao một hành vi xảy ra? Lời giải thích hợp lý ở mô hình hành vi B=MAT

Nếu đang cố gắng tạo dựng một thói quen mãi mà không được, như tập thể dục hàng ngày, hoặc từ bỏ thói quen xấu như lướt mạng xã hội, bạn có thể thử áp dụng mô hình hành vi này để thay đổi.

B=MAT là mô hình hành vi giải thích vì sao một hành vi xảy ra, từ đó cho chúng ta những gợi ý để giải quyết các vấn đề về thay đổi hành vi của chính mình. Để bắt đầu, hãy theo dõi một tình huống phổ biến mà ai cũng gặp phải hàng ngày.

Tình huống mở đầu

Tình huống được mô tả lại dựa trên tình huống tương tự mà giáo sư BJ Fogg chia sẻ trong một video phỏng vấn trên Youtube.

Bạn đang “tám” điện thoại rôm rả với đứa bạn thân. Trước đó 1 phút, bạn chưa từng nghĩ đến việc gọi điện thoại cho nó. Bỗng Zalo call thông báo cuộc gọi đến từ đứa bạn. Bạn bắt máy và cuộc trò chuyện bắt đầu. Bây giờ hãy tưởng tượng, cũng là cuộc gọi đó nhưng bạn không bắt máy. Vì sao bạn không bắt máy?

Câu trả lời phổ biến mà mọi người thường đưa ra là: bận việc, điện thoại lúc đó sắp hết pin, không nghe thấy chuông, không thích nghe (có lẽ bạn đang giận bạn thân).

Nhà tâm lý học hành vi BJ Fogg đã phân loại các yếu tố này thành ba nhóm tác nhân để một hành vi xảy ra, gọi là mô hình hành vi B=MAT.

Giới thiệu mô hình hành vi B=MAT

Mô hình B=MAT được phát triển vào năm 2007 bởi BJ Fogg, Giáo sư Khoa học Hành vi và Giám đốc Phòng thí nghiệm Thiết kế Hành vi Stanford tại Đại học Stanford. Mô hình B=MAT phân tích các yếu tố cần và đủ để một hành vi xảy ra. Bằng cách hiểu tại sao hoặc làm thế nào hành vi có thể xảy ra, chúng ta có thể tác động vào các tác nhân này để khởi phát hay kìm hãm một hành vi nào đó.

Ý nghĩa các chữ cái trong mô hình hành vi B=MAT. Thiết kế: Sabia.vn

Như vậy, để một hành vi xảy ra, người thực hiện cần có đủ động lực, khả năng và có những yếu tố kích hoạt phù hợp.

1. 3 yếu tố của động lực

Joker có một câu nói kinh điển “Tao làm thế vì tao thích thế”. Còn chúng ta thường phủi tay “không có cảm hứng làm việc” chính là nói đến động lực thực hiện hành vi. Giáo sư BJ Fogg chia động lực thành ba nhóm nhỏ hơn như sau:

1.1. Cảm giác – Sự thỏa mãn/Nỗi đau

Cảm giác – đây là một loại động lực rất mang tính bản năng nhiều hơn, nó liên quan đến những nhu cầu sinh tồn cơ bản như đói, khát, ham muốn tình dục, đau đớn và các phản ứng nội tại khác.

1.2. Sự kỳ vọng

Sự kỳ vọng ngụ ý những suy tưởng của chúng ta về tình huống trong tương lai, được phân thành hai nhóm là nỗi sợ hãi hoặc niềm hy vọng. Sự sợ hãi liên quan đến việc mất mát, chẳng hạn như mất đi sự khỏe mạnh, trí tuệ, nhan sắc, tiền bạc. Hy vọng là một cảm giác tích cực liên quan đến khả năng có điều gì đó tốt xảy ra, ví dụ như mua được một ngôi nhà, lập gia đình với người mình có tình cảm.

1.3. Được thuộc về nhóm nào đó

Nói một cách dễ hiểu hơn là sự chấp nhận hay chối bỏ của xã hội. Tổ tiên chúng ta sống theo bầy đàn, cho đến nay, nhu cầu thuộc về cộng đồng nào đó vẫn tồn tại trong chúng ta. Vì động lực nhóm này, một hành vi có thể được thúc đẩy để đạt được sự chấp thuận, công nhận hoặc tránh bị từ chối từ các thành viên khác. Khi một người ở trong một nhóm nào đó, thì các hành vi vi phạm nội quy của nhóm sẽ bị loại bỏ; ngược lại hành vi củng cố lợi ích nhóm sẽ được khuyến khích.

