Làm thế nào để thêm vùng xám vào tư duy nhị phân?

Làm thế nào để thêm vùng xám vào tư duy nhị phân?

,

Nhận thức được bạn đang sở hữu tư duy đen trắng

Hầu hết mọi người đều có tư duy nhị phân. Cách mà chúng ta được giáo dục ở trường và cách mà bố mẹ nói rằng điều gì đó đúng hoặc sai tuyệt đối đã ngấm ngầm ăn sâu vào thế giới quan của mỗi người.

Ở trường học, điểm kém là học tệ, học tệ là kém thông minh, và ngược lại. Ở trường học, các bài toán luôn có một cách giải cho sẵn, học sinh chỉ cần ghi nhớ và áp dụng. Ít khi chúng ta được khuyến khích tạo ra thứ gì đó mới so với thông thường, và thầy cô thì không đủ kiên nhẫn để chú tâm đến các ý tưởng điên rồ của học sinh. Do vậy, kiểu tư duy nhị phân sẽ giúp ta sống sót qua môi trường sách vở.

Trường đời thì phức tạp hơn thế nhiều, và mấu chốt là dù môi trường thay đổi, lối tư duy của chúng ta không dễ thích ứng theo. Trong khi ai cũng thể hiện mình là người có tư duy cởi mở, biết tiếp thu và lắng nghe, họ vẫn duy trì cách nhìn nhị phân cho rất nhiều trường hợp.

Do đó, điều đầu tiên để cải thiện tư duy nhị phân là nhận ra bạn đang sử dụng chúng. Bất kỳ lúc nào người khác nhận xét bạn đang quá cứng nhắc, nghiêm túc cho một vấn đề, có thể người ấy nói đúng. Thay vì tranh cãi xem bản thân là người thế nào, dành thời gian suy ngẫm về cách nhìn nhận của bạn sẽ có ích hơn. Bất cứ khi nào bạn đang chỉ nhìn thấy hai phương án, hai khía cạnh của một vấn đề, hãy chậm lại một nhịp để tự hỏi “liệu có màu xám nào ở giữa hai vùng đen trắng này không?”

Khi đã ý thức về kiểu tư duy của mình rồi, bạn sẽ có động lực thử một vài gợi ý dưới đây để thêm vùng xám vào tư duy đen trắng của mình.

7 cách để thêm vùng xám giữa hai vùng đen – trắng

1. Thử những điều mới

Điều này nghe có vẻ tầm thường nhưng sẽ khiến bạn bất ngờ bởi nguyên lý đằng sau nó. Tư duy nhị phân được củng cố là do chúng ta đã sống ở một môi trường quá lâu, với các mối quan hệ cũ, thói quen cũ, công việc cũ. Nếu muốn thoát khỏi thói quen suy nghĩ trắng đen này, chúng ta cần phải có trải nghiệm mới.

Danh sách này không có gì quá lớn lao hay mạo hiểm. Một phần trong việc phá vỡ thói quen suy nghĩ của chúng ta là thay đổi trải nghiệm hàng ngày của chúng ta. Chỉ cần bạn tham gia một lớp học miễn phí trực tuyến trên Coursera hay Khanacademy, học một ngôn ngữ, tìm một sở thích mới, chạy xe qua vùng lân cận hoặc chỉ làm những việc khác với ngày hôm qua.


Hai nền tảng giáo dục trực tuyến miễn phí từ các chuyên gia hàng đầu

Khanacademy.org

Khan Academy là một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận tại Mỹ do Sal Khan thành lập vào năm 2008 với mục tiêu tạo ra một bộ công cụ trực tuyến để cung cấp nội dung giáo dục cho người học.

Khan Academy sản xuất các bài học ngắn dưới dạng video. Trang web của tổ chức cũng cung cấp các bài tập bổ trợ và tài nguyên cho các nhà giáo dục.