2. 6 yếu tố của khả năng

Mặc dù có thể có nhiều động lực, chúng ta vẫn cần có khả năng thực hiện hành vi mới tại một thời điểm hoặc địa điểm cụ thể. 

Trong mô hình này, khả năng không phải là kỹ năng mà là khả năng hiện tại để thực hiện hành vi. Giáo sư BJ Fogg tin rằng việc kích hoạt một hành vi trong một thời điểm không phải là dạy mọi người cách thực hiện mà là làm cho hành vi đó dễ thực hiện hơn, và mở rộng khả năng tức thời đó.

Ví dụ dễ thấy nhất là ở các sàn thương mại điện tử. Thử nghĩ xem nếu quy trình thanh toán quá phức tạp buộc bạn phải đọc hướng dẫn thì mới thực hiện được? Khả năng cao là bạn sẽ đi mua sắm ở chỗ khác, nơi mà chỉ cần vài cú click chuột là đặt hàng thành công. 

Mô hình B=MAT chỉ ra những người khác nhau sẽ có những khả năng khác nhau: một số người sẽ có nhiều thời gian hoặc khả năng tinh thần dồi dào, những người khác thì có tiền hoặc nỗ lực thể chất. Dưới đây là 6 yếu tố của khả năng:

2.1. Thời gian

Nếu thời gian của chúng ta có hạn – nếu chúng ta đang vội hoặc bận rộn với việc khác – chúng ta ít có khả năng tham gia vào hành vi mục tiêu.

2.1. Tiền

Tương tự như thời gian, nếu thiếu tiền và chúng ta cần tiền để mua những thứ thiết yếu khác, chúng ta sẽ không mua thứ gì đó.

2.3. Nỗ lực thể chất hoặc năng lực thể chất

Nếu một hành vi tiêu tốn nhiều năng lượng thể chất, chẳng hạn như đi bộ gần 1 cây số chỉ để mua một que kem, khả năng là bạn sẽ từ bỏ. Năng lực này ở mỗi người là không giống nhau, nên phản ứng của họ với các hành vi cũng khác nhau.

2.4. Năng lực trí não (“brain cycle”)

Mặt khác, năng lực tinh thần cũng khá hợp lý nếu một người nghĩ rằng mình có làm được việc đó hay không. Ví dụ ngay từ đầu bạn cho rằng mình không thể chơi đàn thì bạn có lẽ sẽ không bao giờ tập đàn (dù trên thực tế bạn có thể làm được nếu quyết tâm).

2.5. Lệch lạc xã hội

Nếu hành vi không đúng chuẩn mực của xã hội thì để thực hiện nó đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn. Ví dụ như hành vi mặc đồ ngủ đi làm đòi hỏi ít nỗ lực, nhưng cái giá phải trả cho nó quá đắt đến nỗi nó đã không còn đơn giản nữa. Ngay cả khi bạn không có nhu cầu thuộc về nhóm nào đó, thì làm ra những việc trái với lề thói xã hội cũng không phải là việc dễ dàng.

2.6. Thói quen

Hành vi đó có phải là một phần của thói quen hoặc có thể dễ dàng được thêm vào thói quen của chúng ta không? Nếu đó là một hành vi mới hoặc một hành vi chỉ diễn ra một lần, chẳng hạn như chuyển tài khoản ngân hàng hoặc tiêm phòng cúm, thì ít có khả năng chúng ta sẽ làm điều đó hơn.

Một ví dụ dễ thấy nhất là việc đeo khẩu trang mùa Covid. Ở Việt Nam, do chúng ta đã có sẵn thói quen đeo khẩu trang khi ra đường, bây giờ việc tăng cường đeo khẩu trang không phải là một hành vi quá khó khăn. Nhưng với nhiều nước phương Tây như Mỹ, họ không có thói quen này, do đó nỗ lực để đeo khẩu trang và hình thành thói quen đeo khẩu trang phức tạp, khó khăn hơn nhiều.

3. 3 kiểu kích hoạt

Sau khi có đủ động lực và khả năng, chúng ta vẫn cần có một cú “hích” để hành vi diễn ra: đó là các yếu tố kích hoạt (triggers). 

Hãy nhớ lại tình huống gọi điện thoại ở đầu bài viết. Khi ta không nghe điện thoại bởi vì một số lý do, thì:

  • Không nghe được tiếng chuông/ không có thời gian nghe máy – đó là Khả năng
  • Không thích nghe máy – đó là Động lực
  • Và tiếng chuông điện thoại chính là yếu tố Kích hoạt.

Nếu không có tiếng chuông, dù bạn có động lực, có thời gian nói chuyện với bạn thân, bạn cũng không nhấc máy lên gọi điện thoại.

Các yếu tố kích hoạt chính là một lời nhắc nhở, một tín hiệu để gợi ý/hỗ trợ ai đó làm điều gì đó. Theo mô hình B=MAT, yếu tố “trigger” có ba loại:

3.1. Tia lửa (Spark)

Khi ai đó thiếu động lực để thực hiện một hành vi, và một điều gì đó xảy đến giúp anh ta nhanh chóng thực hiện hành vi, có thể nói rằng anh ta đã nhận được một “spark” (có thể dịch là niềm cảm hứng chăng) làm gia tăng động lực. Ví dụ như khi nhìn thấy một cô gái mảnh mai nói rằng mình ăn kiêng để có được thân hình như vậy, bạn chắc chắn sẽ chọn một bữa ăn lành mạnh cho bữa tối đó.

3.2. Người hỗ trợ

Yếu tố này giúp cho hành vi trở nên dễ dàng hơn, hoặc nâng cao khả năng của ai đó để họ thực hiện hành vi. Ví dụ như bachhoaxanh.com lưu lại thông tin người mua trên cùng trình duyệt để họ không cần phải nhập lại thông tin khi mua hàng cho lần tiếp theo. Các sàn thương mại điện tử khác cũng phát triển ứng dụng điện thoại để hỗ trợ người mua được tiện lợi hơn trong việc lưu giữ thông tin, săn khuyến mãi, cài đặt thanh toán.

3.3. Tín hiệu

Hãy nhớ lại những lần bạn đang làm việc và liên tục bị phân tâm bởi các thông báo từ Skype, Viber, Facebook, Zalo. Tất cả thông báo kiểu này đều có điểm chung là có màu đỏ hoặc cam, có hiệu ứng nhấp nháy để thu hút sự chú ý của bạn. Và không thể chịu nổi sự gây chú ý lộ liễu đó, bạn nhấp vào tất cả để mong nó không sáng nữa. Đây là một ví dụ cho kiểu tín hiệu kích hoạt hành vi mà chúng ta thường gặp.

4. Động lực và khả năng có thể hoán đổi cho nhau

Theo tôi đây chính là lời giải thích cho việc tại sao chúng ta duy trì thói quen xấu và khó làm những việc có lợi cho bản thân mình. Một hành vi xấu nhưng rất đơn giản để thực hiện, có yếu tố kích hoạt thì vẫn được duy trì dễ dàng – như việc lướt mạng xã hội chẳng hạn, dù ta không có nhiều động lực để làm nó.

Ở một câu chuyện khác, dù ít khả năng nhưng rất nhiều động lực, ta sẽ cố gắng bằng mọi cách để thực hiện hành vi đó. Ví dụ như du lịch vòng quanh thế giới vì đam mê (dù năng lực tài chính có hạn), công việc khiến bạn kiệt sức nhưng nghĩ đến phần thưởng nào đó lại cho bạn thêm sức mạnh.

Tóm lại cái bài dài thòng

Sau khi bạn đã nắm được các yếu tố trong mô hình này, hãy thử suy nghĩ đến một hành vi mà bạn muốn từ bỏ (như lướt TikTok) và một hành vi mà bạn muốn duy trì (ví dụ tập thể dục 10 phút mỗi ngày), để xem có thể thay đổi nó theo hướng bạn muốn không nhé.

Vì bài này đã dài, nên việc ứng dụng mô hình B=MAT tôi sẽ đề cập trong một bài viết khác theo cách hiểu của mình. Với những ai muốn tìm hiểu sâu hơn, có thể xem tài liệu gốc mà tôi đính kèm bên dưới. Và nếu có cách lý giải khác cho mô hình này, đừng ngại gửi mail cho Sabia hoặc để lại bình luận trong bài viết này nhé!

Tài liệu tham khảo:

Bài viết tham khảo các nguồn tài liệu:

(*) Bài viết (bao gồm nội dung và hình ảnh) thuộc sở hữu của Sabia.vn, mọi sao chép vui lòng dẫn link bài viết và ghi rõ nguồn Sabia.vn.

Về tác giả