Mọi tài nguyên đều được cung cấp miễn phí cho những người sử dụng trang web và ứng dụng của Khan Academy.
(Nguồn: Wikipedia)

Coursera.org

Coursera (/kɔːrsˈɛrə/) là một công ty công nghệ giáo dục chuyên cung cấp các khoá học trực tuyến đại chúng mở (massive open online course – MOOC). Công ty được thành lập bởi hai giáo sư khoa học máy tính Andrew Ng và Daphne Koller thuộc Đại học Stanford.

Coursera hợp tác với nhiều trường đại học trên thế giới để cung cấp một số khoá học trên mạng của các trường này cho người đăng ký, các khoá học có thể thuộc ngành khoa học kỹ thuật, nhân văn học, y học, sinh học, khoa học xã hội, toán học, kinh tế học, khoa học máy tính và một số lĩnh vực khác.
(Nguồn Wikipedia)


Khi làm những điều mới, chúng ta đang mở rộng cơ hội để tiếp cận những ý tưởng và quan điểm mới, từ đó có góc nhìn rộng hơn về cách mọi thứ đang vận hành.

2. Gặp gỡ những người mới

Điều tương tự cũng xảy ra khi gặp gỡ những người mới. Nếu danh sách bạn bè, người thân của bạn có vẻ ngoài và suy nghĩ giống bạn, thì có lẽ bạn đang mắc kẹt trong vòng lặp phản hồi. Bạn đã tạo ra một vòng lặp phản hồi, nơi mọi người đồng ý với bạn và bạn không cảm thấy bị thách thức về quan điểm hay thái độ của mình.

Vòng lặp phản hồi

Click để xem giải thích

Vòng lặp phản hồi với sự phát triển cá nhân

Vòng lặp phản hồi (feedback loop) là quá trình trong đó đầu ra của một hệ thống được sử dụng như là đầu vào của hệ thống đó, từ đó tạo ra các phản hồi và tác động trở lại đầu vào. Nếu các phản hồi này không được điều chỉnh hoặc thay đổi, vòng lặp này sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại, tạo thành một chu trình. Các phản hồi giống nhau trong vòng lặp có thể dẫn đến việc tạo ra một loại thông tin hoặc quan điểm đơn hướng, không có sự đa dạng hay mở rộng quan điểm.

Ví dụ, nếu bạn đăng tải các bài viết trên mạng xã hội mà chỉ nhận được sự đồng tình từ người theo dõi của bạn, bạn sẽ được xác nhận rằng những gì bạn nghĩ và viết là đúng. Điều này sẽ thúc đẩy bạn viết thêm các bài viết tương tự để tiếp tục nhận được phản hồi tích cực. Điều này dẫn đến một vòng lặp phản hồi tích cực, khiến bạn không bị thách thức hoặc khuyến khích để suy nghĩ về các quan điểm khác nhau.

Thoát khỏi suy nghĩ nhị phân bằng cách gặp gỡ những người mới—những người đến từ các nền văn hóa, vùng miền, ngành nghề và hoàn cảnh khác nhau. Trò chuyện với họ, tò mò và cởi mở trước các quan điểm khác biệt đó, bạn sẽ thấy thế giới quan của mình đang dần mở ra.

3. Trau dồi tính tò mò

Thay vì đặt sự quan tâm vào những tin tức sự kiện không có giá trị, như scandal người nổi tiếng, tranh chấp pháp luật, tai nạn giao thông… hãy bắt đầu đặt sự quan tâm đúng chỗ.

Sự tò mò đúng đắn cần phải tập trung vào những điều quan trọng có ảnh hưởng tới cuộc sống, góc nhìn của chính bạn. Ví dụ như tò mò về những thứ bạn ăn, không khí, môi trường xung quanh, điều gì ảnh hưởng đến các giác quan của bạn, cơ thể bạn đang vận hành như thế nào… thì sẽ luôn có một vũ trụ rộng lớn chờ bạn khám phá.

Tôi không có tài năng đặc biệt nào, tôi chỉ có sự tò mò đầy nhiệt huyết.

Albert Einstein


Tò mò về câu hỏi vì sao một người lại có cách hành xử như vậy cũng là một cách tiếp cận tốt. Hãy nói chuyện với một người lạ và yêu cầu họ kể cho bạn nghe một câu chuyện thú vị. Hãy quan sát cách họ cư xử và thực sự đắm chìm trong câu chuyện của họ. Bạn sẽ dần dần hiểu được cách mà mọi người đang cảm nhận thế giới này. Từ đó bạn có thể điều chỉnh những lối suy nghĩ cố định của bản thân.

Một hiệu ứng tốt là bạn càng quan tâm đến người khác, thì người khác sẽ càng quan tâm đến bạn. Điều này cho phép một mối quan hệ phát triển thành một thứ gì đó có thể ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của bạn.

4. Tiếp nhận thông tin với sự cởi mở

Hãy chậm lại một nhịp khi tiếp thu điều gì đó. Phản ứng trực giác ban đầu của chúng ta thường vận hành theo cách suy nghĩ nhị phân. Chúng ta có xu hướng đưa ra các giả định và đánh giá nhanh trước khi thu thập tất cả thông tin cần thiết để thực sự hiểu rõ vấn đề.

Ví dụ như một người khi nghe tin một đại gia lớn tuổi cưới vợ trẻ đẹp, chắc chắn sẽ nghĩ ngay đến mối quan hệ lợi ích tình tiền. Thay vì cho rằng cô gái lấy người đàn ông vì ông ta giàu có, hãy thử tìm hiểu xem hoàn cảnh hai người đến với nhau, tiểu sử, nghề nghiệp của mỗi người, bối cảnh xã hội… điều này là rất quan trọng để hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Nếu bạn không thể hiểu rõ cặn kẽ điều gì, vậy thì hãy bỏ qua chúng và không cố gắng đưa ra quan điểm cá nhân. Giữ thái độ trung lập cũng là một cách tiếp nhận cởi mở không định kiến.

5. Xây dựng sự đồng cảm

Khi bàn luận đến việc ai đó tự tử, điều phổ biến mà mọi người thường bàn tán là trở nên công kích người trong cuộc. Họ xót thương cho người ở lại, chỉ trích người ra đi đã nông nổi, ích kỷ như thế nào khi quyết định chấm dứt mạng sống của mình như vậy.

Cá nhân tôi không cổ súy việc tự tử, nhưng thực sự căn bệnh trầm cảm – nguyên nhân phổ biến dẫn đến tự tử là một căn bệnh đáng sợ hơn chúng ta nghĩ. Nó không đơn giản là cảm giác buồn bã, bất lực, chán nản, nó là trạng thái tinh thần mất kiểm soát với suy nghĩ của chính mình. Nhà sư Minh Niệm từng kể có trường hợp trầm cảm đến mức cứ ngồi thẩn thờ hàng giờ liền và chảy nước dãi liên tục. Lúc đó, nạn nhân cần đến các biện pháp can thiệp bằng thuốc và trị liệu chuyên môn, chứ không đơn thuần là những lời động viên, khuyên nhủ.

Khi biết rằng vùng xám đang tồn tại giữa các vùng đen trắng, chúng ta chấp nhận có nhiều người hành động vì những nguyên nhân không thể nào hiểu rõ được. Ta sẽ thôi phán xét họ và cố gắng hiểu chuyện gì đã xảy ra với họ, từ đó trở nên đồng cảm hơn.

6. Tránh rơi vào hiệu ứng Dunning-Kruger

Khi mọi người không biết gì về một chủ đề, họ có lẽ dĩ nhiên là họ không tự tin với hiểu biết của mình. Tuy nhiên, ngay khi họ biết một chút, sự tự tin của họ tăng vọt. Hiệu ứng Dunning-Kruger mô tả trạng thái biết một chút nhưng lại tự tin thái quá.

Sau đó, càng học nhiều, mọi người càng trở nên kém tự tin hơn vì họ nhận ra rằng nó phức tạp hơn những gì họ nhận ra ban đầu. Khi ai đó bắt đầu trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực, sự tự tin của họ cuối cùng cũng bắt đầu tăng dần trở lại.

Biết về Hiệu ứng Dunning-Kruger là rất quan trọng nếu bạn muốn tránh suy nghĩ nhị phân. Điện thoại thông minh giúp ta nhanh chóng biết ngay những điều cơ bản về bất kỳ điều gì ở mọi chủ đề. Điều này khiến chúng ta cảm thấy quá tự tin về sự hiểu biết của mình về nhiều thứ.

Tự tin kiểu này sẽ khiến bạn giảm sự tò mò về mọi thứ và chắc chắn với suy nghĩ của mình, là hai biểu hiện rõ nét của tư duy nhị phân. Vì vậy, bạn cần hiểu rằng bất kỳ điều gì không được tìm hiểu một cách kỹ lưỡng đều chỉ là bề nổi của tảng băng trôi. Bạn không nên dựa vào đó để củng cố quan điểm cá nhân hay đưa ra bất kỳ quyết định nào.

7. Chấp nhận sự không chắc chắn

Cuối cùng, nếu muốn ngừng suy nghĩ nhị phân, chúng ta cần nhắc nhở bản thân mỗi ngày rằng thế giới rất phức tạp và chúng ta không biết nhiều như mình nghĩ. Mặc dù điều này có thể gây lo lắng, nhưng đó là nhận thức quan trọng cần nắm bắt nếu bạn muốn phát triển bản thân xa hơn.

Chúng ta không nhất thiết phải trở nên chắc chắn, tự tin với mọi vấn đề. Chúng ta cũng không phải là người đúng đắn trong tất cả mọi chuyện. Bạn cần chấp nhận điều mình không hiểu rõ, thoải mái với sự mơ hồ của thông tin. Hãy luôn nghĩ rằng, bản thân cũng giống như một sản phẩm phần mềm, luôn có lỗi sai và luôn có thể nâng cấp.

Tóm lại cái bài dài thòng

Các ý tưởng trong bài là sự kết hợp nhiều nguồn tài liệu khác nhau, với nỗ lực cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quát về tư duy nhị phân. Hy vọng bài viết sẽ bước đầu cho bạn những gợi ý để bạn tìm hiểu sâu hơn về chủ đề, từ đó có chiến lược “cải tổ” bản thân phù hợp.

Bản thân tôi là người cởi mở, nhưng không tránh khỏi tư duy nhị phân trong nhiều tình huống và vẫn đang nỗ lực thay đổi mỗi ngày. Chúc cho cuộc cách mạng này của chúng ta thành công!

Tóm tắt bài viết về tư duy nhị phân/tư duy đen trắng

Bài 1: Tư duy nhị phân – Tư duy đen trắng không có vùng xám
  1. Tư duy nhị phân là gì?
  2. Lợi ích của tư duy nhị phân
    • Lối tắt tư duy giúp củng cố sự tự tin
    • Nhanh chóng ra quyết định
  3. Tại sao kiểu tư duy này sẽ nhấn chìm bạn
    • Hạn chế khả năng tiếp thu thông tin mới
    • Thiếu sự đồng cảm, dễ xảy ra xung đột trong các mối quan hệ
    • Giảm động lực cố gắng
    • Tự nhận thức kém
    • Cảm giác tuyệt vọng
    • Khó nhìn thấy rủi ro/cơ hội trong các tình huống
Bài 2: 7 cách thêm vùng xám vào hai vùng đen – trắng của tư duy nhị phân
  1. Thử những điều mới
  2. Gặp gỡ những người mới
  3. Trau dồi tính tò mò
  4. Tiếp nhận thông tin với sự cởi mở
  5.  Xây dựng sự đồng cảm
  6. Tránh rơi vào hiệu ứng Dunning-Kruger
  7. Chấp nhận sự không chắc chắn

Bài viết thuộc sở hữu của Sabia.vn. Mọi sao chép, trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn từ Sabia.

Bài viết tham khảo nguồn tài liệu:

  1. https://www.lifehack.org/881768/binary-thinking
  2. https://www.irishtimes.com/ireland/education/2022/10/18/the-secret-teacher-binary-thinking-is-wrecking-young-heads/
  3. Wikipedia cho phần giới thiệu Cousera và Khanacademy

Về tác giả